Chú trọng khâu thực thi Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Theo chuyên gia, Luật Các TCTD sửa đổi cần được triển khai một cách toàn diện, khả thi và phù hợp với thực tiễn, qua đó hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của ngành ngân hàng trong tương lai.
>>Ba điểm chính trong Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được thông qua
Nhiều điểm nhấn quan trọng
Mới đây, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) (Luật các TCTD) trong phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, Luật này mang lại những thay đổi sâu rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách tài chính và tiền tệ của quốc gia. Đây được coi là một bước tiến quan trọng, phản ánh sự phát triển tích cực và bền vững của nền kinh tế cũng như hệ thống ngân hàng trong bối cảnh hiện nay.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc nghiên cứu, phân tích CTCK Yuanta Việt Nam cho biết, những thay đổi lớn trong Luật Các TCTD sửa đổi như sau:
Thứ nhất, giảm bớt tỷ lệ sở hữu của của tổ chức cũng như cá nhân và người có liên quan tại một TCTD (cụ thể là ngân hàng). Riêng đối với 1 cá nhân thì tỷ lệ sở hữu tối đa tại TCTD vẫn là 5%.
Việc làm này để nhằm đảm bảo tính đại chúng. Hạn chế việc thâu tóm, chi phối ngân hàng. Điều này tốt cho hoạt động hệ thống ngân hàng, cũng như cho các cổ đông nhỏ lẻ. Điểm đáng lưu ý là Luật mới không có thay đổi về tỷ lệ sở hữu của cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, giảm hạn mức cấp tín dụng đối với một khách hàng, cũng như một khách hàng và tổ chức có liên quan; Nhưng thay vì giảm một lần xuống mức yêu cầu, thì vẫn cho thời gian để các ngân hàng giảm theo lộ trình. Về cơ bản đến năm 2029 thì sẽ giảm hạn mức cấp tín dụng cho một khách hàng xuống 10% vốn tự có từ mức 15% và khách hàng và người có liên quan xuống 15% vốn tự có từ mức 25% như hiện tại.
Quy định này cũng nhằm mục đích đảm bảo an toàn hệ thống, tuy nhiên nó cũng sẽ làm hạn chế nguồn vốn ra nền kinh tế. Việc tiếp cận nguồn vốn lớn sẽ khó hơn, dẫn đến tăng trưởng tín dụng ngân hàng sẽ phần nào gặp khó.
Ở góc nhìn tích cực hơn thì Luật có hiệu lực từ 1/7/2024 và việc áp dụng theo lộ trình chứ không giảm đột ngột cũng sẽ không ảnh hưởng quá lớn.
Thứ ba, quy định về nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ, trong đó chỉ có một thay đổi đó là gia tăng thời hạn nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ lên 5 năm, thay vì 3 năm như trước.
Trong thực tế, việc các ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản thường không dễ dàng, trải qua nhiều đợt bán đấu giá, thậm chí là giảm giá và có khi phải tốn nhiều thời gian. Vì vậy việc tăng thêm thời gian sẽ cho phép các ngân hàng thêm thời gian để xử lý nợ xấu.
Thứ tư, tăng tỷ lệ trích lập hàng năm cho quỹ dữ trự bổ sung vốn điều lệ hoặc quỹ bổ sung vốn được cấp theo tỷ lệ 10% lợi nhuận sau thuế, thay vì 5%.
Thứ năm, cấm việc các tổ chức tín dụng bán bảo hiểm khi cung cấp dịch vụ ngân hàng (ví dụ cho vay). Quy định này cũng không có gì mới, việc siết chặt này tất nhiên sẽ làm cho hoạt động bancassurance của các ngân hàng bị tác động và cũng sẽ cần thời gian dài để hồi phục. Khi mà người dân nhận thức được tầm quan trọng của bảo hiểm thì lúc đó ngân hàng sẽ dễ dàng hơn trong việc phân phối sản phẩm bảo hiểm.
Thứ sáu, trong qui định mới lần này có nội dung đề cập đến can thiệp sớm để giảm tác động đến hệ thống tài chính. Nội dung được quan tâm nhiều có lẽ liên quan đến chuyển giao bắt buộc, đặc biệt về quyền và nghĩa vụ của các ngân hàng tham gia tiếp quản các ngân hàng yếu kém.
>>Luật hóa để ngăn chặn vi phạm của nhân viên các tổ chức tín dụng, ngân hàng
Chú trọng khâu thực thi
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV nhìn nhận, trong bối cảnh ngành ngân hàng đối mặt với nhiều thách thức, các cải cách pháp lý đang được triển khai sẽ giải quyết các vấn đề tồn đọng và thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ ngân hàng mới như ngân hàng điện tử, ngân hàng số.
Điều này được thể hiện rõ trong sự chỉnh sửa của Luật Các TCTD, nhấn mạnh việc áp dụng các cơ chế thử nghiệm cho hoạt động của Fintech, mở đường cho sự đổi mới và tích hợp công nghệ trong lĩnh vực tài chính.
“Ngoài ra, sự điều chỉnh của luật cũng nhằm mục tiêu xử lý nợ xấu, theo tinh thần của Nghị quyết số 42/2017/QH14 góp phần vào việc tạo dựng một nền tảng vững chắc cho hệ thống tài chính quốc gia. Điểm quan trọng nhất trong quá trình này là việc triển khai và hướng dẫn thực hiện luật một cách sớm và hiệu quả, đảm bảo rằng các quy định mới có thể phát huy tác dụng ngay lập tức.
Các cơ quan chức năng đang tích cực trong việc lấy ý kiến từ các bên liên quan để đảm bảo rằng quy định mới sẽ được triển khai một cách toàn diện, khả thi và phù hợp với thực tiễn, qua đó, hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của ngành ngân hàng trong tương lai”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Có thể thấy, Luật Các TCTD sửa đổi sẽ thúc đẩy các TCTD hoạt động dựa trên cơ chế thị trường, với tính minh bạch và chủ động cao trong việc huy động và sử dụng vốn, là yếu tố quan trọng đối với sự thông thoáng của thị trường tài chính.
Các chuyên gia đều đồng tình rằng, bên cạnh các Nghị định và Thông tư hướng dẫn, thì việc áp dụng thêm nhiều chính sách và chế tài khác là cần thiết để đưa hoạt động của các TCTD vào khuôn khổ pháp luật, đảm bảo cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của ngành tài chính ngân hàng.
Có thể bạn quan tâm
Ba điểm chính trong Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được thông qua
13:53, 18/01/2024
Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Cân nhắc quy định về người có liên quan
11:00, 17/01/2024
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Cần bổ sung quy định về tài sản thế chấp
15:51, 15/01/2024
Luật hóa để ngăn chặn vi phạm của nhân viên các tổ chức tín dụng, ngân hàng
15:12, 15/01/2024
Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Cân nhắc việc giảm giới hạn cấp tín dụng
04:00, 11/01/2024