"Trợ lực" cho ngành du lịch Việt Nam trong chặng đường mới
Năm 2023 đánh dấu sự phục hồi ấn tượng của du lịch Việt Nam. Năm nay, toàn ngành đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nổi bật là các chính sách phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam
>>Cuộc đua hiện thực hoá mục tiêu của du lịch Việt trong năm 2024
Mở đầu năm 2024, hoạt động du lịch có nhiều tín hiệu tích cực khi ba ngày nghỉ lễ, cả nước đã phục vụ khoảng 3,2 triệu lượt khách du lịch, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2023. Đây được xem là tiền đề cho mục tiêu đón từ 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế của toàn ngành trong năm 2024.
Hai yếu tố khiến ngành du lịch "bứt tốc" trong năm 2023
Theo các chuyên gia trong ngành năm 2023 ngành du lịch “bứt tốc” được là nhờ 2 yếu tố. Đầu tiên là chính sách visa thông thoáng. Khảo sát của Vietnam Report cho thấy 92,9% doanh nghiệp coi chính sách visa mới là "đòn bẩy" giúp ngành du lịch Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 127 về việc thực hiện áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và Nghị quyết số 128 nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày đối với 13 nước được đơn phương miễn thị thực. Việc triển khai hai Nghị quyết này đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Tuy nhiên để điểm đến Việt Nam hấp dẫn, có thể kéo hàng triệu du khách đến khám phá trong năm mới, Việt Nam cần tăng số lượng quốc gia được miễn visa và thủ tục nhập cảnh thuận lợi hơn.
Yếu tố thứ hai là việc nhiều địa phương, doanh nghiệp du lịch đã chú tâm phát triển các sản phẩm du lịch đêm gắn với công nghiệp văn hóa. Du lịch đêm không chỉ thu hút du khách, mà còn kéo dài thời gian lưu trú của họ, từ đó góp phần tăng chi tiêu tại điểm đến.
Sự cởi mở này đã mang lại cơ hội vàng cho du lịch Việt Nam khi năm tháng liên tiếp của năm 2023 số lượng khách quốc tế mỗi tháng đến đạt trên 1 triệu người.
Các hoạt động xúc tiến sẽ tiếp tục được lan toả trong năm 2024
Trong năm 2023, các hội chợ du lịch quốc tế như VITM Hà Nội 2023, ITE HCMC 2023... được giới chuyên môn và doanh nghiệp đánh giá cao. Đại diện nhiều doanh nghiệp đánh giá, các hội chợ, triển lãm du lịch là cơ hội tốt để tìm kiếm thị trường mới, thiết lập quan hệ, cũng như nắm bắt các xu hướng du lịch của các quốc gia trong khu vực và thế giới. Tiếp đà tăng trưởng này, chương trình xúc tiến, hội chợ triển lãm quảng bá du lịch Việt Nam được tổ chức trong năm 2024 tiếp tục được 57,1% doanh nghiệp coi là cơ hội trong năm 2024.
Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới (WTTC) dự báo hoạt động du lịch quốc tế có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024, ngang bằng với mức đã đạt được của năm 2019.
Tại Việt Nam, các con số thống kê mới đây của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng chỉ ra khách du lịch từ nhiều thị trường như Úc, Mỹ đến Việt Nam đã phục hồi gần 100%. Do đó, năm 2024 là dịp để các doanh nghiệp xem lại chiến lược phát triển, cần nghiên cứu những thị trường tiềm năng mới như, Dubai, Trung Đông, Ấn Độ...
Để du lịch bứt phá cần thực sự đổi mới tư duy, cách làm, với các biện pháp sáng tạo, đột phá, đồng bộ. Các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp để đề xuất những cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát triển toàn diện, đồng bộ ngành du lịch.
Trong đó, cần đẩy mạnh liên kết vùng, quốc gia và liên kết quốc tế với phương châm “một cung đường, nhiều điểm đến”; xây dựng con đường di sản quốc gia, con đường di sản quốc tế; kết nối thể thao, kết nối con người.
Có thể bạn quan tâm
Cuộc đua hiện thực hoá mục tiêu của du lịch Việt trong năm 2024
03:00, 09/01/2024
Chiến lược phát triển du lịch xanh, bền vững cho năm 2024
03:00, 08/01/2024
Du lịch bội thu dịp Tết dương lịch
13:53, 02/01/2024
Khách du lịch đến Hà Nội dịp Tết Dương lịch đạt 402.000 lượt
15:51, 01/01/2024