Doanh nghiệp cá tra "rộng cửa" xuất khẩu năm 2024
Thị trường Trung Quốc tăng nhập cuối năm và đạo luật cấm hoàn toàn cá thịt trắng và thủy sản có nguồn gốc từ Nga nhập khẩu vào Hoa Kỳ đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra.
>>>Sắp có Đề án cá tra 3 cấp mới hoàn thiện hơn
Tính đến ngày 15/12/2023 thế giới đã nhập khẩu gần 1,8 tỷ USD cá tra từ Việt Nam, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022. Theo đó, Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn là thị trường tiêu thụ hàng đầu cá tra từ Việt Nam trong năm 2023.
Kết quả ngành xuất khẩu cá tra đạt được trong năm 2023 cũng trả lời phần nào đó cho xu hướng xuất khẩu và xu hướng tiêu thụ của năm 2024. Cá tra xuất khẩu sẽ không chỉ tập trung vào các phile đông lạnh - sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, mà sẽ mở rộng và tăng dần với cá tra GTGT và các sản phẩm phụ như bong bóng cá, chả cá tra. Theo đó, việc Trung Quốc mở cửa mạnh dạn hơn so với đầu năm 2023 khiến giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này dần tăng trở lại.
Đặc biệt, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, dù giảm thị phần tại một số thị trường nhưng xuất khẩu cá tra đang có tín hiệu khả quan hơn ở một số thị trường Trung Quốc, Mexico, Canada, Brazil, Anh…
"Ngoài sản phẩm chủ lực là cá tra phi lê thì các sản phẩm phụ như bong bóng cá tra khô, chả cá tra đang được nhiều thị trường quan tâm như Mỹ, Trung Quốc, Malaysia, Singapore", bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP cho biết.
Ngoài ra, tồn kho cá tra tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU không còn là vấn đề. Giá xuất khẩu sẽ tăng trở lại ở các thị trường.
Bà Trần Thị Hoàng Thư, Giám đốc Khối kinh doanh CTCP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) đánh giá, dù thị trường ngành hàng thuỷ sản nói chung và cá tra nói riêng năm nay gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, thời điểm hiện nay đang có một số tín hiệu tích cực về mặt thị trường cho năm 2024.
Theo bà Thư, khách hàng từ các thị trường nhập khẩu đang quan tâm nhiều hơn đối với sản phẩm cá tra. Đặc biệt, tháng 11/2023, EU thông qua quy định mới khiến cá minh thái và cá tuyết có xuất xứ từ Nga bị áp thuế 13,7% chứ không được tiếp tục hưởng ưu đãi thuế 0% nữa.
Cụ thể, năm 2024, nhu cầu từ Trung Quốc sẽ phục hồi tốt hơn so với năm 2023, sản phẩm cá tra được sử dụng rộng rãi và ưa thích tại hệ thống nhà hàng ăn uống.
VASEP nhận định càng về cuối năm, Trung Quốc càng có xu hướng tăng nhập khẩu cá tra Việt Nam để phục vụ cho dịp nghỉ lễ cuối năm. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu cá tra đã liên tục tăng trưởng trong 3 tháng liên tiếp 9,10 và 11/2023. Trong đó, sản phẩm chủ lực Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này là cá tra đông lạnh và phile cá tra đông lạnh.
"Tín hiệu tích cực hơn từ nền kinh tế Trung Quốc, số lượng đơn hàng nhiều hơn, đặc biệt là sự củng cố về quan hệ song phương Việt - Trung là cơ sở cho những kỳ vọng lạc quan về xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc trong thời gian tới" VASEP nhận định.
Seafood Guide dẫn lời ông Chen Xindong, Tổng giám đốc của công ty phân phối cá tra tại Trung Quốc, Octogone, cho biết nhu cầu của thị trường đang chuyển sang các mặt hàng cao cấp hơn.
Tính đến ngày 1/1, các tỉnh nuôi cá tra ở Việt Nam báo giá nguyên liệu ổn định ở mức khoảng 26.000 đồng/kg (1,07 USD/kg), tương đương với cuối tháng 12, Seafood Guide đưa tin.
Một nhà phân phối Trung Quốc dự báo giá bán buôn và giá nguyên liệu thô sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán vào đầu tháng 2.
>>>Doanh nghiệp cá tra “vượt sóng”
Tín hiệu lạc quan tương tự tại thị trường Hoa Kỳ. Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), tính đến tháng 10/2023, Hoa Kỳ đã mua gần 278 triệu USD cá tra Việt Nam. Đặc biệt, sau khi giảm tồn kho giá cao từ năm 2022, thị trường có thể quay lại sôi động hơn.
Bên cạnh đó, kết luận cá tra Việt Nam được đánh giá tốt về ATTP của FSIS trong đợt thanh tra vừa qua cùng với mức thuế thấp mặc dù mới sơ bộ trong kỳ xem xét hành chính POR 19, đặt nhiều hy vọng cho các doanh nghiệp cá tra thâm nhập thị trường này.
Biến động của thế giới những tháng cuối năm 2023 cũng ảnh hưởng nhất định đến xu hướng và chiến lược của các nhà chế biến. Hải sản có nguồn gốc từ Nga bao gồm cả hải sản Nga được bên thứ 3 chế biến bị Hoa Kỳ cấm nhập khẩu vào nước này có thể là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Hoa Kỳ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam dự báo sản lượng cá tra năm 2024 tăng 2,8% so năm 2023, sản lượng thu hoạch trong quý I và II/2024 vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến, xuất khẩu.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2024 đạt 2 tỷ USD, cao hơn so với con số ước tính của năm 2023 là 1,8 tỷ USD. Đặc biệt, năm 2024 được dự báo giá xuất khẩu sẽ tăng trở lại.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội hồi phục cho xuất khẩu thủy sản, hiện cũng có nhiều thách thức doanh nghiêp phải vượt qua. Trong đó, việc ngày càng có nhiều công ty kinh doanh sản phẩm thủy sản Hoa Kỳ nộp đơn để Bộ Thương Mại Hoa Kỳ chấp thuận là nguyên đơn của vụ kiện CBPG cá tra khiến cho các đợt rà soát hành chính hàng năm ngày càng trở nên phức tạp.
Cùng với đó, những căng thẳng trên Biển Đỏ gần đây cũng gây ra không ít khó khăn trong quá trình vận tải, nhất là những thách thức về cước vận chuyển gia tăng. Giá bán đến tay người tiêu dùng tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyết định mua hàng. Doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình, chủ động lên các phương án thích hợp bao gồm cả việc mua bảo hiểm đầy đủ để phòng ngừa rủi ro và tổn thất khi hàng hóa phải kéo dài thời gian vận chuyển hoặc gặp sự cố khi đi qua tuyến đường này, hay tìm kiếm thêm các phương thức vận chuyển khác để đảm bảo chuỗi cung ứng.
Có thể bạn quan tâm
Sắp có Đề án cá tra 3 cấp mới hoàn thiện hơn
16:06, 15/12/2023
Doanh nghiệp cá tra “vượt sóng”
03:40, 29/08/2023
“Gỡ khó” cho cá tra tại các thị trường trọng điểm
04:01, 17/05/2023
"Vua tôm", "nữ hoàng cá tra" và các doanh nghiệp thủy sản đang làm ăn ra sao?
04:00, 10/05/2023