12 xu hướng chủ đạo của thương mại điện tử năm 2024 (Phần 2)

QUÂN BẢO 02/01/2024 02:30

“Phát triển bền vững” sẽ lấy lòng được giới trẻ, VR/AR hứa hẹn sẽ chinh phục được người tiêu dùng mạng trong năm 2024.

>>12 xu hướng chủ đạo của TMĐT năm 2024 (Phần 1)

Gia tăng cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm

Cá nhân hóa trong TMĐT tức là doanh nghiệp phải tạo nên những tương tác độc đáo với người dùng dựa trên sở thích và nhu cầu của họ. Ở khía cạnh này, những công cụ đề xuất bằng AI sẽ là thứ hỗ trợ đắc lực nhất. Chúng thường dựa trên các dữ liệu như thời gian xem sản phẩm hoặc các lượt mua trong quá khứ để gợi ý các sản phẩm mới. Tính năng này sẽ giúp nâng cao cơ hội mua hàng, gia tăng doanh số bán hàng trực tuyến.

Ngày càng nhiều công cụ thanh toán kỹ thuật số

Để thuận tiện cho người dùng, những nền tảng TMĐT đang tích hợp thêm nhiều cách thanh toán mới bên cạnh phương pháp truyền thống. Đó có thể là PayPal, ví điện tử, thẻ tín dụng, COD (nhận hàng trả tiền) hoặc Mua Trước Trả Sau (BNPL)

Trong đó, BNPL đang phát triển rất mạnh, có giá trị đến 7,34 tỷ USD năm 2022 và dự kiến tăng 9 lần vào năm 2032, với hơn 61 tỷ USD. Hiện nay mỗi khu vực đều có rất nhiều ứng dụng BNPL, chẳng hạn Tabby ở Trung Đông - Bắc Mỹ, Afterpay ở Úc, Affirm ở Mỹ, Klarna ở châu Âu hoặc Grab Paylater ở Đông Nam Á.

Mô hình headless và API

Việc áp dụng các hệ thống TMĐT headless hoặc dựa trên API đem đến sự linh hoạt cho doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi của người dùng.

TMĐT headless là kiểu TMĐT trong đó frontend (phần người dùng nhìn thấy) tách biệt hoàn toàn với backend (cách quản trị viên quản trị, vận hành website). Như vậy, TMĐT headless cho phép doanh nghiệp có thể thay đổi diện mạo các cửa hàng trực tuyến mà vẫn duy trì trải nghiệm người dùng nhất quán trên các thiết bị. Đồng thời họ cũng dễ dàng cập nhật những tính năng mới mà không cần chỉnh sửa phần backend.

Một trong những giải pháp TMĐT headless phổ biến hiện nay là ShopifyPlus, cho phép doanh nghiệp biến nhiều thiết bị trở thành kênh TMĐT nhanh chóng và hiệu quả.

Thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR)

AR là tính năng cực kỳ phù hợp nếu doanh nghiệp muốn đem đến trải nghiệm xem sản phẩm một cách tối ưu nhất.

Các thống kê cho thấy nhu cầu về giải pháp VR trong bán lẻ sẽ đạt 5,5 tỷ USD vào năm 2028, còn AR trong bán lẻ dự kiến đạt 6,7 tỷ USD.

AR và VR có thể đem đến những trải nghiệm sống động mà trước đây chưa có loại công nghệ nào làm được. Chúng cho phép người mua mặc thử quần áo, ướm thử đồ nội thất vào nhà, dùng thử các loại mỹ phẩm ngay trên chính các thiết bị điện tử, không cần trực tiếp đến cửa hàng.

Maybelline New York đang triển khai khá tốt tính năng này, khi website của họ cho phép người dùng thử đồ trang điểm ảo ngay trên website.

Việc tích hợp những công nghệ như AR hoặc VR giúp doanh nghiệp đem đến trải nghiệm mua sắm tốt hơn cho khách hàng, từ đó tăng mức độ trung thành và thúc đẩy doanh thu.

TMĐT B2B

Hiện nay nhiều nền tảng TMĐT ra mắt các khu vực nơi nhà bán buôn, nhà phân phối, nhà sản xuất có thể cung cấp mức chiết khấu tốt hơn cho những người mua số lượng lớn. Đây là một cách rất hiệu quả để thu hút các đại lý bán hàng nhỏ lẻ đang muốn tìm nguồn cung.

Theo Statista, châu Á vẫn là địa bàn chính của TMĐT B2B. Đặc biệt thị trường này tại Trung Quốc có giá trị lên đến 3,72 nghìn tỷ USD. Còn về tổng thể, thị trường TMĐT B2B toàn cầu dự kiến đạt 26,59 nghìn tỷ vào năm 2030, với CAGR đạt 18% cho giai đoạn 2023 đến 2030.

Các biện pháp an ninh mạng

TMĐT phát triển đồng nghĩa với số lượng giao dịch trực tuyến cũng tăng mạnh. Các ước tính cho thấy thị trường này sở hữu tốc độ tăng trưởng hằng năm là 11,83%, đạt tổng giá trị 14,78 nghìn tỷ USD năm 2027.

Trong khi đó, các vụ tấn công mạng cũng gia tăng. 43% những vụ tấn công này là nhằm vào các doanh nghiệp nhỏ, nơi mà chỉ khoảng 14% có đủ điều kiện để phòng thủ.

Tình trạng này dấy lên hồi chuông cảnh báo cho các doanh nghiệp về tầm quan trọng của các biện pháp an ninh mạng nhằm chống lại các cuộc tấn công hoặc lừa đảo qua mạng.

Các doanh nghiệp nên thường xuyên thay đổi mật khẩu, cập nhật phần mềm, cũng như triển khai các biện pháp xác thực bằng nhiều yếu tố như mã PIN, SMS, email hoặc ứng dụng điện thoại.

Phát triển bền vững

Theo phân tích của McKinsey, bao bì thân thiện với môi trường là một trong bốn xu hướng bao bì dự kiến sẽ nở rộ trong năm 2024. Xu hướng này chắc chắn được lòng người mua thế hệ trẻ. Họ cũng rất ủng hộ những thương hiệu có các cam kết vì môi trường. Thống kê cho thấy 73% Gen Z sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho các sản phẩm phát triển bền vững. Những con số này nhấn mạnh tầm quan trọng của xu hướng thân thiện với môi trường khi tiếp thị đến thế hệ trẻ.

Do đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu và triển khai các phương án đóng gói thân thiện với môi trường trong những năm tới. Điều này không chỉ làm giảm các vấn đề về môi trường, mà còn giúp doanh nghiệp xây dựng những kết nối mạnh mẽ đến khách hàng.

Kết luận

Doanh nghiệp TMĐT thành công là những nơi bắt kịp các xu hướng mới nổi và luôn ưu tiên nhu cầu của khách hàng. Do đó, doanh nghiệp cần phải điều chỉnh hoạt động kinh doanh theo những xu hướng nổi bật năm 2024 để tạo sự khác biệt và ưu thế trong bối cảnh thị trường TMĐT chật chội và đầy sự cạnh tranh.

Có thể bạn quan tâm

  • Việt Nam có thể trở thành chuỗi cung ứng mới nổi của TMĐT toàn cầu

    Việt Nam có thể trở thành chuỗi cung ứng mới nổi của TMĐT toàn cầu

    11:07, 07/12/2023

  • Cần có chế tài để doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu trên môi trường TMĐT

    Cần có chế tài để doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu trên môi trường TMĐT

    00:06, 03/06/2023

  • Cần xác định rõ bản chất hoạt động của TMĐT để có chính sách quản lý phù hợp

    Cần xác định rõ bản chất hoạt động của TMĐT để có chính sách quản lý phù hợp

    04:00, 11/04/2023

QUÂN BẢO