Cần đẩy nhanh các dự án nguồn thay vì tăng giá điện

GIA NGUYỄN 08/01/2024 04:00

Trước ý tưởng dự kiến tiếp tục tăng giá điện để xử lý các khoản lỗ của EVN, nhiều ý kiến cho rằng, thay vì tăng giá, cần đẩy mạnh các dự án nguồn để đảm bảo cung ứng điện trong 2024…

>> Vì sao giá điện chỉ tăng mà không giảm?

Theo đó, tại Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 diễn ra ngày 02/01/2024, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, xem xét loại trừ yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận các năm 2022, 2023 của EVN để đảm bảo quyền lợi của người lao động.năm 2023, khoản lỗ lũy kế của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục tăng lên bất chấp giá bán điện đã được điều chỉnh tăng 2 lần, thêm 3% và 4,5%.

Phương án tăng giá điện được tính đến đề bù lỗ cho EVN trong thời gian tới - Ảnh minh họa: ITN

Phương án tăng giá điện được tính đến đề bù lỗ cho EVN trong thời gian tới - Ảnh minh họa: ITN

Cũng tại Hội nghị này, đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng cho rằng, nếu không tăng giá điện sẽ không giải quyết được lỗ lũy kế của EVN. Trong khi đó, miền Bắc vẫn có thể thiếu từ 1.200 - 1.500MW vào cuối tháng 5 đến tháng 7 năm 2024.

Trước các vấn đề đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, ý tưởng về tiếp tục tăng giá điện cần được xem xét, cân nhắc, bởi việc tăng giá điện không chỉ ảnh hưởng đến người dân, mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đe dọa đến tính ổn định của kinh tế vĩ mô.

Thông tin với báo chí, TS Ngô Đức Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương cho rằng, lấy việc tăng giá điện để xử lý các khoản lỗ của EVN là không thỏa đáng.

>>Người tiêu dùng được lợi từ biểu giá điện sinh hoạt 5 bậc

Thế nhưng, theo chuyên gia, thay vì tăng giá điện

Thế nhưng, theo chuyên gia, thay vì tăng giá điện cần đẩy nhanh các dự án nguồn - Ảnh minh họa

Theo TS Ngô Đức Lâm, trong các đề xuất điều chỉnh giá điện của EVN trước đây, mới chỉ chú ý đến các yếu tố làm tăng chi phí, chưa quan tâm đến các yếu tố giảm chi phí, như mùa nước, tăng công suất của các nhà máy thủy điện, hay việc giảm tổn thất và hạ giá thành của hệ thống.

Theo Luật Giá năm 2012, ngành điện đã đủ mọi điều kiện để đầu tư và tái phát triển vì tất cả chi phí đều được tính vào giá thành. Ngoài giá thành, Nhà nước còn tính định mức hợp lý cho số lãi để cho ngành điện phát triển và đảm bảo phúc lợi.

“Tôi nghĩ rằng, cách tính giá điện hiện nay của Bộ Công Thương không đảm bảo nguyên tắc tổng doanh thu điện sinh hoạt được tính theo từng bậc (5, 6 bậc) cho khách hàng (gọi là T2) phải cân bằng với tổng doanh thu tính theo giá điện bình quân (gọi là T1).

Các đoàn thanh tra hàng năm kiểm toán cũng không công bố các con số này. Trong khi đó, nếu ngay từ đầu công khai, đảm bảo đủ nguyên tắc T1 luôn bằng T2 thì dù có chia 3 hay 5, 7 bậc, giá trung bình tính ra cũng đều quay về giá bình quân, không thể cao hơn.

Số lượng từng bậc sử dụng bao nhiêu điện rất dễ để tính toán. Nếu như kiểm toán thì sẽ biết bậc 1, bậc 2… sẽ dùng hết bao nhiêu điện, nhân với giá điện sẽ tính ngay ra chênh lệch của 5 hoặc 6 bậc ấy với tổng thu nhập của giá điện bình quân nếu không bằng nhau thì đó sẽ là chênh lệch”, TS Ngô Đức Lâm bày tỏ.

Bên cạnh đó, TS Ngô Đức Lâm cho rằng, năm 2024, giá điện cần sự ổn định để giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội, bởi giá điện khác với các sản phẩm khác, như xăng dầu, chịu ảnh hưởng tức thời của giá thế giới, không đòi hỏi tần suất điều chỉnh ngắn.

Liên quan đến vấn đề này, không ít ý kiến cho rằng, quyết định cho phép EVN tăng giá bán điện tùy thuộc vào từng góc nhìn của cơ quan quản lý theo lộ trình phù hợp sẽ đảm bảo được sức chống chịu của nền kinh tế, đồng thời giữ an toàn tài chính cho ngành điện. Tuy nhiên, cần nhìn nhận khách quan việc tăng giá điện để xử lý khoản lỗ của EVN.

Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, giá điện cần đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, đảm bảo nguyên tắc giá điện là cần tính đúng, tính đủ, cùng với các chính sách hỗ trợ khác cho các nhóm đối tượng.

Để tính đúng, tính đủ giá điện, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, cần đảm bảo an ninh nguồn điện với sự đồng bộ, kịp thời. Đẩy nhanh các dự án nguồn điện, tăng tính cạnh tranh trên cơ sở giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, không sản xuất bằng mọi giá; có chính sách phù hợp với từng nhóm đối tượng, tiết kiệm điện, tiêu thụ điện xanh.

Xoay quanh vấn đề này, không ít ý kiến cho rằng, giá bán điện hiện nay vẫn còn mang màu sắc “bao cấp”, giá điện tại Việt Nam vẫn có sự điều tiết của Nhà nước để hỗ trợ các lực lượng yếu thế trong xã hội, lằn ranh về giá điện, việc hỗ trợ giá điện phục vụ các mục tiêu kinh tế và mục tiêu xã hội, mục tiêu an sinh nhiều khi còn mờ nhạt, cào bằng.

Vì vậy, việc tính đúng, tính đủ các chi phí vào giá điện là rất cần thiết vì không thể duy trì một mức giá bao cấp. Sự chênh lệch giữa giá điện bán ra thấp so với chi phí sản xuất cao dẫn đến ngành điện (tức phía cung) không thể đầu tư sản xuất được.

Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần thay đổi, tính theo đúng giá thị trường theo nguyên tắc để thị trường quyết định, tuy nhiên, cần tách bạch phần hỗ trợ cho nhóm yếu thế để tránh cho doanh nghiệp ngành điện phá sản.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao giá điện chỉ tăng mà không giảm?

    Vì sao giá điện chỉ tăng mà không giảm?

    10:01, 04/01/2024

  • Người tiêu dùng được lợi từ biểu giá điện sinh hoạt 5 bậc

    Người tiêu dùng được lợi từ biểu giá điện sinh hoạt 5 bậc

    18:44, 06/12/2023

  • Ngành xi măng gặp khó khăn “kép” khi giá điện tăng

    Ngành xi măng gặp khó khăn “kép” khi giá điện tăng

    01:30, 17/11/2023

  • Nhóm ngành nào sẽ được hưởng lợi khi EVN tăng giá điện?

    Nhóm ngành nào sẽ được hưởng lợi khi EVN tăng giá điện?

    03:50, 14/11/2023

  • Giải bài toán giá điện Việt Nam nhìn từ quốc tế

    Giải bài toán giá điện Việt Nam nhìn từ quốc tế

    01:09, 01/11/2023

GIA NGUYỄN