Sửa đổi Nghị định 132 về giao dịch liên kết: Góc nhìn từ thông lệ quốc tế
Các doanh nghiệp đang rất mong chờ vào việc sửa đổi nghị định 132 để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện tại, đặc biệt là cơ chế tính toán chi phí lãi vay vượt trần.
>>>ĐIỂM BÁO NGÀY 27/12: Bất cập thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
Bà Đinh Mai Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách toàn quốc về tư vấn giá giao dịch liên kết, Deloitte Việt Nam, cho biết các doanh nghiệp đang rất mong chờ vào việc sửa đổi nghị định 132 để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện tại, đặc biệt là cơ chế tính toán chi phí lãi vay vượt trần, góp phần tạo động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp trong thời gian sắp tới.
Nghị định 132/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (“Nghị định 132”) kế thừa và phát huy những quy định trước đây như Nghị định 20/2017/NĐ-CP và Nghị định 68/2020/NĐ-CP để hạn chế tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết, hạn chế tình trạng vốn mỏng của các doanh nghiệp, đáp ứng kịp thời và hiệu quả các yêu cầu đặt ra từ thực tiễn phát triển đất nước, tiệm cận hơn với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng Nghị định 132, các doanh nghiệp cũng gặp một số vướng mắc.
Vừa qua, theo Nghị quyết 105/NQ-CP, Bộ Tài chính đã nhận nhiệm vụ đề xuất các phương án sửa Nghị định 132 về quy định quản lý thuế đối với giao dịch có liên kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2023. Liên quan đến vấn đề này, báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có những trao đổi với Bà Đinh Mai Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách toàn quốc về tư vấn giá giao dịch liên kết, Deloitte Việt Nam.
- Bên cạnh hiệu quả tích cực đã đạt được, Nghị định 132 có còn vướng mắc gì cần sửa đổi không? Thông lệ quốc tế với các vấn đề này như thế nào, thưa bà?
Trong quá trình áp dụng Nghị định 132, các doanh nghiệp cũng gặp một số khó khăn, điển hình cụ thể như các hồ sơ dùng để chứng minh chi phí được trừ cho dịch vụ nội bộ Tập đoàn cũng gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vì quy định yêu cầu “dịch vụ từ các bên liên kết chỉ được xác định đã cung cấp trong điều kiện hoàn cảnh tương tự các bên độc lập chi trả cho các dịch vụ này”.
Trên thực tế, hầu hết các dịch vụ nội bộ chỉ cung cấp cho nội bộ tập đoàn nhằm hỗ trợ cho các hoạt động của các công ty thành viên, đảm bảo tính nhất quán và hiệu quả về chi phí. Do vậy, sẽ không thể tìm được giao dịch tương tự đã cung cấp cho bên độc lập để chứng minh. Liên quan đến vấn đề này, OECD khuyến nghị xác định xem liệu rằng các bên độc lập, trong hoàn cảnh và điều kiện tương đồng, có sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ mà một nhà cung cấp dịch vụ độc lập khác cung cấp hay sẽ tự thực hiện bằng nhân sự hoặc nguồn lực nội bộ sẵn có dựa trên lợi ích kinh tế thương mại.
Xác định loại hình liên kết trong trường hợp khoản vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay. Quy định này sẽ dẫn đến trường hợp ngân hàng thương mại vốn không có quan hệ gì về vốn và điều hành nhưng lại trở thành “bên liên kết” với doanh nghiệp, điều này không phù hợp với thông lệ quốc tế ở một số nước như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines đều không có quy định về loại hình liên kết này. Trung Quốc có quy định tương tự nhưng loại trừ các tổ chức tài chính độc lập.
Quy định về mức trần chi phí lãi vay (Tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế) hiện đang chưa phù hợp với bối cảnh kinh tế Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu sử dụng vốn vay lớn để đầu tư sản xuất kinh doanh hoặc các doanh nghiệp cần hồi phục và phát triển sau giai đoạn Covid. Do đó, tôi cho rằng đây là một trong những vấn đề cần nghiên cứu và đánh giá lại tác động rất kỹ đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại.
>>>Doanh nghiệp cần chú ý gì về giao dịch liên kết trong năm 2023 đầy biến động?
- Xin bà vui lòng làm rõ tác động của mức trần chi phí lãi vay? Các nước đang có quy định như thế nào về vấn đề này?
Quy định về mức trần chi phí lãi vay không phải là quy định mới. Quy định này đã được đề cập lần đầu tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP và sau đó là sửa đổi tại Nghị định 68/2020/NĐ-CP. Quy định đã tham khảo thông lệ ở các nước phát triển để đưa ra mức trần chi phí lãi vay là 30%. Tuy nhiên, quy định này hiện chưa phù hợp với bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện tại, khi mà các doanh nghiệp đang rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay, lãi suất vay tăng cao và cần nhiều vốn để khôi phục sản xuất sau giai đoạn Covid-19.
Việt Nam có thể tham khảo quy định ở một số nước như sau: Tăng mức khống chế lên 50%: Điển hình như Mỹ và Nhật Bản đã tăng từ mức 30% lên 50% để hỗ trợ các doanh nghiệp do ảnh hưởng bởi Covid-19.
Chỉ tính mức khống chế đối với khoản vay từ bên liên kết (quy định hiện tại tính trên cả khoản vay từ bên liên kết và bên độc lập ví dụ như Ngân hàng thương mại). Mục đích của quy định về GDLK là nhằm quản lý việc tuân thủ nguyên tắc giá thị trường của các GDLK. Do đó, các vấn đề liên quan đến lãi vay cũng nên đặt trong tinh thần chung của quy định này – chỉ điều chỉnh lãi vay giữa các bên liên kết. Các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Malaysia cũng chỉ áp dụng đối với các khoản vay từ bên liên kết.
Tăng thời hạn chuyển chi phí lãi vay trên 5 năm: Quy định hiện tại cho phép phần chi phí lãi vay vượt trần sẽ được chuyển tiếp sang 5 năm tiếp theo. Một số nước có chính sách linh hoạt hơn như Malaysia và Mỹ (hiện không giới hạn số năm chuyển chi phí lãi vay vượt trần), Nhật Bản (7 năm), hay Úc (đang xây dựng dự thảo cho phép chuyển sang 15 năm tiếp theo).
Đưa thêm hướng dẫn về cách thức xác định, phân bổ chi phí lãi vay vượt trần và chuyển tiếp sang các năm sau trong trường hợp doanh nghiệp có nhiều hoạt động với mức ưu đãi khác nhau.
- Vậy bà còn khuyến nghị gì để hỗ trợ Bộ Tài chính trong quá trình sửa đổi nghị định 132 không thưa bà?
Các doanh nghiệp đang rất mong chờ vào việc sửa đổi nghị định 132 để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện tại, đặc biệt là cơ chế tính toán chi phí lãi vay vượt trần, góp phần tạo động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp trong thời gian sắp tới. Do đó, nếu các quy định mới được ban hành sớm và có hiệu lực từ năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2023 sẽ thực sự giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp. Bộ Tài chính cần nhanh chóng lên dự thảo quy định, triển khai lấy ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp cũng như các ban ngành liên quan cũng như tham khảo thêm các quy định từ các nước để trình Chính phủ và ban hành quy định sớm nhất có thể trong đầu năm 2024.
Có thể bạn quan tâm
ĐIỂM BÁO NGÀY 27/12: Bất cập thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
04:30, 27/12/2023
Bất cập THUẾ ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP CÓ GIAO DỊCH LIÊN KẾT: Cân nhắc quy tắc chống “vốn mỏng”
15:51, 26/12/2023
Bất cập THUẾ ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP CÓ GIAO DỊCH LIÊN KẾT: “Gỡ khó” trần chi phí lãi vay
15:49, 26/12/2023
Đề xuất sửa quy định về giao dịch liên kết
15:54, 14/11/2023
Doanh nghiệp cần chú ý gì về giao dịch liên kết trong năm 2023 đầy biến động?
04:30, 29/01/2023