Huyện Đông Anh (Hà Nội) “tham vấn” ý kiến 5000 doanh nghiệp trên địa bàn
UBND huyện Đông Anh đã gửi 5.000 phiếu đóng góp ý kiến cho doanh nghiệp trên địa bàn nhằm tháo gỡ vướng mắc khó khăn, hiến kế thúc đẩy kinh tế phát triển.
Ông Hoàng Hải Đăng – Phó Chủ tịch UBND Huyện Đông Anh cho biết: UBND huyện mới đây đã gửi trên 5.000 phiếu đóng góp ý kiến cho các doanh nghiệp trên địa bàn với 3 nội dung như: Những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về mặt bằng sản xuất, tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận các chính sách thuế,...;
Những kiến nghị, đề xuất với Huyện để đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và các giải pháp của doanh nghiệp với Huyện để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Thông qua ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, huyện Đông Anh sẽ tổng hợp theo từng nhóm vấn đề, cùng với cộng đồng các doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn thách thức.
Ông Đăng cũng cho biết: huyện Đông Anh đã và đang tập trung nhiều giải pháp để hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh như: Tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp hình thành và phát triển; thông tin về quy quy hoạch của Huyện cho các doanh nghiệp để biết định hướng và đầu tư phát triển; tạo điều kiện để các doanh nghiệp kết nối nguồn vốn với các ngân hàng; kết nối cung cầu sản phẩm; hỗ trợ chính sách thuế.... từ đó các doanh nghiệp đã dần vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Huyện
Năm 2023, kinh tế trên địa bàn huyện Đông Anh (Hà Nội) tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức cao, tăng 9,4%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của Hà Nội và cả nước (Thủ đô tăng 6,27%, cả nước tăng 5,05%), trong đó: Công nghiệp - Xây dựng tăng 8,9%; Thương mại - Dịch vụ tăng 15,7%; Nông – Lâm - Thủy sản tăng 0,9%; Cơ cấu các ngành kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao.
Năm 2023, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện Đông Anh cũng đạt 8.408 tỷ đồng, bằng 118% dự toán thành phố Hà Nội giao; trong đó thu ngân sách Huyện đạt 5.891 tỷ đồng, bằng 147% so với dự toán Thành phố giao. Công tác đầu tư xây dựng được tăng cường, trong đó nhiều dự án lớn được tập trung đẩy nhanh tiến độ và đạt được nhiều kết quả nổi bật như: Dự án Xây dựng Đền thờ Đức vua Ngô Quyền; Xây dựng Trung tâm hành chính huyện Đông Anh; các tuyến đường giao thông cấp thành phố; tuyến đường vành đai 3...
Phát biểu tại một hội nghị mới đây, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng đã biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao những kết quả, thành tích xuất sắc của cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, đồng thời khẳng định khát vọng phát triển của Đông Anh nhanh hay chậm phụ thuộc lớn vào vào sự chung sức, chung lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.
Năm 2024 huyện sẽ tiếp tục tập trung tập hợp các nguồn lực, đặc biệt là về đất đai, đẩy nhanh tiên độ GPMB để thực hiện các dự án trọng điểm, dự án đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội; Phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư tập trung, chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết theo thứ tự ưu tiên, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng dự án đầu tư công;
Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch; Tăng cường công tác quản lý về đất đai, đặc biệt là quỹ đất công, đã GPMB, điều kiện khai thác theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đã có quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng...
“Huyện cũng đặc biệt giao Phòng Kinh tế tham mưu, xây dựng kế hoạch, phối hợp các phòng, ban, đơn vị liên quan rà soát, đưa ra giải pháp, hoạt động cụ thể, thiết thực để hỗ trợ, đồng hành cùng DN trong việc đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo sự kết nối, trao đổi thông tin thường xuyên giữa chính quyền với Doanh nghiệp” – Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm