Bạo lực học đường - xin đừng “mũ ni che tai”
Bạo lực học đường ngày nay biến tướng khác trước.
>>Đạo đức bị xem nhẹ, bạo lực sẽ lên ngôi
Hàng ngày lướt nhiều trang báo, mạng xã hội, thấy thông tin về những vụ giết người xuất hiện nhiều đến mức khó tin, dần làm cảm xúc bị chai sạn, nhưng đọc vụ việc liên quan đến bạo lực học đường thì vẫn luôn gây ra sự nhức nhối. Không biết tự khi nào mà học sinh đi học không còn là môi trường an toàn. Ông bà, cha mẹ bây giờ chắc phải đợi con cháu về đến nhà, lên giường đi ngủ mới chắc là người thân của mình được an toàn.
Sự việc em N.A.T học sinh lớp 12 A4 trường TPTH Nam Trực tỉnh Nam Định bị đánh hội đồng buổi chiều ngày 7 tháng 1 năm 2024 tại thôn Đồng Côi, thị trấn Nam Giang đến tử vong thực sự quá đau xót. Xem clip bị nhóm 10 người đánh đập mà giận sôi máu, không hiểu tại sao bọn chúng có thể hành xử như thế với chính đồng bào của mình.
Thực sự đó là đòn đánh dành cho kẻ thù vì khi em T đã ngã xuống, mất hết khả năng phản kháng chúng vẫn không buông tha. Đó là sự hèn nhát chứ người quân tử không ỷ đông hiếp yếu, không ra tay khi người khác ngã ngựa. Bọn chúng dùng tuýt sắt, gậy gỗ đánh người như điên cuồng làm nún nứt hộp sọ cùng đa chấn thương như vậy thì bệnh viện nào có thể cứu nổi.
Bố mẹ N.A.T đi làm ăn tận Đắk Lắk, em T mới về ở với ông bà được một thời gian thì xảy ra vụ việc. Để dẫn tới vụ việc nghiêm trọng như vậy thì không thể nói là nạn nhân không có mâu thuẫn gì, mà trước đó vào tối mùng 6 tháng 1, em T có phát sinh va chạm xô xát với một thanh niên khác và người đó đã nhờ nhóm của Vũ Anh Đức cùng các đối tượng khác (đã bị công an Nam Trực tạm giữ điều tra) để giải quyết.
Vấn đề nằm ở cách hành xử của nhóm thanh niên mới lớn, thích thể hiện, ra oai bằng cách dùng bạo lực với người khác, trong khi thiếu sự kèm cặp, giám sát của cha mẹ, ông bà. Khi có mâu thuẫn không tự giải quyết được thì nhờ băng nhóm đồng bọn như cách hành xử của giang hồ “vô pháp vô thiên”, dùng luật rừng để giải quyết mâu thuẫn. Để bây giờ hậu quả người chết mất hết tương lai khi vừa bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, người đánh thì vào tù, tuổi trẻ gắn với cơm cân, áo số sau song sắt, tương lai cũng không còn sáng lạn khi vết nhơ trong lý lịch cùng bản án lương tâm sẽ đi theo suốt cuộc đời.
Phút đánh đổi khi bốc đồng phải trả giá bằng nhiều năm trong trại giam để lại nỗi đau cho các bậc làm cha mẹ. Sự ra oai thích thể hiện cùng việc quay lại cảnh hành hung dã man để lấy số sẽ là bằng chứng rõ ràng để công an lôi lũ tội phạm côn đồ này ra vành móng ngựa cho chịu tội, trả giá về việc mình làm.
>>Xử lý bạo lực gia đình: Để sau đó tốt lên mới là câu chuyện đáng bàn
Bạo lực học đường ngày nay biến tướng khác trước. Hành động bắt nạt, quấy rối của thời học sinh thì thời nào cũng có, nhưng bạo lực ngày nay dã man, tàn bạo, gây nguy hiểm đến sinh mạng hơn thế hệ trước và trải rộng từ cấp tiểu học tới cấp PTTH, liên tục là những dòng tin như “nữ sinh lớp 7 bị đánh hội đồng”, “nữ sinh lớp 8 bị làm nhục, tung lên mạng”…
Đó vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi vụ việc được báo chí hay mạng xã hội đưa lên mà phần nổi ấy theo thống kê đã có hàng ngàn vụ. Vậy còn bao nhiêu đứa trẻ đã, đang và sẽ bị bắt nạt ngay chính trong ngôi trường mình đang học.
Nhiều uỷ ban, tổ chức chăm sóc bảo vệ trẻ em với khẩu hiệu "tất cả vì tương lai con em chúng ta” có hiệu quả đến đâu khi con em chúng ta vẫn đang chịu đựng bạo lực học đường. Càng ngoan hiền, học giỏi, xinh đẹp, càng có nguy cơ trở thành nạn nhân từ bạo lực thân thể, xô xát, hành hung tập thể đến bạo lực ngôn ngữ, miệt thị, dựng chuyện tạo tin đồn nhảm, sỉ nhục trên mạng xã hội.
Học sinh bắt chước những hình ảnh này từ hình ảnh bạo lực trên phim ảnh, truyền hình, mạng xã hội và đặc biệt trong game. Cảnh đánh đập đâm chém kích động phần hung bạo trong con người học sinh, lại thêm nhiều clip xấu độc với cách hành xử giang hồ làm các em học theo và hành động, chỉ đến khi hậu quả xảy ra tỉnh ngộ thì đã muộn.
Đừng đổ hết lỗi cho nhà trường, thầy cô hay bố mẹ, những người đó không bao giờ dạy con em mình đi giết người. Nhưng cách hành xử trong gia đình cũng ảnh hưởng đến tâm lý các em. Nếu trong nhà mà dạy con bằng bạo lực thì ra đường bạo lực sẽ là ưu tiên chọn lựa của con trẻ. Nếu say mê với trò chơi bắn giết thì khi ra đời sẽ có lúc say máu điên cuồng y như trong trò chơi.
Ngăn chặn bạo lực học đường là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, đừng “mũ ni che tai” vì có ngày nào đó nạn nhân rất có thể là chính người thân của mình. Việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội và cả cơ quan công an là hết sức cần thiết. Hãy xử lý thật nghiêm minh vụ việc này để tạo sự răn đe mạnh mẽ. Chương trình học cần có cả phần chống bạo lực học đường. Công an sẽ được mời vào trường giảng dạy, có ví dụ cụ thể, điển hình để tạo sự răn đe, buộc học sinh phải suy nghĩ thật nhiều trước khi hành động.
Có thể bạn quan tâm
Cân nhắc các quy định về cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình
03:30, 01/06/2023
Đạo đức bị xem nhẹ, bạo lực sẽ lên ngôi
02:00, 31/10/2022
Bạo lực gia đình: Nỗi đau bắt đầu từ những lời nói
19:32, 27/06/2022
Xử lý bạo lực gia đình: Để sau đó tốt lên mới là câu chuyện đáng bàn
19:47, 14/06/2022