Khơi thông thị trường bất động sản: Cần tiếp tục tháo gỡ về mặt pháp lý
Đánh giá cao những cải thiện thể chế, chính sách gỡ khó cho thị trường bất động sản thời gian qua, thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, công tác này cần được tiếp tục và đẩy nhanh hơn nữa…
>> 6 đề xuất "đặc biệt" cho thị trường bất động sản 2024
Thị trường bất động sản mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức về dòng tiền và các nút thắt pháp lý... điều này không chỉ làm suy giảm lòng tin của khách hàng, mà còn làm mất đi sự vận hành ổn định, bền vững của các thành phần trong thị trường bất động sản.
Thực tế trong gần hai năm qua, thị trường bất động sản đã xuất hiện những nút thắt lớn khiến doanh nghiệp và các nhà đầu tư bị suy giảm mạnh. Đặc biệt, từ nửa cuối năm 2022, các doanh nghiệp bất động sản rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi dự án bị đình trệ, dòng tiền bị tắc nghẽn và áp lực trả nợ đè nặng.
Đáng nói, nhiều thống kê chỉ ra rằng, 70% vướng mắc của bất động sản xuất phát từ thủ tục pháp lý, mà đầu tiên là sự chồng chéo của hệ thống pháp luật.
Trước thực tế đã nêu, với sự nỗ lực cùng các biện pháp đồng bộ từ Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản thời gian qua như: giãn nợ trái phiếu, tháo gỡ về thể chế, nguồn vốn, định giá đất, quy hoạch,… thị trường này đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất.
>> Thị trường bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất
Đặc biệt, trong kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), và đang xem xét sửa đổi, thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) đem đến nhiều kỳ vọng cho sự phát triển của thị trường bất động sản.
Theo các chuyên gia, chỉ có tháo gỡ về mặt pháp lý thì thị trường bất động sản mới được khơi thông. Bởi hiện nay, có quá nhiều thủ tục hành chính mà doanh nghiệp phải triển khai, điều này ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp.
Nhìn nhận về thực tế đã nêu, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty luật SBLaw đánh giá, quy định pháp luật liên quan đến bất động sản đang “rất nhiều nhưng thiếu rõ ràng, khó áp dụng”.
Theo Luật sư Hà, việc để hoàn thiện thủ tục chủ trương đầu tư một dự án bất động sản thường mất khoảng 3-4 năm do liên quan không ít vấn đề pháp lý khác nhau và càng phức tạp trong bối cảnh pháp luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu... còn nhiều vướng mắc.
Đánh giá về các luật liên quan tới thị trường bất động sản vừa được thông qua, Luật sư Hà cho rằng, nhìn chung, các ý kiến góp ý cho dự luật đã được cơ quan soạn thảo lắng nghe và tiếp thu với tinh thần cầu thị cao. Chẳng hạn, Luật Nhà ở (sửa đổi) đã cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền và thu hẹp các loại “giấy phép con”. Tương tự, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã mở rộng hơn quy định về đầu tư kinh doanh, về chuyển nhượng bất động sản, trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các đối tượng tham gia kinh doanh bất động sản…
“Đa phần thành viên thị trường đồng tình với tinh thần cải cách tại các sắc luật mới. Dẫu vậy, nhiều thành viên mong chờ có sự cải tổ mạnh mẽ hơn nữa trong việc tạo lập các hành lang pháp lý thông thoáng. Trong đó, trước mắt, sau khi thông qua các Dự Luật trên, các cơ quan, bộ ngành sẽ phải bắt tay ngay vào việc soạn thảo các nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết, đồng bộ, tránh việc “trên bảo, dưới không nghe” gây ra những phiền hà, ảnh hưởng tới niềm tin của người dân, doanh nghiệp”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Còn theo chuyên gia kinh tế - TS. Cấn Văn Lực, thị trường bất động sản sẽ có nhiều triển vọng hơn trong thời gian tới khi những khó khăn của doanh nghiệp tiếp tục được gỡ bỏ. Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cụ thể đẩy nhanh tiến độ sửa đổi các luật. Rà soát, đảm bảo đồng bộ, nhất quán giữa các bộ Luật, tránh xảy ra tình trạng luật vừa ra đã phải sửa.
Đồng quan điểm đã nêu, để có thể giải quyết các nút thắt về pháp lý, sớm khôi phục thị trường bất động sản, một số ý kiến cũng cho rằng, vướng mắc pháp lý liên quan tới vấn đề cụ thể của từng dự án, từng chủ đầu tư, tuy nhiên, không nên dành quá nhiều thời gian cho việc xử lý từng vụ việc, điều này có thể làm giảm hiệu quả các điều chỉnh pháp lý hiện nay. Thay vào đó, có thể cân nhắc việc xử lý các vấn đề mang tính điển hình, từ đó có thể áp dụng chung khi gặp các tình huống tương tự, giúp đẩy nhanh hơn tiến độ tháo gỡ khó khăn pháp lý chung cho thị trường.
Có thể bạn quan tâm
6 đề xuất "đặc biệt" cho thị trường bất động sản 2024
13:00, 07/01/2024
Ngành nhựa xây dựng năm 2024: Triển vọng nhờ thị trường Bất động sản phục hồi
03:30, 07/01/2024
Chu kỳ phát triển mới của thị trường bất động sản
11:26, 05/01/2024
Thị trường bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất
09:57, 05/01/2024
Thị trường bất động sản phía Nam chuyển biến tích cực
04:00, 02/01/2024