Tỉnh Thái Bình đáp ứng thị trường lao động
Tăng cường các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tỉnh là mục tiêu được Thái Bình đặt ra.
>>>Thái Bình: Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Ông Phí Ngọc Thành, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình ( LĐ -TB&XH) cho biết, năm 2023 Sở tăng cường các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo thêm việc làm cho người lao động; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; các chính sách trợ giúp xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm phúc lợi cho người dân.
Thái Bình đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu phát triển
Những năm gần đây, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Bình có bước tăng trưởng nhanh, nhất là ở khối công nghiệp. Do đó, chính quyền tỉnh đang tập trung vào lĩnh vực đào tạo nghề, nhất là những lĩnh vực đòi hỏi tay nghề cao.
Toàn tỉnh hiện có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trong đó có 3 trường cao đẳng). Ước thực hiện năm 2023 tuyển sinh và đào tạo cho khoảng 36.700 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25%. Được biết, tỷ lệ lao động qua đào tạo ngành nghề cung ứng cho khu công nghiệp đạt khoảng 61%.
Tháng 5/2023, UBND tỉnh Thái Bình đã phê duyệt Đề án đẩy mạnh đào tạo lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đề án đã được tỉnh phê duyệt thì nhu cầu đào tạo lao động của các doanh nghiệp theo các cấp trình độ đến năm 2025 khoảng 78.800 lao động, đến năm 2030 là 82.100 lao động (trong đó trình độ cao đẳng chiếm gần 30%).
Vì vậy, nhu cầu về lao động có chất lượng cao trong những năm tới là thực sự cần thiết, đòi hỏi phải có những giải pháp thiết thực ngay từ bây giờ để giải bài toán về nguồn nhân lực.
Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp chế biến chế tạo gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số trên địa bàn, tỉnh Thái Bình đang tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để người học được hỗ trợ về học phí và có thể chủ động lựa chọn thời gian đào tạo.
Bên cạnh đó, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; tăng cường các hoạt động gắn kết giữa 3 nhà: Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp để nguồn lao động có kỹ năng và chất lượng cao chính là người lao động được đào tạo gắn liền với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng suất lao động cho doanh nghiệp.
Chia sẻ chung quanh việc đào tạo nghề hiện nay, ông Đặng Nguyên Mạnh, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Thái Bình cho hay: Đề án đẩy mạnh đào tạo lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã giải quyết cơ bản những nút thắt trong lĩnh vực này, tạo cơ chế tốt và có tính bền vững.
Tuy nhiên, cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông để người dân và những người trong độ tuổi lao động nhận thức đúng về vị trí, vai trò của đào tạo nghề, từ đó phân luồng ngay từ sớm, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng đào tạo nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường hiện nay.
Tổ chức tốt kết nối cung cầu lao động
Ngày hội việc làm và kết nối cung - cầu lao động là một trong nhóm các nhiệm vụ, giải pháp để phục hồi và phát triển thị trường lao động của tỉnh năm 2023. Đồng thời, cung cấp thông tin thị trường lao động đến doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người lao động. Trọng tâm là đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các dự án đầu tư vào Khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh, nhu cầu học nghề và tuyển sinh học nghề. Tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và người sử dụng lao động, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực tiếp đăng ký tuyển dụng lao động, tuyển sinh học nghề theo nhu cầu.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp Ông Lê Văn Côn, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Thái Bình cho biết, năm 2023 Trung tâm đã tư vấn cho 31.974 người, tổ chức thành công 19 phiên giao dịch việc làm cố định, 06 phiên giao dịch việc làm Online, trong đó khoảng 10.000 lượt học sinh, sinh viên của các trường Đại học, cao đẳng, trung cấp, THPT, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thành công “Ngày hội việc làm và kết nối cung cầu lao động năm 2023” với 120 doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp tham gia, kết quả đã có 31 đơn vị thỏa thuận hợp tác trong việc liên kết đào tạo, cung ứng lao động; 1.600 lượt sinh viên, học sinh và người lao động được tư vấn, kết nối (tăng 45% so với cùng kỳ năm trước). Đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 32.700 người, (trong đó: việc làm tại địa phương 23.290 người, đi làm việc ở tỉnh ngoài 6.420 người, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 2.990 người); Ước thực hiện năm 2023 giải quyết việc làm cho 34.500 người (đạt 100% kế hoạch năm), trong đó, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài khoảng 3.000 người. Chỉ tiêu tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn khoảng 25,5%.
Toàn tỉnh có 281.095 người trong độ tuổi tham gia BHXH, (tăng 2.501 người so với năm 2022); 215.620 người tham gia BHTN. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt 30.7%. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN đạt 23,5%.
Ngày 21/10/2023, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình phối hợp Trường ĐH Thái Bình, Ban Quản lý Khu Kinh tế và các Khu công nghiệp tổ chức khai mạc “Ngày hội việc làm và kết nối cung-cầu lao động năm 2023”.
Tốp đầu xếp hạng DDCI
Ông Phí Ngọc Thành, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chia sẻ thêm, thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) năm 2023, Kế hoạch triển khai thực hiện Chuyển đổi số lĩnh vực lao động, người có công và xã hội giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Sở LĐ -TB&XH đã đăng tải công khai đầy đủ, kịp thời các TTHC. Tiếp nhận giải quyết trên 11.461 TTHC, không có TTHC quá hạn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tổng số dịch vụ công trực tuyến 120 (đạt 100%). Chỉ đạo các địa phương triển khai TTHC “Hỗ trợ chi phí mai táng đối với đối tượng bảo trợ xã hội”. Các cơ sở bảo trợ xã hội thường xuyên cập nhật, rà soát dữ liệu đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở vào phần mềm quản lý.
Phối hợp với Ngân hàng và đơn vị liên quan triển khai việc chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt, đến nay tổng số người đăng ký mở tài khoản: 2619 người (trong đó: đối tượng bảo trợ xã hội: 298 người, đối tượng Người có công: 2321 người); tổng số người đã có tài khoản: 1.897 người (trong đó, đối tượng BTXH: 263 người, đối tượng người có công: 1634 người.
Thực hiện tốt công tác tiếp công dân định kỳ hằng tháng và đột xuất. Triển khai việc báo cáo kết quả tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động trực tuyến đến 160 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Với sự chỉ đạo quyết liệt trong CCHC, Sở LĐ-TB&XH đạt 76,72 điểm Chỉ số DDCI năm 2023, xếp thứ 02/ 21 sở, ngành; xếp hạng rất tốt (tăng 13 bậc và tăng 9,18 điểm so với năm 2022). Trong đó, nhiều chỉ số thành phần của sở đạt điểm số và xếp thứ hạng cao trong khối các sở, ngành.
Với 9.28 điểm, Sở LĐ-TB&XH Thái Bình xếp hạng đầu về chỉ số thành phần Tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của sở, ban, ngành. Việc nâng cao điểm số và thứ hạng Chỉ số DDCI năm 2023, đã thể hiện sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng ủy, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH đối với công tác cải cách hành chính. Đây là một kết quả hết sức ấn tượng nhưng cũng rất xứng đáng với những sự đồng hành và hỗ trợ của sở đối với cộng đồng doanh nghiệp trong suốt 1 năm qua.
Trong thời gian tới, Sở LĐ -TB&XH tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý, kết nối cơ sở dữ liệu từ cơ sở để thực hiện công việc hiệu quả. Giải quyết các chế độ chính sách công khai, minh bạch, bảo đảm đúng quy định của pháp luật; tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra để khắc phục nhanh các thiếu sót, nhất là chính sách trợ giúp người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, vấn đề an toàn lao động. Cùng với đó, không ngừng rèn luyện, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ ngành LĐ -TB&XH). Ônh Thành chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Quy hoạch tỉnh Thái Bình sẽ mở ra không gian phát triển mới
11:52, 04/01/2024
Doanh nghiệp Thái Bình vượt khó
02:00, 04/01/2024
Kinh tế Thái Bình 2023: Thấy gì từ con số tăng trưởng?
01:15, 01/01/2024
Thái Bình: Chuyển đổi số là cơ hội để phát triển
00:03, 01/01/2024
Thái Bình: Phát triển đô thị bền vững, tạo nguồn lực mới
07:55, 08/12/2023