Chiến dịch “Đón năm mới 2 lần” “vỡ mộng” của United Airlines
Hãng hàng không United Airlines tung chiến dịch tiếp thị “Đón năm mới 2 lần”, tổ chức chuyến bay cất cánh ngày 1/1/2024 và hạ cánh ngày… 31/12/2023. Cuối cùng, chuyến bay bị… trễ giờ và tất cả đổ bể.
>>Hàng không châu Á - Thái Bình Dương "chật vật" phục hồi
Có một hiện tượng rất thú vị, đó là có những chuyến bay bay về… hôm trước. Sự là, theo quy ước giờ quốc tế, có một đường gọi là “đường đổi ngày quốc tế” chạy dọc Thái Bình Dương, cắt đôi eo biển Bê-rinh giữa Nga và Mỹ. Một ngày mới được quy ước bắt đầu từ đường này. Vậy nên, nếu có chuyến bay bay xuôi chiều quay của Trái đất, bay nhanh hơn tốc độ quay của Trái đất, bay vượt qua đường đổi ngày thì ngày giờ sẽ thành ngày hôm trước.
Lợi dụng hiện tượng này, hãng hàng không United Airlines tung ra chiến dịch tiếp thị “đón năm mới 2 lần”. Hãng tung ra nhiều quảng cáo cho chuyến bay cất cánh từ đảo Guam vào lúc 7:35 sáng ngày 1/1/2024 và hạ cánh xuống Honolulu lúc 6 giờ 50 tối ngày 31/12/2023. Tức là những hành khách trên chuyến bay này sẽ được trải qua giao thừa năm 2024 những 2 lần. Một lần ở đảo Guam và một lần ở Hawaii.
Trong chiến dịch quảng cáo cho chuyến bay đặc biệt này, United Airlines dùng những cụm từ và câu chữ rất có sức hút, chẳng hạn “chuyến du hành quay ngược thời gian” hoặc “Bạn chỉ có thể sống một lần trên đời, nhưng có thể chào đón giao thừa hai lần một năm”.
Các hành khách trên chuyến bay UA200 của United Airlines háo hức trước viễn cảnh được đón giao thừa lần thứ hai vì lịch trình sẽ bay qua Đường đổi ngày quốc tế này. Trải nghiệm này hứa hẹn hấp dẫn đến nỗi trước đó nhiều người bay đến Guam chỉ để được bay trên chuyến bay “2 năm mới” của United Airlines.
Thế nhưng người tính không bằng trời tính, kế hoạch này bị phá sản vì một đợt hoãn giờ bay đến 6 tiếng đồng hồ. Tức là khi máy bay hạ cánh, thời gian ở Honolulu đã bước sang năm mới 2024, và du khách không còn được trải nghiệm Giao thừa lần thứ hai trong năm nữa.
Đây là tuyến đường bay hiếm khi xảy ra trì hoãn. Sự cố đợt này là kết quả của hiệu ứng domino từ các lịch trình bay trước đó. Cụ thể, một vấn đề về bảo trì ở San Francisco khiến chuyến bay bị hoãn 9 tiếng, dẫn đến việc máy bay đến Guam bị trễ, khiến thời gian hạ cánh ở Honolulu cũng trễ theo.
Những hành khách trên chuyến bay đặc biệt này bày tỏ sự thất vọng và chán nản trên mạng xã hội. Đây là điều dễ hiểu, bởi vì họ là những người bỏ tiền để được lên chuyến bay và cực kỳ háo hức với việc đón giao thừa 2 lần.
Về phía hãng bay, United Airlines bày tỏ thiện chí và đồng ý hỗ trợ những hành khách bị ảnh hưởng đặt lại vé khác. Nhưng sự thất vọng của những hành khách này có thể hiểu được là rất khó có thể bù đắp.
Cùng với đó, cũng có nhiều người may mắn hơn. Các chuyến bay vượt qua Đường đổi ngày quốc tế của các hãng hàng không khác đều diễn ra suôn sẻ. Chẳng hạn chuyến CX872 của Cathay Pacific hoặc NH106 của All Nippon Airways.
Trên thực tế, ý tưởng sử dụng việc chênh lệch múi giờ để trải nghiệm giao thừa hai lần không hề mới lạ, phi hành đoàn và các hành khách đều biết. Thế nhưng điều đó cũng không thể ngăn người ta thôi mong chờ các chuyến bay kiểu này, vì chúng là một thứ hấp dẫn và thú vị để kỷ niệm năm mới.
Thế nhưng khó lường là bản chất của cuộc sống. Nói cách khác, dù con người có chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu, thì vẫn có những sự kiện, những vấn đề khiến kế hoạch ấy đi chệch hướng. Và UA200 là minh chứng tiêu biểu nhất. Hành khách của UA200 đã đến đúng nơi, nhưng lại “nhầm” năm.
Bất chấp điều này, cảm giác mong đợi và thực tế trái ngược hoàn toàn có thể lại là một kỷ niệm không thể nào quên đối với hành khách UA200, ngay cả khi đó là điều mà không chưa bao giờ nghĩ đến.
Có thể bạn quan tâm