Cải thiện môi trường kinh doanh – Kỳ vọng sự… “trở lại”
Sau 1 năm gộp vào Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2023 về điều hành kinh tế - xã hội, việc tách độc lập Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh đem đến nhiều kỳ vọng...
>> Quyết liệt thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đáng chú ý, sau 1 năm được gộp vào Nghị quyết 01/NQ-CP về điều hành kinh tế - xã hội, Nghị quyết riêng về vấn đề này (từ năm 2019 đến năm 2021 là Nghị quyết 02/NQ-CP, từ năm 2014 đến năm 2018 là Nghị quyết 19/NQ-CP) được ban hành độc lập trở lại.
Dự thảo Nghị quyết năm 2024 có cả các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, Dự thảo nêu ra 6 nhóm giải pháp chính, như: tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư; nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; đẩy mạnh cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả cổng thông tin một cửa quốc gia; gia tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp; hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững; nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh.
Lý giải về việc cần phải tách bạch nội dung này thành một Nghị quyết riêng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Trần Duy Đông cho biết, trong những tháng đầu năm 2023, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp vô cùng khó khăn. Hàng loạt cuộc làm việc với đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp đã được Bộ tổ chức nhằm ghi nhận các vấn đề vướng mắc và kiến nghị. Các cuộc làm việc cho thấy có sự chậm lại đáng kể, thậm chí là trì trệ, sao nhãng trong thực hiện các nhiệm vụ về cải thiện môi trường kinh doanh.
“Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023, Thủ tướng đã quyết định khôi phục lại nghị quyết hàng năm về cải thiện môi trường kinh doanh, với các nhiệm vụ cụ thể, thường xuyên nhằm tạo áp lực cho các bộ, ngành, địa phương trong thực thi”, Thứ trưởng Trần Duy Đông chia sẻ.
>>Doanh nhân góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh trong tình hình mới
Thực tế cho thấy, năm 2023 khi các nội dung về cải thiện môi trường kinh doanh được nhập vào thành một phần của Nghị quyết số 01/NQ-CP nhiều ý kiến kỳ vọng, việc thực hiện yêu cầu báo cáo hàng tháng của Nghị quyết 01/NQ-CP sẽ đặt yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng trong điều hành và phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức trong điều hành kinh tế năm 2023 khiến động lực cải cách của các bộ, ngành suy giảm. Đặc biệt, việc thiếu yêu cầu báo cáo, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cũng khiến các cơ sở giám sát thực thi của các bên liên quan giảm đi, ảnh hưởng đến sự sẵn sàng chia sẻ và đóng góp chính sách của cộng đồng doanh nghiệp…
Vì vậy, việc quay trở lại, tách bạch Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thành một Nghị quyết độc lập đem đến nhiều kỳ vọng. Đặc biệt là yêu cầu kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ được giao,…
Theo TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), với sự trở lại của Nghị quyết riêng về cải thiện môi trường kinh doanh, thông điệp được đưa ra là Chính phủ chọn cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên và như vậy sẽ có sự thực hiện mạnh mẽ, cải thiện hơn năm 2023.
Chia sẻ về những điểm thuận lợi của Dự thảo Nghị quyết năm 2024, TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Ban Cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết, Dự thảo quy định, các bộ, ngành, địa phương, trong phạm vi thẩm quyền, chủ động và khẩn trương tháo gỡ triệt để các rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác nhau của các quy định pháp luật.
Đối với những vấn đề không thuộc thẩm quyền thì tập hợp vấn đề kèm theo các giải pháp tương ứng (nếu có) để kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền; đồng thời gửi kiến nghị tới các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.
“Khác với các Nghị quyết về nội dung này những năm trước, lần này, trọng trách của các tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ là tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tổ công tác cải cách thủ tục hành chính được xác định rất cụ thể ở cả vai trò xử lý và giám sát thực hiện.
Nhiệm vụ chủ động rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh; tiếp tục rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành… cũng được tiếp tục nhấn mạnh, theo hướng bãi bỏ điều kiện kinh doanh không hợp pháp, không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, khó xác định, khó dự đoán và không dựa trên cơ sở khoa học rõ ràng; áp dụng đầy đủ nguyên tắc về quản lý rủi ro dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và mức độ rủi ro của hàng hóa; phân biệt những vi phạm nhỏ mang tính hành chính, không ảnh hưởng đến giá trị và chất lượng của hàng hóa, như lỗi đánh máy, chậm nộp hồ sơ với những vi phạm lớn như về chất lượng hay gian lận…”, bà Thảo chia sẻ.
Nhìn nhận về nội dung Dự thảo Nghị quyết này, nhiều ý kiến cũng cho hay, việc khôi phục Nghị quyết độc lập về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là cần thiết, bởi nếu không cải cách hoặc cải cách không đủ mạnh, không đủ lớn, sẽ khiến doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, làm giảm bớt niềm tin của doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Quyết liệt thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh
05:00, 01/01/2024
Bịt “kẽ hở” pháp luật, tạo môi trường kinh doanh minh bạch
20:40, 27/12/2023
Để môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng từ hóa đơn điện tử
03:30, 11/12/2023
Lạng Sơn: Tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn thu hút vốn đầu tư
21:05, 02/12/2023
Vẫn còn thủ tục hành chính rườm rà, môi trường kinh doanh chưa thông thoáng
15:00, 14/11/2023