Thị trường vốn Trung Quốc bị bán tháo, chứng khoán Nhật Bản lên ngôi
Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rút hơn 3 tỷ USD khỏi thị trường vốn Trung Quốc từ tháng 12/2023, trong khi thị trường chứng khoán Nhật Bản đang hút dòng vốn vào mạnh mẽ.
>>Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc: "Gió khó đảo chiều"
Nhà đầu tư tháo chạy khỏi Trung Quốc
Dữ liệu sơ bộ từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF) công bố, cổ phiếu Trung Quốc đã hứng chịu dòng vốn chảy ra 3,4 tỷ USD từ danh mục của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng cuối năm 2023, trong khi trái phiếu Trung Quốc chỉ có dòng vốn chảy vào nhẹ, khoảng 189 triệu USD ở cùng thời điểm.
Trước đó vào tháng 11, thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng chứng kiến dòng vốn đổ vào 191 triệu USD, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài lại bán ròng tổng cộng 4,31 tỷ USD trái phiếu Trung Quốc. Điều này khẳng định sự phân chia giữa Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác.
IIF cho biết, lợi nhuận của các thị trường mới nổi sẽ vẫn có mối liên hệ chặt chẽ với nền kinh tế Mỹ trong năm nay, vì lập trường ôn hòa hơn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cho phép các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế mới nổi áp dụng cách tiếp cận quyết đoán hơn, để nới lỏng chính sách tiền tệ của họ.
“Quyền sở hữu nợ chính quyền địa phương của các nhà đầu tư nước ngoài ở các quốc gia như Brazil, Cộng hòa Séc, Indonesia và Nam Phi vẫn tụt hậu đáng kể so với mức được quan sát trước đại dịch, điều này tạo cơ hội cho dòng nợ lớn hơn vào năm 2024. Tuy nhiên, dòng vốn chảy vào Trung Quốc sẽ tiếp tục bị cản trở do rủi ro địa chính trị gia tăng”, IIF dự báo.
Các nhà phân tích kỳ vọng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) sẽ nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, vốn vẫn bị trì trệ trong bối cảnh rủi ro nợ chính quyền địa phương ngày càng tăng và tình trạng hỗn loạn trên thị trường bất động sản kéo dài. Nhưng hành động đó cũng có thể làm suy yếu đồng Nhân dân tệ, gây ra làn sóng bán tháo thêm cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc.
PBoC đã cam kết duy trì đồng Nhân dân tệ cơ bản ổn định và Cục Quản lý Ngoại hối nước này cũng khẳng định sẽ ngăn chặn rủi ro dòng vốn xuyên biên giới trong kế hoạch công tác năm 2024 được ban hành trong tuần này.
Zou Lan, người đứng đầu bộ phận chính sách tiền tệ của PBoC chia sẻ, sự phục hồi đáng kể của đồng Nhân dân tệ so với đồng đô la Mỹ gần đây, cùng với tỷ giá hối đoái ổn định sẽ ủng hộ cho việc điều chỉnh các biện pháp kinh tế vĩ mô và các biện pháp ổn định cán cân thanh toán.
Trao đổi với tờ People's Daily, đại diện PBoC nhấn mạnh: “Trong tương lai, chúng tôi vẫn tiếp tục khẳng định thị trường sẽ đóng vai trò quyết định trong việc hình thành tỷ giá hối đoái và hướng dẫn các doanh nghiệp cũng như các tổ chức tài chính thiết lập khái niệm về trung lập rủi ro. Đồng thời, ngân hàng sẽ kiên quyết đề phòng rủi ro tỷ giá vượt ngưỡng”.
>>Hơn 50% doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng cải thiện lợi nhuận kinh doanh
Chứng khoán Nhật Bản hút ròng
Có thể thấy, sự khởi đầu năm mới không mấy sáng sủa của chứng khoán Trung Quốc đã thúc đẩy một số nhà đầu tư chuyển sang các thị trường khác có triển vọng hơn ở châu Á và toàn cầu.
Theo SCMP đưa tin, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản, cũng như chỉ số Topix của nhiều cổ phiếu trên sàn giao dịch Tokyo đã đạt mức cao nhất kể từ năm 1990, khi nước này nỗ lực thoát khỏi tình trạng giảm phát. Nhà điều hành thị trường chứng khoán Nhật Bản cũng đã thực hiện một loạt sáng kiến, yêu cầu các công ty niêm yết phải trả nhiều cổ tức hơn cho các cổ đông.
Kết quả là chỉ số Nikkei 225 và Topix đã tăng hơn 5% trong năm nay, vượt qua chỉ số CSI 300 của 300 công ty hàng đầu giao dịch trên sàn giao dịch Thượng Hải và Thâm Quyến vốn đã ghi nhận mức giảm 4,3%.
Báo cáo chiến lược tuần của nhà quản lý tiền tệ toàn cầu Lazard Asset Management bày tỏ quan điểm: “Khi chúng tôi hướng tới năm 2024, triển vọng trung và dài hạn đối với chứng khoán Nhật Bản vẫn rất tích cực, được thúc đẩy bởi hai yếu tố chính là cải thiện quản trị doanh nghiệp và sự chuyển dịch từ giảm phát sang lạm phát. Chúng tôi coi sự sụt giảm thị trường trong ngắn hạn ở Nhật Bản là một cơ hội”.
Số liệu từ công ty nghiên cứu Morningstar của Mỹ cho thấy, dòng vốn ròng toàn cầu đổ vào cổ phiếu Nhật Bản đã lên tới 67,3 tỷ Yên (464,3 triệu USD) trong tháng 12/2023, nâng dòng vốn cả năm này lên 820,4 tỷ Yên.
Mới đây, China Asset Management - công ty quản lý quỹ ETF AMC Nikkei 225 Trung Quốc đã nhắc nhở các nhà đầu tư trong một tuyên bố ngày 12/1, về những rủi ro phát sinh từ phí bảo hiểm giao dịch của quỹ trên thị trường thứ cấp, đồng thời cảnh báo “việc đầu tư mù quáng có thể phải gánh chịu tổn thất lớn”.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư tin rằng đà tăng của chứng khoán Nhật Bản vẫn có cơ sở. Ngoài lạm phát, đồng Yên yếu hơn đang làm tăng thêm tâm lý lạc quan của thị trường. Cụ thể, đồng Yên đã tiếp tục mất giá so với đồng đô la Mỹ kể từ khi trận động đất mạnh 7,6 độ richter xảy ra ở bờ biển Ishikawa, Nhật Bản vào ngày đầu năm mới, làm giảm khả năng ngân hàng trung ương nước này sớm áp dụng lãi suất âm.
Kelvin Wong, nhà phân tích tại Oanda cho biết, tính bền vững của xu hướng tăng giá phần lớn phụ thuộc vào tình hình lạm phát ở Nhật Bản hơn là đồng Yên Nhật suy yếu. “Một lộ trình rõ ràng để thoát khỏi môi trường giảm phát kéo dài hơn 20 năm, có thể sẽ hỗ trợ cho một giai đoạn xu hướng tăng trưởng tiềm năng khác trên thị trường chứng khoán Nhật Bản”.
Có thể bạn quan tâm
Nhà đầu tư toàn cầu thờ ơ với thị trường chứng khoán Trung Quốc
05:06, 22/12/2023
Khủng hoảng của thị trường chứng khoán Trung Quốc có tác động tới Việt Nam?
05:45, 03/08/2021
Thị trường chứng khoán Trung Quốc nổi lên như nơi trú ẩn an toàn
04:50, 20/06/2022
Chứng khoán Trung Quốc hưởng lợi với các chính sách hỗ trợ
05:00, 20/08/2022