VICEM: Vượt khó, ứng dụng khoa học kỹ thuật “Đổi mới sáng tạo”
Năm 2024, dự báo vẫn ảnh hưởng chiến tranh thế giới khó đoán định về biến động giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cùng với thị trường bất động sản chưa phục hồi, nguồn cung xi măng vượt xa so với cầu…
>>>“Lối thoát” nào cho ngành xi măng?
Trong bối cảnh khó khăn đó, nhu cầu xi măng chưa có dấu hiệu phục hồi. Tổng Công ty xi măng Việt Nam (VICEM) phát huy truyền thống đoàn kết, đồng tâm vượt khó để thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trong quản lý để xây dựng kịch bản sản xuất và kinh doanh hiệu quả.
Tiết giảm tối đa chi phí, tận dụng nhiệt khí thải.
Theo Tổng giám đốc VICEM Lê Nam Khánh cho biết: Nhận diện khó khăn, thách thức là tất yếu, với quyết tâm cao, đồng tâm vượt khó, VICEM đặt mục tiêu năm 2024, sản lượng sản xuất 17,03 triệu tấn clinker, tăng 3% so với thực hiện năm 2023; tổng sản lượng tiêu thụ 24,31 triệu tấn, tăng 7,7% so với năm 2023, trong đó, tiêu thụ xi măng nội địa khoảng 18,57 triệu tấn, tăng 5,3% so với năm 2023; tổng doanh thu 29.814 tỷ đồng.
Tổng hợp các yếu tố về lợi nhuận, Tổng giám đốc Lê Nam Khánh phân tích: Do khó đoán định về tình hình biến động giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào và nhu cầu xi măng chưa có dấu hiệu phục hồi nên VICEM và các đơn vị thành viên đang nỗ lực, cố gắng phân tích, đánh giá kỹ các thông tin và điều kiện thực tế hoạt động, rà soát tiết giảm tối đa chi phí, để xây dựng kế hoạch lợi nhuận năm 2024.
Cùng với đó, trong năm 2024 VICEM tiếp tục định hướng đầu tư xây dựng tập trung vào 4 nhóm lĩnh vực chủ yếu, trong đó trọng tâm là các dự án tận dụng nhiệt khí thải để phát điện và triển khai hoàn thiện dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM. Đồng thời, các đơn vị thực hiện triệt để, hiệu quả các giải pháp về sản xuất, tiêu thụ, đầu tư xây dựng, quản trị điều hành và tái cơ cấu doanh nghiệp.
>>>Quy hoạch lại ngành xi măng do nguy cơ mất cân đối cung cầu
Tới dự hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng Phát biểu: Nhận định năm 2024 là năm khó khăn không chỉ riêng với ngành Xi măng. Thứ trưởng đề nghị tập thể cán bộ, công nhân viên lao động toàn VICEM tiếp tục đoàn kết, nỗ lực thực hiện các Nghị quyết Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương và Bộ Xây dựng giao; đảm bảo phát huy tốt nhất vai trò, nhiệm vụ của doanh nghiệp Nhà nước trong sản xuất kinh doanh, tham gia bình ổn, điều tiết thị trường xi măng.
Cần đặt ra các kịch bản cụ thể trình các cấp ngành có thẩm quyền phê duyệt. Đầu tư, tập trung quyết liệt lập, khởi công dự án tận dụng nhiệt thừa phát điện, phấn đấu đến năm 2025, 10 nhà máy hoàn thành tận dụng nhiệt thừa phát điện. Để mở rộng thị trường tiêu thụ, ngoài các đại lý phân phối, VICEM tập trung các dự án lớn, vốn đầu tư công; đưa xi măng vào dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, các dự án hạ tầng…
Lựa chọn nhiều giải pháp sản xuất xi măng khi cung vượt cầu.
Tại hội nghị, báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023, Tổng giám đốc VICEM Lê Nam Khánh cho biết: Những kết quả sản xuất kinh doanh trong năm qua tuy còn ảm đạm nhưng VICEM có quyền tự hào vì những nỗ lực không mệt mỏi của tập thể lãnh đạo, người lao động cùng các đối tác, bạn hàng, các đơn vị phân phối xi măng VICEM trên cả nước về những thành quả đạt được trong năm 2023 trong bối cảnh đầy thách thức và khó khăn có thể nói là chưa có tiền lệ. Thực tế cho thấy nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước và xuất khẩu sụt giảm so với dự báo, tồn kho tăng cao, một số nhà máy phải giảm năng suất hoặc dừng lò để hạn chế đổ clinker ra bãi, giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển nhu cầu từ xi măng bao sang xi măng rời tăng, giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của VICEM do giá trị thương hiệu gắn với xi măng bao… Cho nên, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng, clinker năm 2023 của VICEM đạt 22,58 triệu tấn, đạt 90,2% kế hoạch năm 2023 và giảm 18,0% so với thực hiện năm 2022. Trong đó, tiêu thụ xi măng là 20,48 triệu tấn, đạt 88,9% kế hoạch năm 2023 và giảm 16,7% so với thực hiện năm 2022; Tiêu thụ xi măng nội địa là 17,63 triệu tấn, đạt 89,6% kế hoạch năm 2023 và giảm 17,6% so với thực hiện năm 2022; Tiêu thụ xi măng xuất khẩu là 2,85 triệu tấn, đạt 85,1% kế hoạch năm 2023 và giảm 11,2% so với thực hiện năm 2022; tiêu thụ clinker năm 2023 là 2,09 triệu tấn, đạt 104% kế hoạch năm 2023 nhưng vẫn giảm 28,5% so với thực hiện năm 2022.
Đặc biệt, VICEM đồng tâm vượt khó trong sản xuất, đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các chương trình "Đổi mới - Sáng tạo” ứng dụng khoa học kỹ thuật, tiết giảm chi phí, nghiên cứu các sản phẩm mới giảm phát thải ra môi trường như: Sử dụng thạch cao nhân tạo tương ứng với tỷ lệ bình quân thay thế thạch cao tự nhiên là 42% mang lại hiệu quả, giúp VICEM tiết kiệm được 106,04 tỷ đồng; sử dụng rác thải thông thường thay thế một phần than cám tiết kiệm 416,16 tỷ đồng và sử dụng bùn thải thay thế sét 19,51 tỷ đồng. Vẫn đảm bảo các chủng loại xi măng xuất khẩu đáp ứng yêu cầu chất lượng của đơn hàng...
Kinh doanh gặp khó, VICEM vẫn ưu tiên chăm lo tốt cho người lao động, luôn coi trọng nguồn nhân lực, con người là nguồn vốn quý giá nhất của doanh nghiệp. Vì lao động ngành xi măng có đặc thù riêng, rất khác với những ngành nghề khác là có thể sử dụng lao động thời vụ. Hôm nay với truyền thống 124 năm ngày ra đời ngành Xi măng Việt Nam, 94 năm ngày truyền thống Ngành và 44 năm ngày thành lập VICEM, Tổng công ty kêu gọi các đơn vị thành viên cùng toàn thể cán bộ công nhân viên VICEM tiếp tục nỗ lực, cố gắng, năng động, sáng tạo, nêu cao tinh thần đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương nhằm hoàn thành xuất sắc mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2024.
Có thể bạn quan tâm