Đột phá phát triển cho công nghiệp chế biến chế tạo

THY HẰNG 09/01/2024 02:00

Năm 2023, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được trên 23,5 tỷ USD vốn FDI, chiếm 64,2% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam và tăng 39,3% so với năm 2022.

>>>Công nghiệp chế biến - động lực của xuất khẩu

Mặc dù gặp không ít khó khăn, song sản xuất công nghiệp của Việt Nam năm 2023 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng so với năm trước, quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng.

công nghiệp chế biến, chế tạo, đây cũng là ngành quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất.

Công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất.

“Một trong những điểm sáng của sản xuất công nghiệp là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đây cũng là ngành quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp và là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế của đất nước trong nhiều năm qua, góp phần cùng với cả nước thực hiện thắng lợi phát triển kinh tế - xã hội”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định.

Trên thực tế, theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT cho biết, năm 2023, Việt Nam thu hút 1.075 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài mới đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, với tổng vốn đăng ký đạt trên 15,85 tỷ USD, cùng với đó là 691 lượt dự án điều chỉnh vốn, với tổng vốn đăng ký trên 6,11 tỷ USD.

Cũng trong năm 2023, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo ghi nhận 529 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 1,38 tỷ USD. Tính chung năm 2023, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được trên 23,5 tỷ USD vốn FDI, chiếm 64,2% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam và tăng 39,3% so với năm 2022.

Với kết quả trên, công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành ngành thu hút vốn FDI lớn nhất trong tổng số 18 ngành kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Đặc biệt, theo Cục Đầu tư nước ngoài, xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến chế tạo cũng là ngành dẫn đầu về số dự án, chiếm 33,7% và điều chỉnh vốn, chiếm 54,8%. Điều này càng chứng tỏ, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam có sức hấp dẫn lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Lũy kế đến cuối năm 2023, Việt Nam đã thu hút được 16.875 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, với tổng số vốn đăng ký đạt 283,026 tỷ USD, dẫn đầu trong tổng số 19 ngành có dự án FDI đầu tư.

>>>Công nghiệp chế biến, chế tạo “hút” vốn FDI

Các ý kiến đều nhấn mạnh, năm 2023, Việt Nam đã từng bước thực hiện mục tiêu chiến lược của Đảng, Chính phủ về việc tạo dựng nền móng để tạo đà cho công nghiệp tiếp tục phát triển bài bản, vững chắc. Có thể kể đến các Quy hoạch về phát triển điện lực quốc gia; Quy hoạch về hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu; Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến các loại khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành ngành thu hút vốn FDI lớn nhất trong tổng số 18 ngành kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành ngành thu hút vốn FDI lớn nhất trong tổng số 18 ngành kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

“Đây là những khung khổ rất quan trọng để Việt Nam hướng tới một nền công nghiệp hiện đại, bền vững phục vụ sự phát triển của đất nước và cũng phù hợp với xu hướng kinh tế xanh, công nghiệp xanh của quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.

Đặc biệt, đánh giá của chuyên gia, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là nền tảng và động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp và nền kinh tế. Thậm chí, trong một thời gian dài, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn trở thành ngành dẫn đầu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. 

Đáng lưu ý, năm 2024 là năm có ý nghĩa quyết định đến kết quả thực hiện các mục tiêu Kế hoạch 5 năm (2021-2025) trong bối cảnh được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, rủi ro.

Trong bối cảnh đó, để ngành công nghiệp đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phát huy vai trò trụ đỡ tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương sẽ chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thể chế; trước mắt, tập trung hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Kế hoạch thực hiện 04 Quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản; khẩn trương tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các Luật, Nghị định, cơ chế chính sách có vai trò quan trọng đến SXKD của doanh nghiệp, như: Luật phát triển công nghiệp trọng điểm, Luật Hóa chất (sửa đổi), Luật Điện lực (sửa đổi) và cơ chế, chính sách về điện mặt trời mái nhà, mua bán điện trực tiếp, khung giá các loại hình điện năng…

Đồng thời, chủ động đề xuất với cấp có thẩm quyền cho thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách có tính đột phá để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi và các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế đất nước.

Các ngành công nghiệp có tính nền tảng, quan trọng và công nghiệp hỗ trợ sẽ tiếp tục chú trọng phát triển; đồng thời, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao như sản xuất chíp, chất bán dẫn, khai thác chế biến khoáng sản để trở thành một động lực mới thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong thời gian tới.

Với việc tiếp tục thu hút đầu tư FDI và lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, các ý kiến cho rằng Việt Nam cần khắt khe hơn trong lựa chọn dòng vốn FDI, tập trung thu hút các dự án FDI có chất lượng, có sức lan tỏa, hạn chế các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là mục tiêu được Bộ Chính trị đưa ra tại Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 là: Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu...

Để nâng cao dự án FDI, Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị cũng nêu ra một số giải pháp cụ thể, trong đó xây dựng cụ thể danh mục hạn chế, các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn như: Thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với các cam kết quốc tế; khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường ở những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam không có nhu cầu bảo hộ.

Xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn. Đổi mới cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư.

Có thể bạn quan tâm

  • Công nghiệp chế biến - động lực của xuất khẩu

    02:00, 30/11/2023

  • Quảng Ninh: Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

    01:58, 28/11/2023

  • Ngành công nghiệp chế biến chế tạo cần làm gì để tăng năng suất chất lượng?

    03:58, 30/05/2023

  • Hải Dương: Công nghiệp chế biến "chìa khóa" nâng tầm giá trị nông sản

    00:32, 02/08/2022

THY HẰNG