Giao hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng: Thách thức và kỳ vọng mới của ngân hàng
Ngay từ đầu năm 2024, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã được Ngân hàng Nhà nước giao hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm, theo định hướng chỉ tiêu toàn ngành 15%.
>>>Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng 15% năm 2024
Đây là nỗ lực lớn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong bối cảnh năm 2024, lạm phát được xem là một ẩn số lớn với các yếu tố rủi ro có thể tác động từ bên ngoài khá lớn.
Cụ thể, rủi ro từ cuộc chiến tranh Nga-Ukraina kéo dài và xung đột Hamas - Israel ở dải Gaza vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Rủi ro xung đột chính trị, địa chính trị được cho sẽ luôn kéo theo nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và làm giá hàng hóa, giá dầu, giá cước vận tải... leo thang.
Bên cạnh đó, nguy cơ suy thoái kinh tế vẫn còn tiềm ẩn đặc biệt ở các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng xấu đến kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam.
Năm 2024, dự báo tình hình thiên tai trong năm tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong những tháng đầu năm, hiện tượng El Nino tiếp tục duy trì với xác suất trên 95%. Nguồn cung lương thực toàn cầu cũng bị đặt trước bài toán rủi ro cao. Tuy lợi thế của Việt Nam là có chính sách an ninh lương thực và là nước xuất khẩu lương thực, song trong bối cảnh chung, yếu tố này cũng được nhận diện lại là rủi ro tác động tới lạm phát.
>>>Không thể loại trừ hoàn toàn khả năng tăng lãi suất của NHNN
Cùng với đó, tuy gần như được đánh giá ít có khả năng xảy ra nhưng rủi ro đổ vỡ ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong nước khi khối lượng đáo hạn cao kỷ lục trong năm 2024, đặc biệt ở khối bất động sản, nếu có, sẽ có thể làm trầm trọng thêm khả năng cải thiện thanh khoản và tác động tới các ngân hàng.
Nhìn chung những rủi ro của 2024 được đánh giá không có xác suất cao về khả năng xảy ra, song với "bóng đen" tạo áp lực lạm phát, vẫn đã và luôn là bài toán lớn của các ngân hàng trung ương, trong đó có NHNN Việt Nam. Vì vậy, việc điều hành tăng trưởng tín dụng và lựa chọn công cụ nào, cũng trở nên có áp lực lớn hơn.
Kỳ vọng đa mục tiêu
Ở góc độ một NHTM, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc NHTMCP Phương Đông (OCB) - cho biết, thực ra đang có rất nhiều quan điểm khác nhau liên quan đến hạn mức tín dụng. "Mặc dù với tư cách là NHTM, cơ chế của Nhà nước càng dễ càng đơn giản thì chúng tôi càng thích. Theo thực tế khách quan cho thấy, tỷ lệ tín dụng/ tổng GDP của Việt Nam là cao. Bên cạnh đó, nguy cơ như lạm phát vẫn rình rập. Chúng ta quản lý tốt lạm phát vì chúng ta có những bước đi thích hợp chứ không có nghĩa lạm phát tự nhiên thấp", ông Tùng nói.
"Phải nói rằng lạm phát giữ ổn định mức thấp trong mấy năm qua là do có sự điều hành của Chính phủ, của NHNN. Do đó chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh tỷ lệ tín dụng/ GDP của nền kinh tế đang ở mức cao, thì theo tôi nên đặt ra những ngưỡng kiểm soát nhất định, không nên thả lỏng hoàn toàn. Tức là tăng trưởng tín dụng toàn ngành vẫn nên đặt ngưỡng/ chỉ tiêu nhất định cho phù hợp với quá trình phát triển kinh tế, một mặt vẫn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mặt khác không để gây ra những hậu quả không kiểm soát được như lạm phát hay khả năng trả nợ trong tương lai.
“Theo cá nhân tôi quan sát, NHNN cũng đang có những cách thức, công cụ, chính sách để kiểm soát tăng trưởng tín dụng của mỗi ngân hàng tham gia trong hệ thống, không có chuyện thả lỏng cho các NH cũng như đặt kỳ vọng các NH tự kiểm soát của mình được.", ông cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo ông Tùng, trên thực tế hiện nay cũng có rất nhiều cách khác nhau để tiếp cận vấn đề này và NHNN đã, đang thực hiện rất tốt về việc cải tiến, giảm thiểu quy trình hành chính. Đặc biệt, đặt ra nhiều tiêu chí rất rõ ràng như NH tuân thủ sớm, đáp ứng đủ các yêu cầu về Basel thì có thể là căn cứ, hoặc tiêu chí phân nhóm, phân loại để cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho phù hợp, tránh chuyện phải xem từng NH để xét", vị lãnh đạo của NHTM chia sẻ.
Ở phía áp lực khác, ngay từ đầu năm 2024, NHNN đã tỏ rõ nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng với chỉ tiêu định hướng cao (15%); đồng thời giao hết chỉ tiêu cho các ngân hàng. Và cũng như khẳng định của NHNN, trong năm nay, các tổ chức tín dụng không cần có văn bản đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng gửi cơ quan quản lý.
Định hướng và động thái này cho thấy đã có sự đổi mới trong điều hành của NHNN; Đồng thời, hé lộ định hướng chính sách tiền tệ trong 2024 có thể sẽ tiếp tục linh hoạt, nới lỏng để vừa đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối; vừa chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, hỗ trợ tăng trưởng.
Trong sáng nay ngày 3/1/2024, NHNN cũng sẽ có buổi họp trực tuyến triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024 với sự chủ trì của Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú, lãnh đạo các Vụ, Cục, cơ quan của NHNN, Lãnh đạo 4 NH lớn Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội, VAMC, Hiệp hội Ngân hàng; cùng Lãnh đạo, chi cục của NHNN chi nhánh TP HCM. Định hướng chính sách điều hành của cơ quan quản lý sẽ được thông tin từ buổi họp.
Có thể bạn quan tâm
5 giải pháp của NHNN nhằm gỡ khó khăn, vướng mắc cho vay bất động sản
16:59, 13/11/2023
NHNN có thể kiên nhẫn trong việc tăng lãi suất năm 2024
11:10, 25/12/2023
Không thể loại trừ hoàn toàn khả năng tăng lãi suất của NHNN
05:05, 07/11/2023
Phó Thống đốc NHNN: Giảm lãi suất đã đạt mục tiêu
20:41, 04/11/2023