Nhà đầu tư rục rịch quay trở lại thị trường M&A Trung Quốc

DIỄM NGỌC 19/01/2024 16:00

Công ty tư vấn toàn cầu Bain & Co cho biết, các nhà đầu tư đang quay trở lại thị trường M&A Trung Quốc sau 3 năm suy giảm liên tiếp, với mong muốn tìm kiếm lợi nhuận từ sự phục hồi kinh tế.

>>Hậu thương vụ M&A hơn 9.000 tỷ đồng, FV và Thomson Medical hướng đến mục tiêu mới

Theo SCMP đưa tin, người đứng đầu bộ phận M&A tại Trung Quốc của Bain & Co, các nhà đầu tư sẽ tập trung vào việc cải thiện khả năng sinh lời và tăng doanh thu từ các công ty trong danh mục đầu tư của họ, thay vì định giá một cách hời hợt khi đưa ra quyết định đầu tư. “Các cuộc đàm phán mới về việc thực hiện thỏa thuận đã tái diễn kể từ nửa cuối năm 2023. Có thể mất nhiều thời gian hơn để hoàn tất các thương vụ, nhưng chắc chắn nhiều giao dịch sẽ được thực hiện trong năm nay”.

Trung Quốc đại lục đã báo cáo 5.156 thương vụ M&A vào năm 2023, với tổng giá trị là 301 tỷ USD

Trung Quốc đại lục đã báo cáo 5.156 thương vụ M&A vào năm 2023, với tổng giá trị là 301 tỷ USD. Ảnh: Shutterstock

Tuyên bố này của Bain & Co rất có ý nghĩa, vì theo S&P Global Market Intelligence, mặc dù khối lượng giao dịch giảm nhưng Trung Quốc đại lục vẫn chiếm 41% giao dịch ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong nửa đầu năm 2023.

Còn theo dữ liệu của Refinitiv cho thấy, Trung Quốc đại lục đã báo cáo 5.156 thương vụ M&A vào năm 2023, với tổng giá trị là 301 tỷ USD. Đây là mức thấp nhất trong 9 năm và là năm giảm thứ ba liên tiếp xét về khối lượng giao dịch.

Vào đầu tháng này, ngân hàng UBS của Thuỵ Sĩ cũng dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết Trung Quốc sẽ tăng lên 8% vào năm 2024 từ mức 3% của năm ngoái, nhờ sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới quay trở lại.

Vào tháng 3 tới đây, khi phiên họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc được tổ chức, Bắc Kinh sẽ công bố các mục tiêu tăng trưởng hàng năm về GDP, lạm phát tiêu dùng và thâm hụt tài chính cho năm 2024. Kang Yi, người đứng đầu Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết trong cuộc họp báo ngày17/1 rằng, một số ưu đãi mà Bắc Kinh đưa ra vào năm ngoái như kế hoạch phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt trị giá 1.000 tỷ Nhân dân tệ (139 tỷ USD) sẽ có hiệu lực vào năm 2024. Chính phủ cũng sẽ chuẩn bị các chính sách hỗ trợ mới để thúc đẩy nền kinh tế đại lục.

>>Các ngành sôi động M&A trong 2023

Bain & Co đánh giá, hầu hết các nhà đầu tư đều thích các doanh nghiệp quy mô lớn hơn các công ty nhỏ, tăng trưởng cao vì họ theo đuổi lợi nhuận ổn định và bền vững trong một thị trường đang thay đổi nhanh chóng. Các nước Trung Đông cũng mong muốn chuyển đổi từ nền kinh tế dựa vào nhiên liệu hóa thạch và đang theo đuổi cơ hội cho các thương vụ M&A nội địa của Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực năng lượng mới và xe điện (EV).

Vào tháng 10/2023, nhà phát triển thành phố thông minh Neom của Arab Saudi đã đầu tư 100 triệu USD vào công ty khởi nghiệp công nghệ lái xe tự hành Pony.ai của Trung Quốc, để tài trợ cho hoạt động nghiên cứu, phát triển của công ty. Hay vào ngày 18/12 vừa qua, nhà sản xuất xe điện Trung Quốc Nio cũng thông báo, họ đã huy động được 2,2 tỷ USD từ CYVN Holdings - một quỹ được chính phủ Abu Dhabi hậu thuẫn.

Với quan điểm thận trọng hơn, Giám đốc điều hành ngân hàng đầu tư tại Vantage Capital Markets - Federico Bazzoni cho rằng, mặc dù vẫn có sự quan tâm đến M&A của Trung Quốc, nhưng các công ty đa quốc gia sẽ có xu hướng thận trọng hơn. Bằng chứng là dòng đầu tư đã có sự chuyển dịch sang các lĩnh vực ít nhạy cảm và phi bất động sản, đồng thời có hàm lượng công nghệ tiềm năng.

Ông cũng đang nhận thấy sự thúc đẩy lớn trong việc quản lý doanh nghiệp, xã hội và môi trường ở nước ngoài cũng như các thỏa thuận năng lượng mới. Ví dụ, các nhà sản xuất tấm pin mặt trời hàng đầu ở Trung Quốc đang nỗ lực tham gia vào các dự án mới ở nước ngoài thông qua đầu tư vốn M&A dưới dạng hàng hóa, vốn cổ phần hoặc thông qua liên doanh.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm mạnh đã ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư. Chỉ số MSCI China Index đã giảm gần 12% trong năm 2023, sau khi giảm 23,6% vào năm 2022 và 22,8% vào năm 2021. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông cũng giảm 14% trong năm ngoái.

Theo dữ liệu của Bloomberg, khoảng 955 tỷ USD vốn hóa thị trường đã bốc hơi khỏi các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông, Thượng Hải, Thâm Quyến và New York tính đến cuối tháng 11/2023.

Colin Banfield, người đứng đầu bộ phận M&A châu Á tại CitiGroup nhận xét: “Thị trường M&A không bao giờ tách rời khỏi các điều kiện của thị trường vốn, bởi vì nó ảnh hưởng đến tâm lý chung của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Với các chỉ số kinh tế vĩ mô hiện tại, bao gồm cả nhu cầu tiêu dùng thấp hơn, các nhà đầu tư đang chờ đợi những dấu hiệu cho thấy triển vọng tăng trưởng trong tương lai của Trung Quốc”.

Có thể bạn quan tâm

  • Hậu thương vụ M&A hơn 9.000 tỷ đồng, FV và Thomson Medical hướng đến mục tiêu mới

    12:21, 17/01/2024

  • “Cuộc chơi” M&A bất động sản

    14:45, 16/01/2024

  • Thúc đẩy hoạt động M&A: Cần hoàn thiện hành lang pháp lý

    04:00, 14/01/2024

  • M&A bất động sản 2024: Nhà đầu tư cần minh bạch về chính sách

    10:00, 12/01/2024

DIỄM NGỌC