Nhiều “điểm cộng” thu hút FDI trong năm 2024
Kinh tế phục hồi nhanh, cân đối vĩ mô đảm bảo, lạm phát được kiềm chế… sẽ là những “điểm cộng” để nhà đầu tư FDI tin tưởng đến Việt Nam “lót ổ”.
>>Năm 2024, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng thu hút FDI
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký năm vừa qua tăng 32,1% là mức tăng cao nhất và ấn tượng tính từ khi dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát từ năm 2020.
Nhận định về dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng cao trong năm 2023, các chuyên gia tư vấn đầu tư cho rằng “cú hích” nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước, nhất là Mỹ, Nhật Bản và EU đã tạo hiệu ứng lan tỏa tới dòng vốn FDI từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… gia tăng vào Việt Nam.
Đó cũng là kết quả chuyển hóa thành công trong hoạt động vận động đầu tư của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng chính quyền các địa phương trong thời gian vừa qua.
Đơn cử, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có các cuộc đối thoại, gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp FDI, lắng nghe kiến nghị, từ đó chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ nhiều vướng mắc. Chính phủ cũng liên tục cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng.
Các chuyên gia nhận định, cơ hội thu hút đầu tư FDI của Việt Nam trong năm 2024 và những năm tới đang mở ra như năm 2008, thời điểm Việt Nam vừa tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Có ý kiến còn dự báo lạc quan khi rằng Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ mới thu hút FDI.
Bình luận nguyên nhân vốn FDI cam kết vào Việt Nam tăng cao trong năm 2023, theo TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đó là do đường lối đối ngoại xác định định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài “đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác” (Nghị quyết 50 BCT) đã được thực thi cụ thể trong năm vừa qua, trong bối cảnh địa chính trị phức tạp, nên Việt Nam vẫn duy trì được là điểm đến đầu tư an toàn.
>>Thu hút FDI của Thanh Hóa năm 2023 và triển vọng
>>Các giải pháp đưa Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về thu hút FDI
Các địa phương trong cả nước đã đồng loạt đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, bằng việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI hiện hữu như cải cách thủ tục hành chính, tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước…
Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động, tích cực, vượt khó, lăn lộn với thị trường, tìm kiếm dự án và nhà đầu tư nước ngoài thích hợp để tiến hành hợp tác đầu tư theo đúng xu hướng đầu tư mới trên thế giới hướng vào đầu tư xanh, công nghệ cao… phù hợp với định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài trong gian đoạn hiện nay và các năm tới của Việt Nam.
“Các điều kiện đảm bảo cho đầu tư nước ngoài có hiệu quả như ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị – xã hội, và cơ sở hạ tầng cứng như hệ thống giao thông, bến cảng, logistics… đều đã được tăng cường. Nguồn nhân lực vẫn còn khả năng đáp ứng nhu cầu đầu tư nước ngoài”, ông Thắng nói.
Với một nền kinh tế có độ mở rất cao, các phân tích cho rằng Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội thu hút FDI chất lượng cao từ các doanh nghiệp lớn trên thế giới.
Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, trong đó có 16 FTA đang được thực thi hiệu quả, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế.
Những yếu tố quan trọng khác tạo nên cơ hội trong thu hút FDI vào Việt Nam như sự ổn định chính trị, nền kinh tế đang phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát được kiềm chế… sẽ tiếp tục là điểm cộng để nhà đầu tư tin tưởng đến “lót ổ”.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2024, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng thu hút FDI
03:30, 02/01/2024
Thu hút FDI của Thanh Hóa năm 2023 và triển vọng
13:41, 29/11/2023
Các giải pháp đưa Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về thu hút FDI
01:57, 28/10/2023