Phát triển sản phẩm sáng tạo và điểm đến bền vững cho du lịch Việt

MINH CHÂU 15/01/2024 03:00

Mô hình để đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững bao gồm: Khu vực công (Chính quyền địa phương, cơ quan chính phủ) - Dự án phát triển khu vực tư nhân (Các DN du lịch dịch vụ) - Cộng đồng địa phương.

>>Điểm mấu chốt để phát triển du lịch cộng đồng

Những năm gần đây, ngành Du lịch của tỉnh đang có những bước chuyển mạnh mẽ. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, các cấp chính quyền, ngành chuyên môn của địa phương đang nỗ lực đa dạng hóa các sản phẩm để thu hút du khách với những cách triển khai mang đậm dấu ấn, bản sắc của mỗi vùng miền.

Để kích cầu du lịch, thu hút nhiều khách du lịch quốc tế đến Việt Nam hơn nữa, qua đó góp phần giúp ngành du lịch phục hồi và phát triển, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề xuất một số giải pháp. Trong đó, ông Bình đặc biệt nhấn mạnh, toàn ngành du lịch cần chuyển hướng du lịch sang du lịch xanh để phát triển bền vững, trong đó cốt lõi là bảo vệ môi trường và chuyển các dịch vụ du lịch sang dịch vụ du lịch xanh; đẩy mạnh các sản phẩm du lịch mới, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch…

Du lịch

 Các địa phương đang nỗ lực đa dạng hóa các sản phẩm để thu hút du khách với những cách triển khai mang đậm dấu ấn, bản sắc của mỗi vùng miền.

>>Giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam

Chia sẻ về tầm quan trọng của du lịch bền vững đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Bích, Chủ tịch HĐQT Công ty Rustic Hospitality Group, Giám đốc đổi mới sáng tạo của dự án Du lịch Thụy Sĩ (ST4SD) vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam nhận định, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đóng góp lớn cho việc phát triển bền vững cho nền kinh tế vì tác động đến thu nhập, GDP đầu người… Do đó, không nên chỉ nhìn vào doanh thu thuế trực tiếp từ ngành du lịch, mà cần nhìn cả vào những đóng góp gián tiếp của du lịch qua các ngành, lĩnh vực khác cho nền kinh tế thì mới thấy được vai trò to lớn của ngành kinh tế xanh.

Nhìn từ thực tế trong quá trình triển khai Dự án Thụy Sĩ vì sự Phát triển Bền vững (ST4SD) tại Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Bích chia sẻ, mô hình lý tưởng để đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững là mô hình bao gồm: Khu vực công (Chính quyền địa phương, cơ quan chính phủ) - Dự án phát triển khu vực tư nhân (Các doanh nghiệp du lịch dịch vụ) - Cộng đồng địa phương. 

Trong đó, Giám đốc đổi mới sáng tạo của (ST4SD) chia sẻ, vai trò và sự liên kết chặt chẽ của mỗi bên là vô cùng quan trọng. Cụ thể, các cơ quan quản lý sẽ tạo môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch bền vững, đưa tính bền vững vào quy hoạch du lịch cấp tỉnh; doanh nghiệp chủ động sáng kiến sản phẩm du lịch bền vững, dẫn đầu việc tiếp cận thị trường và cam kết đầu tư vào đổi mới bền vững và sẵn sàng chia sẻ các thực hành tốt liên quan đến tính bền vững; cộng đồng địa phương cần cam kết với những ý tưởng bền vững, hợp tác đầu tư vào đổi mới bền vững, thu thập ý kiến phản hồi của người dân về phát triển du lịch, phối hợp sự tham gia của người dân trong quản lý du lịch.

Sản phẩm nhà dân kết hợp làm du lịch cộng đồng

Sản phẩm nhà dân kết hợp làm du lịch cộng đồng là sản phẩm mang tính sáng tạo, hấp dẫn nhiều du khách quốc tế yêu thích tham gia.

Muốn phát huy tốt vai trò của mỗi bên, theo ông Nguyễn Ngọc Bích, chúng ta cần có phương pháp tiếp cận bằng cách kêu gọi sự tham gia đoàn kết từ tất cả các bên, trong đó đặc biệt nhấn mạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, của các cơ quan quản lý. Cùng với đó, sự chung tay của các dự án thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo bền vững là không thể thiếu. Từ đó, chúng ta bắt đầu mô hình thí điểm nhỏ, chi phí thấp và đơn giản và nhân rộng các mô hình thành công. 

Các ý tưởng đổi mới sẽ được xác định trong khuôn khổ các mô hình được phát triển cho từng địa phương dựa trên từng điểm bán hàng riêng biệt. Theo đó, Dự án (ST4SD) cũng đã có thời gian nghiên cứu và triển khai mô hình cộng đồng tại Hà Giang, mô hình du lịch nông nghiệp tại Quảng Nam và mô hình du lịch sinh thái tại Đồng Tháp.

Cuối cùng, ông Bích nhấn mạnh, sự phối hợp chặt chẽ với hai hợp phần còn lại: Chính sách và đào tạo là nhân tố cuối cùng quyết định sự thành công của hành trình phát triển du lịch bền vững.

Có thể bạn quan tâm

  • Điểm mấu chốt để phát triển du lịch cộng đồng

    03:00, 14/01/2024

  • Du lịch Việt Nam có tiềm năng trở thành sân chơi của sự kiện toàn cầu

    03:00, 13/01/2024

  • Cần cơ chế, chính sách phát triển du lịch biển

    01:00, 13/01/2024

  • Giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam

    03:00, 12/01/2024

  • Việt Nam đặt mục tiêu năng lực phát triển du lịch và lữ hành tăng 2 bậc vào năm 2025

    02:00, 11/01/2024

MINH CHÂU