“Tắt nhạc” kiểu gì cho giá vàng hết “nhảy múa”?
Biên độ chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới có lúc lên tới 20 triệu đồng/lượng. Đều này ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế vĩ mô.
>>Thủ tướng yêu cầu NHNN điều hành giá vàng miếng theo nguyên tắc thị trường
Vàng là thứ kim loại đặc biệt, là tài sản mà mọi người luôn mong muốn sở hữu. Những gì quý giá người ta hay so sánh với vàng: “Quý như vàng mười”, hay “Vàng thì thử lửa thử than, Chuông kêu thử tiếng người ngoan thử lời”.
Vàng dùng làm đồ trang sức, mỹ nghệ, đắp khảm, dát mạ trang trí từ nhiều năm trước ở hầu hết các nền văn minh của xã hội loài người trên khắp thế giới. Trong thời hiện đại, vàng được dùng cho sản phẩm công nghiệp có chất lượng, giá thành cao nhờ đặc tính vật lý, hoá học đặc hiệu của vàng.
Tâm lý tích trữ vàng thường trực trong suy nghĩ của nhiều người bởi với họ vàng là hiện thân của sự giàu có, thịnh vượng. Có thời, các giao dịch lớn hay giá mua bán bất động sản người ta dùng vàng để định giá bằng cây, chỉ, phân vàng chứ không quy đổi ra tiền. Đến bây giờ vàng vẫn là một kênh để đầu tư và đảm bảo an toàn tài sản cho không ít người, nhất là người thuộc nền văn hoá phương Đông.
Những biến động về địa chính trị, chiến tranh trên thế giới, cuộc chiến Nga - Ukraine, xung đột ở dải Gaza, lò lửa Trung Đông sôi nóng, tình hình lạm phát suy thoái kinh tế ở châu Âu làm giá vàng thế giới tăng một, thì vì tâm lý cùng các yếu tố khách quan, giá vàng trong nước tăng trước gấp mười.
Biên độ chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới có lúc lên tới 20 triệu đồng/lượng. Đều này ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế vĩ mô. Đến mức Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phải ký gấp Công điện số 1426/CĐ-Ttg ngày 27 tháng 12 năm 2023 chỉ đạo các giải pháp quản lý thị trường vàng.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng nhà nước Việt Nam nhanh chóng điều chỉnh và đưa ra các giải pháp hạ nhiệt giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để biên độ tỉ giá chênh lệch quá cao, không để “vàng hoá” nền kinh tế. Nghị định 24/2012/NĐ-CP từng phát huy vai trò kiểm soát chính sách quản lý thị trường vàng, đến nay đã hơn 11 năm cũng cần phải thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế.
>>Năm 2023 – Một năm đầy biến động của giá vàng
Có thực tế mà truyền thông chưa đưa nhiều, chỉ đưa tin vụ việc bắt vàng lậu khi giá vàng trong nước tăng cao đó là vấn đề buôn lậu vàng khi biên độ giá chênh lệch. Lợi nhuận quá lớn nên giới buôn lậu sẽ tìm mọi cách dùng tiền Việt Nam đồng thu mua đô la Mỹ (USD) trên thị trường tự do để chuyển ra nước ngoài như Campuchia, Lào… mua vàng đem về nước tiêu thụ hưởng chênh lệch.
Việc này sẽ đẩy tỉ giá tiền USD lên cao do khan hiếm và nền kinh tế vĩ mô lập tức bị ảnh hưởng, tiền Việt sẽ bị mất giá, vì việc nhập nguyên liệu về sản xuất, lắp ráp ngành chủ lực trong nền kinh tế Việt Nam (nhờ tận dụng giá lao động rẻ, nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, giá đất thuê, điện, nước, chi phí vận tải đều thấp).
Khi tỷ giá hợp lý, chỉ cần 92 ngàn tương đương 4 USD là mua được 10 kg nguyên liệu về làm ra 4 sản phẩm. Khi giá USD lên cao thì cần tới 100 ngàn, tương đương 4 USD mới mua được 10 kg nguyên liệu thì chắc chắn giá thành sản xuất sẽ cao, mất tính cạnh tranh và dễ thua lỗ, mất đơn hàng.
Hàng loạt các vụ bắt giữ buôn lậu vàng được đưa lên truyền thông, có vụ số tang vật lên tới 198 kg vàng, gần 2 tạ vàng bị bắt và xử lý. Nhưng cũng không vì thế mà ngăn chặn được buôn lậu vì với số lãi gần 20 triệu/lượng thì như Karl Marx nói “dù biết sẽ bị treo cổ họ vẫn làm”.
Giá vàng vọt lên 80 triệu đồng/lượng vàng miếng SJC những ngày cuối năm 2023, rồi đột ngột giảm, rồi lại tăng. Sau quãng thời gian ổn định thì giá vàng gần đây "nhảy múa" đến chóng mặt. Trong vòng 10 năm giá vàng tăng hơn 2 lần từ tầm 35 triệu đồng/lượng năm 2013 lên 80 triệu đồng/lượng vào cuối năm 2023.
USD và lãi suất trái phiếu của Mỹ giảm, bất động sản chưa tan băng, chứng khoán nhiều biến động, lãi suất huy động tiền gửi ngân hàng quá thấp là các nguyên nhân, có thêm cả nguyên nhân là tâm lý đám đông đổ xô đi mua vàng khi giá lên của người Việt mới làm cho giá vàng lên tới mốc lịch sử.
Nếu các nguyên nhân kể trên là “nhạc nền” để giá vàng “nhảy múa” thì "tắt nhạc" như thế nào để ổn định giá vàng?
Cái hay là nhiều “nền nhạc” ở đây lại không thể tắt được ở Việt Nam như lãi suất trái phiếu của chính phủ Mỹ hay giá vàng thế giới, chứ chưa nói đến các biến động địa chính trị. Cách “tắt nhạc” mà Việt Nam có thể thực hiện được đó là dùng chính sách xoá bỏ việc độc quyền của giá vàng miếng.
Số vàng lậu kia được nấu, đúc mang trên mình các thương hiệu lớn SJC, Doji, Vàng Rồng Thăng Long… sẽ đem lại lợi nhuận khổng lồ cho một nhóm lợi ích chứ nhà nước và nhân dân thì thua thiệt đủ đường.
Ngân hàng nhà nước khẳng định không bảo hộ giá vàng miếng SJC, có thể ban hành chính sách cấp hành lang, cấp phép cho các doanh nghiệp được tham gia thị trường vàng miếng với điều kiện đảm bảo chất lượng tương đương. Có cạnh tranh, có sức ép, vàng miếng sẽ trở về đúng giá trị thực, không gắn nặng thêm nhờ các giá trị “ảo” khác.
Chính Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết nhiều chuyên gia mong muốn có thêm các loại vàng khác để người dân có nhiều sự lựa chọn mua bán, bảo quản, cất trữ vàng. Chỉ có cạnh tranh lành mạnh phá thế độc quyền mới là cách “tắt nhạc” cho giá vàng hết “nhảy múa”.
Có thể bạn quan tâm
Giá vàng năm 2024 sẽ phá đỉnh lịch sử?
04:20, 31/12/2023
Năm 2023 – Một năm đầy biến động của giá vàng
16:00, 30/12/2023
Giá vàng miếng SJC giảm “sốc” phiên thứ hai liên tiếp
11:12, 29/12/2023
GIá vàng trong nước đồng loạt giảm “sốc”
15:09, 28/12/2023
Thủ tướng yêu cầu NHNN điều hành giá vàng miếng theo nguyên tắc thị trường
12:00, 28/12/2023