Bà Rịa - Vũng Tàu: Hàng chục doanh nghiệp điêu đứng vì chủ đầu tư KCN tăng giá dịch vụ
Mặc dù nhiều lần cơ quan chức năng lên tiếng, lập biên bản vụ việc liên quan đến việc FIDC tự ý tăng giá dịch vụ, thế nhưng chủ đầu tư KCN Mỹ Xuân A2, vẫn không chịu hợp tác.
>>Bà Rịa – Vũng Tàu có 4 vùng chức năng kinh tế
Nâng giá dịch vụ trái quy định…
Cụ thể, theo phản ảnh của các doanh nghiệp, Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2 do Công ty TNHH Phát triển quốc tế Formosa (FIDC) làm chủ đầu tư thuộc địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đã liên tục đưa ra các quy định một cách vô lý để nâng giá các dịch vụ khiến nhiều doanh nghiệp (nhà đầu tư thứ cấp), trong KCN điêu đứng vì phí dịch vụ quá cao. Đáng nói, sau khi bị cá nhà đầu tư thứ cấp phản đối thì chủ đầu tư KCN này còn cho bảo vệ chặn barie, không cho công nhân của các doanh nghiệp vào nhà máy để sản xuất đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp cũng như công ăn việc làm của người lao động.
Cũng theo phản ánh các doanh nghiệp, hiện nay, việc thu gom chất thải riêng lẻ trong khu công nghiệp sẽ do FIDC đảm nhiệm với giá 400.000 đồng/m3. Các loại xe thu gom chất thải dạng lỏng của bên ngoài không được phép vào Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2.
Đặc biệt, từ tháng 11/2023 đến nay, FIDC đã đưa ra hợp đồng xử lý nước thải mới và hợp đồng thu phí quản lý khu công nghiệp mới với đơn giá tăng khá cao. Cụ thể, phí xử lý nước thải tăng từ 5.208 đồng/m3 lên 15.300 đồng/m3 (tức tăng 194%). Theo các doanh nghiệp, việc này trái với quy định trong hợp đồng thuê đất giữa các bên là chỉ tăng tối đa 15%/2 năm.
Đáng chú ý, theo phản ảnh của các ngành chức năng, chủ đầu tư khu công nghiệp trên còn tự ý đặt barie để kiểm soát, mở, chặn xe ra vào khu công nghiệp; dựng biển báo giao thông trong khu công nghiệp; dùng xe máy gần giống với xe đặc chủng của cảnh sát giao thông để đi tuần tra trong khu công nghiệp.
Công an thị xã Phú Mỹ cho biết, chủ đầu tư khu công nghiệp này còn cho dựng các bốt bảo vệ trên hành lang an toàn của tuyến ống dẫn khí đến các nhà máy trong khu công nghiệp. Việc sử dụng hành lang trên có nguy cơ ảnh hưởng đến công trình trọng điểm an ninh quốc gia.
Liên quan tới vụ việc nêu trên, trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lê Xá - Phó trưởng phụ trách Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: sau khi nhận được phản ánh của các doanh nghiệp BQL các KCN tỉnh bà Rịa – Vũng Tàu đã vào cuộc và lập biên bản vụ việc và báo cáo lên UBND tỉnh. Tuy nhiên, cả 2 lần làm việc FIDC đã không hợp tác, cử người không có thẩm quyền làm việc dẫn đến vụ việc kéo dài.
Cũng theo ông Xá, theo thông tin tìm hiểu của BQL thì người đại diện pháp luật của FIDC hiện không có mặt ở Việt Nam. Do đó, lo ngại lớn nhất trọng vụ việc này là ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn việc làm của người lao động và đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Liên quan đến nguyên nhân xảy ra tranh chấp trên, ông Xá cho biết vụ việc bắt nguồn từ việc chủ đầu tư tăng các giá dịch vụ. Song, ông Xá cho rằng việc tăng giá trên của FIDC là sai quy định vì muốn tăng hay điều chỉnh giá đều phải thông qua cơ quan quản lý nhà nước để thẩm định và có sự thống nhất của các doanh nghiệp. Do đó, việc làm của chủ đầu tư Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2 là sai quy định của pháp luật.
>>Tạo đột phá kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp
Ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của tỉnh …
Thông tin thêm về chủ đầu tư Mỹ Xuân A2, ông Xá cho biết, hiện chủ đầu tư KCN này đang chuyển nhượng KCN cho một đối tác khác và hiện còn nợ tiền nước của Công ty cấp nước tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 10 tỷ và tựng bị cắt nước vào các ngày 15/12/2023 và ngày 18/12/2023. Việc cúp nước không được chủ đầu tư báo trước nên đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của các nhà đầu tư thứ cấp.
“Việc tự quyền nâng giá dịch vụ của chủ đầu tư Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2, nếu không được giải quyết thì thiệt hại sẽ không lường hết được khi các nhà máy trong khu công nghiệp bị cắt điện, cắt nước và phải đóng cửa. Chưa kể, các dấu hiệu vi phạm pháp luật của chủ đầu tư Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2 đang dần lộ rõ trong lĩnh vực vi phạm rộng, liên quan đến nhiều cấp, ngành. Vì vậy, nếu vụ việc này không được giải quyết dứt điểm thì không những ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của tỉnh, mà còn ảnh hưởng đến công ăn việc làm của gần 11.000 người lao động", ông Xá nói.
Đáng chú ý, liên quan tới vụ việc nêu trên, ngày 4/1/2024, ông Nguyễn Công Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tỉnh đã họp các ngành để giải quyết sự việc trên. Qua đó UBND tỉnh đã yêu cầu Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh có văn bản yêu cầu chủ đầu tư Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2 chấm dứt mọi việc làm không phù hợp với quy định. Đồng thời yêu cầu kiểm tra để xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, khi các cơ quan chức năng kiểm tra thì chủ đầu tư Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2 không hợp tác. Qua báo cáo, được biết người đại diện pháp luật của chủ đầu tư người Đài Loan không có mặt ở Việt Nam.
Khi được các cơ quan chức năng mời làm việc, phối hợp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản thì Công ty FIDC không có bất cứ phản hồi nào cho các cơ quan chức năng.
Ngày 24/05/2001, Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2 được thành lập theo Giấy phép số 2205/GP của Bộ Kế Hoạch và Đầu tư. Ngày 23/01/2002, Bộ xây dựng phê duyệt quy hoạch của KCN Mỹ Xuân A2 theo Quyết định số 126/QĐ-BXD với diện tích Quy hoạch toàn khu là 312,8 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp cho thuê là 217,08 ha. Ngày 04/09/2007, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt quy hoạch KCN Mỹ Xuân A2 mở rộng với tổng diện tích quy hoạch là 109,42 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp cho thuê là 73,35 ha. Như vậy, tổng diện tích đất quy hoạch phát triển của KCN Mỹ Xuân A2 và KCN Mỹ Xuân A2 mở rộng là 422,22 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp cho thuê là 326,5 ha. Khu công nghiệp được quy hoạch nằm trên địa phận hành chính của Xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nay là phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, kết nối tốt tới các trung tâm hành chính, kinh tế quan trọng. Hiện tại trong Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2 có 41 doanh nghiệp thứ cấp đang hoạt động gồm các ngành nghề: dệt may, thuộc da, linh kiện điện tử, gia công cơ khí, bao bì, hạt nhựa, may mặc, thiết bị y tế, thiết bị gia dụng… Hầu hết các nhà đầu tư thứ cấp là cácdoanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ… |
Có thể bạn quan tâm
Bà Rịa – Vũng Tàu: 'Ngày hội sống xanh' lan tỏa thông điệp vì môi trường
07:18, 30/12/2023
Bà Rịa – Vũng Tàu: 'Ngày hội sống xanh' lan tỏa thông điệp vì môi trường
17:13, 29/12/2023
Logistics là dịch vụ chủ lực của Bà Rịa - Vũng Tàu
20:45, 27/12/2023
Bà Rịa – Vũng Tàu có 4 vùng chức năng kinh tế
16:38, 25/12/2023
Bà Rịa – Vũng Tàu đẩy mạnh liên kết vùng, thúc đẩy phát triển du lịch
15:17, 22/12/2023
4 yếu tố tác động tăng trưởng của các doanh nghiệp bất động sản KCN
13:05, 02/01/2024
Tuyên Quang: Thu hút đầu tư vào các KCN, CCN
16:23, 14/12/2023
Đồng Tháp: Thu hút đầu tư phát triển KKT, KCN
16:38, 09/12/2023
Cần cơ chế cho việc tiếp cận quỹ đất thực hiện dự án KCN và một số dự án đặc thù khác
08:00, 09/11/2023