Lần đầu tiên Nam Định tăng trưởng 2 con số
Năm 2023, kinh tế tỉnh Nam Định đạt được nhiều kết quả tích cực, hầu hết các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, tổng sản phẩm GRDP ước tăng 10,19% cao nhất từ trước đến nay.
Thông tin này vừa được ông Trần Lê Đoài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết tại Hội nghị gặp mặt các cơ quan báo chí đầu năm 2024, diễn ra sáng 19/02/2024.
>>Nam Định: Bứt tốc thu hút Doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp
Dấu ấn 2023
Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của UBND tỉnh Nam Định, ông Trần Lê Đoài khẳng định năm 2023 là năm rất thành công của tỉnh Nam Định, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ban, ngành Trung ương đánh giá cao.
Cụ thể, kinh kinh tế của tỉnh có bước phát triển mới, đạt được nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực với hầu hết các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, tổng sản phẩm GRDP ước tăng 10,19% cao nhất từ trước đến nay. Thu ngân sách nhà nước đạt 10.452 tỷ đồng, hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX trước 02 năm. Sản xuất công nghiệp và các hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 14,58%. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội ước tăng 13,8%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước tăng 17%. Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 18,8%; Dư nợ tín dụng ước tăng 11,2% so với đầu năm…
Thông tin cụ thể hơn, ông Trần Lê Đoài cho biết, trong năm 2023, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hệ thống giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được tập trung đầu tư, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, tỉnh đã hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác dự án Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ, đây là Cụm công trình kênh nối thủy lớn nhất Việt Nam; cơ bản hoàn thành Tỉnh lộ 485B; tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định.
Bên cạnh đó, tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án: Tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển; giai đoạn II dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Khu Trung tâm lễ hội thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần (giai đoạn II); Bệnh viện đa khoa tỉnh;... cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình.
Ngoài ra, tỉnh tiếp tục hỗ trợ, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, như: Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông, khu công nghiệp Mỹ Thuận, khu công nghiệp Bảo Minh mở rộng; triển khai thủ tục đầu tư xây dựng khu công nghiệp Trung Thành; các cụm công nghiệp Giao Thiện, Tân Thịnh… để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất kinh doanh.
Vẫn theo ông Trần Lê Đoài, trong năm 2023, công tác xúc tiến và thu hút đầu tư được tập trung thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và đạt được kết quả rất tích cực. Nổi bật là, đã ký kết thoả thuận phát triển dự án, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Quanta để sản xuất máy vi tính với tổng mức đầu tư 120 triệu USD; Tập đoàn JiaWei thực hiện Dự án sản xuất sản phẩm nhựa và sản phẩm Melamine với tổng mức đầu tư 42 triệu USD; Công ty Xingyu Safety Technology (Singapore) với tổng mức đầu tư gần 84,5 triệu USD; ký kết thoả thuận với Tập đoàn Sunrise Material phát triển Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất màng bọc polyme công nghệ cao với tổng mức đầu tư 100 triệu USD tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận, Khu công nghiệp Bảo Minh mở rộng. Chấp thuận chủ trương tiếp nhận dự án sản xuất găng tay y tế của Công ty TNHH Y tế Bình An tại Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông với tổng số vốn đăng ký 150 triệu USD. Ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) đầu tư tại Khu công nghiệp Hải Long;… "Đây là những doanh nghiệp, dự án lớn có ý nghĩa lan tỏa, tác động quan trọng tới uy tín, môi trường đầu tư của tỉnh và tạo nguồn thu lớn cho tỉnh ta ở những năm tiếp theo". - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định nói.
Ngoài ra, theo báo cáo từ vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, tình hình sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tiếp tục được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Đến nay toàn tỉnh có 191/204 (93,6%) xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tập trung hướng dẫn, hỗ trợ huyện Giao Thủy phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023. Toàn tỉnh hiện có 431 sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng từ 3 sao trở lên.
Đặc biệt, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên. Hoạt động chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả theo đúng quy chế làm việc, quy định của pháp luật và chỉ đạo của cấp trên. Thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo và hoàn thành đúng thời hạn, chất lượng các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Tỉnh ủy giao. Công tác phân cấp, ủy quyền được đẩy mạnh, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, đầu tư, giá đất,… tạo thuận lợi cho các sở, ngành, địa phương chủ động triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ.
Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số tiếp tục đạt được kết quả tích cực. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số cải cách hành chính được nâng lên; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh và Chỉ số đánh giá về chuyển đổi số của tỉnh luôn duy trì nằm trong tốp khá của cả nước. Đặc biệt, chất lượng Quản trị dịch vụ công trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp Dịch vụ công của tỉnh Nam Định, Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh” (Đề án 06) được đánh giá là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước…
>>Tuyến đường cao tốc CT.08 đi qua Nam Định - Thái Bình sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế cho 2 địa phương
10 nhiệm vụ trọng tâm năm 2024
2024 là năm bứt phá để hoàn thành các chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20. Để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024, Trần Lê Đoài cho biết tỉnh Nam Định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:
Thứ nhất, tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh để tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng chủ động, nâng cao chất lượng công tác tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo quy chế làm việc và quy định của pháp luật.
Thứ hai, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; tổ chức quản lý, thực hiện tốt các loại quy hoạch. Trong đó, tổ chức công khai, triển khai thực hiện các nội dung Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Hoàn thành Đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ; các quy hoạch vùng, quy hoạch liên vùng, quy hoạch đô thị các thị trấn, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết,... Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành phù hợp với Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng để đảm bảo đồng bộ, thống nhất.
Thứ ba, tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ các dự án, đặc biệt là các dự án, công trình trọng điểm, các khu cụm công nghiệp. Chú trọng công tác giải phóng mặt bằng.
Thứ tư, phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Theo đó, tiếp tục phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện, củng cố các tiêu chí xây dựng xã, huyện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu năm 2024 có thêm 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Giao Thủy đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024, đạt kiểu mẫu năm 2025; xây dựng các huyện Xuân Trường, Nam Trực, Trực Ninh, Hải Hậu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đẩy mạnh việc quảng bá và phát triển thị trường trong và ngoài nước cho các sản phẩm OCOP.
Thứ năm, tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, đất đai; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 5 năm giai đoạn 2021-2025 (sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Quản lý, giám sát chặt chẽ việc khai thác khoáng sản, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường theo đúng quy định; kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.
Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa để thực hiện các dự án nước sạch, thu gom, xử lý nước thải, rác thải tập trung tại khu vực nông thôn; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong toàn xã hội. Chủ động, sẵn sàng các phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”.
Thứ sáu, tập trung công tác cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư. Trong đó, tích cực triển khai Kế hoạch về chuyển đổi số tỉnh Nam Định gắn với Đề án 06 của Chính phủ. Đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số tỉnh trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Thực hiện chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ giải pháp nâng điểm số, thứ hạng của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Giữ vững và nâng cao chất lượng quản trị dịch vụ công trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp Dịch vụ công của tỉnh nằm trong tốp dẫn đầu cả nước.
Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào các khu, cụm công nghiệp. Tích cực hỗ trợ các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện tại huyện Nghĩa Hưng; các dự án của các nhà đầu tư tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận, Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông, Khu công nghiệp Bảo Minh mở rộng...
Thứ bảy, chú trọng phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Quan tâm thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, thân nhân người có công theo quy định. Đảm bảo an sinh xã hội. Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông để giữ vững thành tích là tỉnh nằm trong tốp dẫn đầu toàn quốc về chất lượng giáo dục. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu của các doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh và đầu tư trên địa bàn tỉnh. Nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là năng lực khám, chữa bệnh và y tế dự phòng gắn phát triển bảo hiểm y tế toàn dân. Tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, thể thao, các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhu cầu thông tin, giải trí của nhân dân. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở cơ quan, đơn vị, thôn, xóm, tổ dân phố để mỗi gia đình, người dân được hạnh phúc ở nơi mình đang sinh sống, học tập và làm việc.
Thứ tám, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Thực hiện có hiệu quả chủ trương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với nâng cao chất lượng, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 và Đề án mở rộng thành phố Nam Định và thành lập 03 phường. Sớm ổn định tổ chức và đi vào hoạt động của các đơn vị sắp xếp, sáp nhập khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không làm ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Hoàn thành việc chuyển nguyên trạng 10 Trung tâm y tế cấp huyện trực thuộc Sở Y tế quản lý về trực thuộc UBND các huyện, thành phố quản lý.
Thứ chín, đảm bảo An ninh - Quốc phòng. Thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự - quốc phòng địa phương. Tập trung phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực hiện quyết liệt các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nỗ lực kiềm chế, giảm tai nạn giao thông. Tiếp tục quan tâm làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, nhất là giải quyết khiếu nại tố cáo tại cơ sở.
Thứ mười, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội: Chủ động thông tin khách quan, chính xác, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chủ trương của tỉnh tới Nhân dân. Nâng cao hiệu quả công tác dân vận, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, tạo đồng thuận xã hội, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Có thể bạn quan tâm
Yêu cầu tháo gỡ khó khăn để đảm bảo tiến độ dự án tuyến đường bộ ven biển đi qua tỉnh Nam Định
21:25, 18/01/2024
Các làng nghề Nam Định tất bật chuẩn bị Tết
04:24, 15/01/2024
Nam Định: Bứt tốc thu hút Doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp
02:27, 10/01/2024
Nam Định: Phát triển khu công nghiệp tạo mặt bằng hút "đại bàng" về làm tổ
02:55, 25/12/2023
Nam Định: Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại trên tuyến biên giới biển
00:10, 23/12/2023