Kiến nghị gia hạn Nghị quyết 42 để xử lý nợ xấu bất động sản
HoREA đề nghị gia hạn Nghị quyết 42 đến hết ngày 31/12/2024 để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng xử lý hiệu quả nợ xấu, trong đó có việc xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản.
>>> Lo ngại khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng liên quan đến Nghị quyết số 42/2017/NQ-QH14 về việc thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Theo HoREA, điều 10 Nghị quyết 42 nêu rõ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện gồm: Dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật; Có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Dự án không có tranh chấp về quyền sử dụng đất đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Không có quyết định thu hồi dự án, thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, bên nhận chuyển nhượng dự án phải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản; kế thừa các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án và tiến hành các thủ tục để tiếp tục thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng.
"Quy định trên đã tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng xử lý hiệu quả các khoản nợ xấu trong giai đoạn từ năm 2017 cho đến nay, đặc biệt là xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản nhưng Nghị quyết số 42/2017/NQ-QH14 đã hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023", Hiệp hội này cho hay.
>> Cần kéo dài chính sách xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42
HoREA cũng cho rằng, khoản 3 Điều 39 và khoản 3 Điều 40 Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2023 đã “luật hóa” một phần nội dung Điều 10 Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Tại khoản 3 Điều 39 Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) quy định: "Sau khi đã hoàn thành việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS, bên nhận chuyển nhượng kế thừa các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư chuyển nhượng và là chủ đầu tư đối với dự án, phần dự án đã nhận chuyển nhượng”.
HoREA cũng nhận thấy, Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025 (sau 1 năm nữa) nên sẽ phát sinh “khoảng trống pháp lý” trong năm 2024 do trong thời gian này thì chưa áp dụng Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), còn Nghị quyết 42 thì đã hết hiệu lực.
"Do vậy, Hiệp hội đề nghị Chính phủ phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất Quốc hội xem xét gia hạn Nghị quyết số 42/2017/NQ-QH14 thêm 12 tháng đến hết ngày 31/12/2024 để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng xử lý hiệu quả các khoản nợ xấu, trong đó có việc xử lý tài sản bảo đảm là dự án BĐS"- HoREA nêu kiến nghị.
Báo cáo tài chính quý III/2023 của các ngân hàng niêm yết cho thấy, tỷ lệ nợ xấu cũng như tổng nợ xấu mới hình thành đang ở mức cao nhất trong 5 năm gần đây. Riêng nợ xấu tuyệt đối của 27 ngân hàng niêm yết hiện tăng tới 61% so với đầu năm.
Thực tế bởi từ đầu năm đến nay, công tác thu hồi, xử lý nợ xấu của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn do thị trường bất động sản gần như đóng băng, giao dịch sụt giảm, giá trị tài sản đảm bảo giảm sâu. Song điều khiến các ngân hàng và tổ chức tín dụng lo ngại nhất không hẳn là thực trạng trên, mà trước mắt là Nghị quyết 42 hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023.
Để tránh khoảng trống pháp lý trong xử lý nợ xấu, nhiều ý kiến cho rằng, Quốc hội nên gia hạn Nghị quyết 42.
Có thể bạn quan tâm
Kéo dài thời hạn Thông tư 02/2023: Giảm áp lực nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp
05:30, 22/12/2023
Nợ xấu gia tăng, ngân hàng “đau đầu” vì tài sản đảm bảo
03:00, 15/12/2023
Nếu không hành động, việc "bùng nợ" sẽ để lại hệ quả nợ xấu dài lâu
14:41, 30/11/2023
Cần có trần lãi suất vay tiêu dùng và sàn giao dịch nợ xấu tiêu dùng
11:27, 30/11/2023