Tăng trưởng tín dụng cần thực chất

DIỄM NGỌC 09/01/2024 05:20

Theo chuyên gia, tăng trưởng tín dụng cần phải thực chất, đi vào sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, khi đó mới phản ánh vào nền kinh tế và từ đó sẽ phản ánh trên thị trường tài chính.

>>Yêu cầu NHNN tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình tăng trưởng tín dụng

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng về kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2024. Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, NHNN giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% và yêu cầu tổ chức tín dụng kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2024. Định hướng tín dụng cho năm nay, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Hiện nay áp lực nợ xấu với hệ thống ngân hàng vẫn chưa vơi vì rủi ro suy thoái của nền kinh tế còn lớn, dẫn đến khả năng trả nợ của người dân, doanh nghiệp suy giảm mạnh

Hiện nay áp lực nợ xấu với hệ thống ngân hàng vẫn chưa vơi vì rủi ro suy thoái của nền kinh tế còn lớn, dẫn đến khả năng trả nợ của người dân, doanh nghiệp suy giảm mạnh

Ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia tài chính cho rằng, rất hiếm khi “room” tín dụng được giao ngay từ đầu năm và dự kiến tăng trưởng tín dụng sẽ là 15%, con số này cao hơn mức của hai năm 2022-2023, kể cả về kế hoạch được giao cũng như con số thực hiện. Điều này cho thấy ngân hàng nào mạnh tay cho vay được từ đầu năm và giải ngân được, thì có thể sử dụng tối đa room tín dụng mà NHNN đã phân bổ cho các ngân hàng. Đây là một động thái quan trọng mà NHNN và Chính phủ nhắm đến để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

“Tuy nhiên theo thời gian, chúng ta cũng cần quan sát các biến số vì trong năm nay sẽ vẫn còn nhiều bất định và thách thức. Nếu các vấn đề đó xuất hiện trong thời gian tới thì có thể những gì đã giao hoặc được đánh giá từ đầu năm vẫn có thể được thay đổi.

Theo quan điểm của tôi, chúng ta muốn tăng trưởng một cách bền vững, tạo ra công ăn việc làm, doanh nghiệp tạo ra giá trị và có lợi nhuận, xuất khẩu tăng trưởng trở lại thì cần phải có sự tăng trưởng tín dụng một cách thực chất. Nghĩa là tăng trưởng tín dụng sẽ phải đi vào các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng vốn cho các hoạt động sản xuất ra hàng hóa, xuất khẩu, cung cấp các dịch vụ như du lịch, lưu trú, ăn uống,... khi đó giá trị của tăng trưởng tín dụng mới phản ánh vào nền kinh tế và từ đó sẽ phản ánh trên thị trường tài chính”, ông Phan Lê Thành Long bình luận.

>>Gỡ “nút thắt” tăng trưởng tín dụng

Có thể thấy, những thông tin tích cực liên quan đến room tín dụng năm 2024 đã có tác động đến thị trường chứng khoán, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhưng sự lan toả của nhóm ngành này chưa rộng rãi đến các nhóm ngành khác.

Ông Long nhận xét, rõ ràng thông tin trên đã tạo tâm lý tốt cho thị trường đặc biệt với cổ phiếu dẫn dắt như cổ phiếu ngân hàng, nhưng sự tác động đó chỉ có tính chất ngắn hạn. Vì tăng trưởng tín dụng thực chất mới là quan trọng, nếu không thị trường cổ phiếu chỉ có thể tăng 1-2 phiên sau đó sẽ quay trở lại giảm điểm. Thậm chí những thông tin như vậy đôi khi còn phản tác dụng do thị trường tài chính, thị trường chứng khoán có tính thanh khoản lớn, số lượng người tham gia đông, trong đó khối ngân hàng chiếm tỷ trọng đáng kể.

“Để phản ánh được ít nhất trong vòng một năm hoặc xa hơn, chúng ta cần quan tâm đến chất lượng của con số tăng trưởng tín dụng 15%. Với quy mô của nền kinh tế hiện tại, con số này cũng khá lớn bởi sức ép lên các ngân hàng là không nhỏ. Khi cho vay, các ngân hàng sẽ phải nhắm đến đúng đối tượng, đúng mục đích kinh doanh có thể tạo ra giá trị để thu hồi và trả lại vốn cho ngân hàng. Nếu sức ép giải ngân quá lớn mà đi lệch hướng, sẽ tạo ra vấn đề nguy hiểm cho sự phát triển và ổn định của kinh tế vĩ mô đó là nợ xấu”, vị chuyên gia phân tích.

Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), hiện nay áp lực nợ xấu với hệ thống ngân hàng vẫn chưa vơi vì rủi ro suy thoái của nền kinh tế còn lớn, dẫn đến khả năng trả nợ của người dân, doanh nghiệp suy giảm mạnh. Điều này ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng.

Các dự báo cho thấy năm 2024 tiếp tục là một năm đầy khó khăn với kinh tế thế giới. Điều này sẽ tác động đến nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Đặc biệt, tổng cầu thế giới có nguy cơ suy giảm khi Mỹ và một số nền kinh tế lớn của châu Âu dự báo suy thoái nhẹ. Những yếu tố này có thể là là lực cản lớn đối với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) phân tích, để tín dụng tăng trưởng tích cực trong năm 2024, cần phải thực hiện trên các nhóm giải pháp như sau: Thứ nhất, nguồn vốn của các ngân hàng thương mại phải được khơi thông hơn, trong đó có nguồn vốn giải ngân từ đầu tư công ra nền kinh tế, tạo nguồn vốn không kỳ hạn rất lớn.

Thứ hai, nên bỏ hạn mức tín dụng và căn cứ vào Basel II, thì ngân hàng nào có vốn CAR tốt, có danh mục cho vay tốt sẽ giải quyết tốt câu chuyện chủ động cung ứng tín dụng, từ đó làm bôi trơn dòng tiền ra nền kinh tế.

Thứ ba, hỗ trợ tín dụng tiêu dùng cho người thu nhập thấp và công nhân để họ trang trải cuộc sống đồng thời kích thích tổng cầu tăng cao.

Có thể bạn quan tâm

  • Yêu cầu NHNN tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình tăng trưởng tín dụng

    12:16, 08/01/2024

  • Giao hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng: Thách thức và kỳ vọng mới của ngân hàng

    12:20, 03/01/2024

  • Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng 15% năm 2024

    11:15, 02/01/2024

DIỄM NGỌC