Tăng trưởng xanh của ngành thép
Dự kiến đến năm 2030, ngành thép sản xuất 32,5 triệu tấn thép thô với phát thải 62,7 triệu tấn carbon tương đương.
>>Ngành thép năm 2024: Triển vọng phục hồi từ thị trường xuất khẩu
Ông Đinh Quốc Thái - Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam:
Dù đang áp dụng đầy đủ công nghệ sản xuất tiên tiến hiện có trên thế giới nhưng theo báo cáo quốc gia của NDC và tính toán của Hội Khoa học kỹ thuật đúc luyện kim Việt Nam, ngành thép hiện có phát thải lớn. Năm 2020, ngành thép phát thải 37,3 triệu tấn carbon tương đương, gấp gần 6 lần so với năm 2014, chịu trách nhiệm cho 7,1% phát thải quốc gia và hơn 46% phát thải của các quá trình công nghiệp.
Dự kiến đến năm 2030, ngành thép sản xuất 32,5 triệu tấn thép thô với phát thải 62,7 triệu tấn carbon tương đương. Con số này đang vượt so với chỉ tiêu đưa ra tại Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu cho các ngành công nghiệp. Đây là thách thức, trách nhiệm lớn của ngành thép Việt Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Trước thực trạng trên, Hiệp hội Thép Việt Nam đã xây dựng lộ trình khả thi hướng tới trung hoà khí nhà kính đến năm 2050 trình cơ quan chức năng đưa vào Chiến lược phát triển ngành thép đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong lộ trình tăng trưởng xanh đó, ngành thép đưa ra 2 định hướng chính về mặt công nghệ. Đối với các nhà máy hiện tại tiếp tục áp dụng công nghệ cải tiến giảm tiêu hao nguyên liệu, giảm phát thải, dần dần tiến tới sử dụng năng lượng tái tạo. Với các dự án mới, đề xuất cố gắng áp dụng công nghệ hydro và dần dần cải tiến từ sử dụng khí tự nhiên chuyển đổi sang khí hydro. Đây là việc khó và lớn vì trên thế giới đang giải quyết bài toán tối ưu hoá chi phí đảm bảo doanh nghiệp có thể tiếp cận.
Trong thời gian tới, với sự phát triển của công nghệ, Việt Nam có thể đi tắt đón đầu đưa công nghệ này vào sản xuất. Bên cạnh đó, Hiệp hội mong muốn các cơ quan quản lý chủ trì nghiên cứu công nghệ hiện đại và đột phá hiện nay là công nghệ điện phân oxit nóng chảy (MOE). Công nghệ này không phải là đề xuất mới mà đã được đề cập trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu nhưng cần được các bộ, ngành cụ thể hoá thành lộ trình, bước triển khai cụ thể để đi vào doanh nghiệp, qua đó góp phần hỗ trợ ngành thép thực hiện tăng trưởng xanh, giảm phát thải, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn ngày càng khắt khe về môi trường, xã hội của các thị trường nhập khẩu cũng như yêu cầu trong nước.
Có thể bạn quan tâm