Tăng cường bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực

NGUYỄN VIỆT 19/01/2024 21:18

Tại kỳ họp 35, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thảo luận để trình Bộ Chính trị xem xét, ban hành Quy định về bảo vệ người tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

>>Phòng, chống tham nhũng: Cán bộ chưa biết sợ hay do “lòng tham không đáy”?

Trong các ngày 10, 11 và 19/1, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã họp Kỳ thứ 35 dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú.

Kỳ họp thứ 35 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Kỳ họp thứ 35 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Tại kỳ họp, UBKT Trung ương đã thảo luận để trình Bộ Chính trị xem xét, ban hành Quy định về bảo vệ người tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời quyết định một số nội dung quan trọng khác.

Thời gian qua, công các phòng chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được cử tri, nhân dân đánh giá cao. Nhiều vụ án được mở rộng điều tra, đi sâu làm rõ bản chất chiếm đoạt, vụ lợi.

Kiên quyết xử lý nghiêm minh, công khai đối tượng vi phạm, qua đó có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ thu hồi tài sản được nâng lên.

Các cơ quan chức năng đã chú trọng áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để truy tìm, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn điều tra, xác minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực để ngăn chặn việc chuyển nhượng, tẩu tán tài sản…

Đóng góp vào thành công của công cuộc phòng, chống tham nhũng, ngoài vai trò tích cực chủ động của cơ quan chức năng còn có vai trò của người dân - những người đã dũng cảm đứng lên tố cáo những người có hành vi tham nhũng.

Luật Tố cáo năm 2018 đã có nhiều quy định để bảo vệ người tố cáo. Theo đó, người tố cáo được bảo vệ bí mật thông tin, bảo vệ vị trí công tác, việc làm, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm. Đối tượng bảo vệ là người tố cáo, vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của họ…

Tuy nhiên, theo ông Trương Khánh Hải, Cục Phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, các quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng còn thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện, đặc biệt là các biện pháp bảo vệ người tố cáo, động viên, khen thưởng kịp thời người tố cáo đúng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức làm tốt công tác bảo vệ người tố cáo.

Trên thực tế, dù có quy định pháp luật song người dân vẫn “e ngại” tố cáo tham nhũng. Điều này xuất phát từ tâm lý của một bộ phận người dân “sống chung với tham nhũng” thông qua việc chấp nhận bỏ ra một khoản chi phí không chính thức để “bôi trơn” cho nhanh được việc khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Cùng với đó, từ thực tế triển khai pháp luật về phòng chống tham nhũng cũng cho thấy, quy định về bảo vệ tố cáo còn thiếu cụ thể, dẫn đến lúng túng khi thực hiện.

Theo quy định tại khoản 3, Điều 47 Luật Tố cáo 2018: “Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ (người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo) đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc, hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết”.

Theo PGS.TS. Vũ Công Giao, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, quy định như luật hiện hành chưa rõ như thế nào là “có căn cứ”. Chính điều này dẫn đến khả năng áp dụng biện pháp bảo vệ khi chưa thực sự cần thiết hoặc không áp dụng biện pháp bảo vệ khi cần thiết.

"Do đó, cần có quy định cụ thể hóa những biểu hiện, hành vi và mức độ hành vi mà có thể được xem là “có căn cứ” ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết với người tố cáo và người thân thích của họ", ông Giao đề nghị.

>>Tham nhũng, tiêu cực đe dọa vận mệnh của Đảng

>>Năm 2023, tình trạng tham nhũng, tiêu cực còn nghiêm trọng

Thực tế cho thấy, người chống tham nhũng nói chung và người tố cáo các hành vi tham nhũng nói riêng thường phải đối mặt với nhiều áp lực và rủi ro. Vẫn theo PGS.TS. Vũ Công Giao, nhiều người trong số họ đã phải chịu đựng những mối đe dọa hay hành động trả thù, trù dập của người bị tố cáo.

Trong khi, sự ủng hộ, chia sẻ, giúp đỡ của tập thể, cộng đồng và gia đình hiện còn hạn chế. “Điều này khiến không ít người dân và cán bộ, đảng viên e ngại, né tránh, không dám hoặc không muốn tố cáo tham nhũng”, PGS.TS. Vũ Công Giao nói.

Để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, rất cần huy động sự tham gia của người dân trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Muốn vậy, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về vấn đề này.

Ông Trương Khánh Hải - Cục Phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho rằng, cần bổ sung quy định cụ thể về các biện pháp bảo vệ người tố cáo. Cùng với đó, động viên, khen thưởng kịp thời người tố cáo đúng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức làm tốt công tác bảo vệ người tố cáo.

Cùng quan điểm, PGS.TS. Vũ Công Giao chỉ rõ, hiện nay việc khen thưởng người tố cáo tham nhũng chưa được coi trọng đúng mức. Những vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý do người dân tố cáo nhưng ít khi người tố cáo được vinh danh xứng đáng.

Trong khi, áp lực xã hội với người tố cáo tham nhũng rất lớn, việc không được vinh danh, khen thưởng xứng đáng cũng làm giảm nhiệt huyết của những người tố cáo tham nhũng. Đây cũng là hạn chế đã được nêu từ lâu nhưng hiện chưa được khắc phục.

Có thể bạn quan tâm

  • Phòng, chống tham nhũng: Cán bộ chưa biết sợ hay do “lòng tham không đáy”?

    15:05, 10/01/2024

  • Tham nhũng, tiêu cực đe dọa vận mệnh của Đảng

    00:50, 23/11/2023

NGUYỄN VIỆT