Quỹ bình ổn xăng dầu rất... “bất ổn"

MINH NGỌC 16/01/2024 03:30

Thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu thu hút sự quan tâm của dư luận.

>>Nghị định 80/2023 – Có ngăn được “trục lợi” Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

Theo đó, có 7/15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã sử dụng quỹ BOG sai mục đích, không kết chuyển về tài khoản quỹ BOG mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp thường xuyên, trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại quỹ với số tiền 7.927 tỷ đồng.

Trong số này có 3/7 thương nhân là đầu mối kinh doanh xăng dầu đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính từ 3 lần trở lên là Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà và CTCP Tập đoàn Thiên Minh Đức.

fffff

Việc trích và chi sử dụng Quỹ BOG từ lâu đã được phản ánh không theo kịp biến động giá thế giới.

Có 3 thương nhân đầu mối đã trích lập và chi sử dụng quỹ BOG đối với khối lượng xăng dầu vượt so với khối lượng trên sổ sách, dẫn đến trích lập quỹ BOG sai với số tiền gần 4,8 tỷ đồng và chi sử dụng quỹ BOG sai với số tiền 22,5 tỷ đồng.

Có 1 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trích lập quỹ BOG thiếu khoảng 3 tỷ đồng là Xuyên Việt Oil.

Có 1 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện một số bút toán điều chỉnh giảm quỹ BOG với số tiền hơn 10,2 tỷ đồng không phù hợp với nguyên tắc kế toán là CTCP Thương mại dầu khí Đồng Tháp.

Thực tế cho thấy, tình trạng bất ổn của Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã được cảnh báo từ rất lâu và cũng đã được đề xuất bỏ, nhưng các cơ quan quản lý chưa thực sự quan tâm, hay nói đúng hơn là "phớt lờ" để cho sai phạm xảy ra.

Cho ý kiến về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú khẳng định: Bất cập là do tiền trích Quỹ BOG của người mua xăng dầu, Quỹ lại do doanh nghiệp quản lý, cơ quan chức năng quyết định việc sử dụng.

Chính sự quản lý, vận hành quỹ không chặt chẽ mới tạo cơ hội cho doanh nghiệp rút ra sử dụng mục đích khác, chiếm dụng. Bên cạnh đó, việc xử phạt nếu phát hiện cũng không nghiêm minh. Đó là chưa nói việc quản lý quỹ khi gặp sự cố lại có sự đùn đẩy trách nhiệm mà Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra”.

Bên cạnh đó, việc trích và chi sử dụng Quỹ BOG từ lâu đã được phản ánh không theo kịp biến động giá thế giới. Trích mỗi lần 300 đồng/lít, giá giảm 5%, được trích thêm, giá tăng 7% mới được phép xả quỹ.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty xăng dầu Âu Hải Phát, thừa nhận việc Quỹ BOG xăng dầu bị thả nổi trong thời gian qua đã dẫn đến những hệ lụy và bất cập khi giao quyền quản lý tài khoản quỹ về cho doanh nghiệp đầu mối.

Theo ông Thắng, việc dùng xăng dầu để bình ổn sẽ giúp tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp bán lẻ và ổn định giá cho thị trường, thay vì giao tiền cho một thành phần trong chuỗi cung ứng xăng dầu quản lý.

>>Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Cần một cơ quan trung gian quản lý

Trước đó, cho ý kiến về câu chuyện doanh nghiệp chiếm dụng quỹ bình ổn xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu quan điểm không đồng tình với dự thảo nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu.

Theo ông Phớc, tại phiếu lấy ý kiến về dự thảo nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương đưa ra, Bộ Tài chính không đồng tình thông qua dự thảo, bởi cần phân công rõ trách nhiệm quản lý nhà nước với mặt hàng này.

“Hiện nay, vấn đề cấp phép kinh doanh xăng dầu do Bộ Công Thương làm; quản lý doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cũng thuộc Bộ Công Thương; mua bán, sản xuất mặt hàng xăng dầu cũng thuộc trách nhiệm Bộ Công Thương quản lý; tính các chi phí kinh doanh, trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng do Bộ Công Thương làm…” - ông Phớc nói.

Theo ông, trên cơ sở dữ liệu cách tính chi phí định mức do Bộ Tài chính đưa sang và tập hợp trên chi phí của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ tính bình quân gia quyền để Bộ Công Thương đưa vào giá cơ sở. 

Do vậy, Bộ Tài chính muốn phân rõ trách nhiệm. “Nếu giao quản lý mặt hàng xăng dầu cho Bộ Tài chính, chúng tôi làm ngay”, ông nói.

Bộ trưởng Tài chính cũng bày tỏ quan điểm về quản lý BOG xăng dầu tại dự thảo nghị định. Việc này nhằm quản lý và kiểm soát chặt chẽ hơn quỹ bình ổn khi vừa qua có tình trạng có doanh nghiệp chiếm dụng quỹ.

Theo ông Phớc, BOG giá xăng dầu phải mở một tài khoản chuyên thu chi riêng, giao ngân hàng thương mại quản lý. Khi thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bị rút giấy phép, ngay lập tức số tiền của quỹ bình ổn giá xăng dầu được nộp vào ngân sách nhà nước. Như vậy mới quản lý được.

Về vấn đề này, ông Phớc nói trong cuộc họp với Bộ Công Thương gần đây góp ý về dự thảo nghị định 95, Bộ Tài chính cũng nêu ý kiến về việc ngân hàng sẽ thực hiện phong tỏa tài khoản quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp.

“Tài khoản này chỉ được sử dụng vào mục đích trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn giá doanh nghiệp theo thông báo điều hành giá xăng dầu của cơ quan nhà nước. Khi trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu phải có quyết định của Bộ Công Thương, mọi chuyện phải rõ ràng”, ông nói.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho hay việc hoàn thiện dự thảo nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu cần lưu ý đến mức chi phí đủ cho doanh nghiệp bán lẻ hoạt động. Nếu không có chi phí hoạt động đương nhiên doanh nghiệp bán lẻ không bán, mà không bán thì dân không có xăng dầu để dùng. Bên cạnh đó, cần cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu được mua hàng của các đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Có thể bạn quan tâm

  • Nghị định 80/2023 – Có ngăn được “trục lợi” Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

    04:00, 24/12/2023

  • Lo quỹ bình ổn giá xăng dầu bị chiếm dụng

    00:10, 24/12/2023

  • Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Cần một cơ quan trung gian quản lý

    14:00, 30/10/2023

  • Giá xăng dầu liên tục “leo thang”, có nên giữ Quỹ bình ổn?

    04:00, 24/09/2023

  • Vì sao phải duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

    03:00, 10/04/2023

MINH NGỌC