Chiến thuật “lạm phát tham lam”

QUÂN BẢO 22/01/2024 02:30

Công ty socola Lindt của Thụy Sỹ có mức tăng trưởng kỷ lục trong năm 2023 nhờ việc tăng giá bán giữa lạm phát. Điều này dấy lên tranh cãi về chiến thuật “lạm phát tham lam” của các doanh nghiệp.

>>Châu Âu vẫn "loay hoay" giải quyết bài toán lạm phát

Lạm phát tham lam, tiếng Anh là greedflation, là thuật ngữ chỉ tình trạng doanh nghiệp tìm cách tăng giá và tạo ra lạm phát để tăng lợi nhuận. Hình thức phổ biến nhất là tăng giá hàng hóa và dịch vụ mà không có lý do cụ thể hoặc tăng giá quá mức.

Nếu xét theo bối cảnh hiện nay, việc một công ty socola có thể kiếm lời là điều không tưởng. Bởi đây là thời điểm giá năng lượng và giá ngũ cốc đều tăng cao do chiến tranh Nga - Ukraine và sự gián đoạn kéo dài vì đại dịch COVID-19. Không chỉ vậy, cuộc khủng hoảng ca cao ở Tây Phi càng khiến tình hình thêm tồi tệ.

Bất chấp triển vọng u ám ấy, hãng socola Lindt & Sprüngli của Thụy Sỹ đã ghi nhận doanh số tăng 10,3% trong năm 2023. Tập đoàn này cho biết họ bù đắp được một số chi phí thông qua việc cải thiện hiệu suất làm việc tại các nhà máy.

Thế nhưng ngoài phần này, thì các chi phí gia tăng khác lại bị đẩy cho những khách hàng yêu thích món socola của Lindt. Chính tập đoàn cũng phát biểu rằng thông qua việc hợp tác chặt chẽ với các đối tác thương mại, họ đã bù đắp được các chi phí còn lại bằng việc tăng giá.

Trên thực tế, Lindt không phải là công ty socola duy nhất tăng giá.

Cuối năm 2023, biến đổi khí hậu khiến nông dân trồng ca cao ở Bờ Biển Ngà và Ghana bị ảnh hưởng, kéo giá ca cao tăng lên mức cao nhất trong vòng 44 năm vừa qua. Do đó các nhà sản xuất socola lớn nhất thế giới, bao gồm Ferrero và Mondelez, chịu cảnh nguyên liệu thô đội giá. Kết quả là họ phải tăng giá sản phẩm của mình. Các thống kê từ Which? cho thấy giá một số loại socola ở Vương Quốc Anh tăng đến 67%.

Về phía mình, mặc dù Lindt chỉ mới tiết lộ dữ liệu bán hàng của năm 2023, thế nhưng họ kỳ vọng biên lợi nhuận cũng sẽ được cải thiện so với năm trước đó nhờ giá tăng. Trong năm 2024, Lindt dự đoán doanh số tăng 8% và lợi nhuận tiếp tục được cải thiện.

Lindor pralines, loại socola viên nổi tiếng của Lindt, chính là một trong những mặt hàng bán chạy nhất với mức tăng trưởng hai chữ số ở tất cả các khu vực nơi Lindt hiện diện.

Mặc dù giá tăng, thế nhưng socola Lindt vẫn bán rất tốt. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy khách hàng đang chuyển từ các món đồ xa xỉ tốn nhiều tiền sang những món xa xỉ ít tốn tiền hơn.

Hiện tượng này được gọi là “hiệu ứng son môi”, chỉ việc trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khách hàng thường có xu hướng tự thưởng cho mình những món đồ đắt tiền nho nhỏ, chẳng hạn một thỏi son, thay vì những món đồ đắt đỏ như túi xách. Tức là hiện nay, socola của Lindt đang là một ứng cử viên hàng đầu cho những khách hàng trong “hiệu ứng son môi” này.

Khách hàng có thể khó chịu với doanh số bán hàng kỷ lục của Lindt, thế nhưng các nhà đầu tư lại rất hoan nghênh. Cổ phiếu của họ tăng hơn 5% sau khi thị trường châu Âu mở cửa hôm Thứ Ba, 16/1/2024.

Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn dầu, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn mà phải mất nhiều năm mới có thể giải quyết. Không lâu sau đó, chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra, kéo theo các lệnh trừng phạt chưa từng có và khiến phương Tây mất đi nguồn cung cấp dầu khí, ảnh hưởng đến chi phí năng lượng và vận chuyển. Không chỉ vậy, ngũ cốc Ukraine còn gặp khó khăn trong vấn đề xuất khẩu. Tất cả những điều này đã đẩy lạm phát tại châu Âu, Anh và Mỹ đạt đỉnh trong nhiều thập kỷ.

Các nhà cung ứng và bán lẻ sử dụng lạm phát làm cái cớ để giải thích cho những đợt tăng giá trong thời gian vừa qua. Thế nhưng giờ đây giới quan sát đang mổ xẻ để xem thử bao nhiêu tăng giá là để tránh thua lỗ, bao nhiêu là để trục lợi, cải thiện lợi nhuận và giá cổ phiếu.

Cuối năm ngoái, IPPR và Commo Wealth khởi động nghiên cứu lớn nhất thế giới về “lạm phát tham lam”. Các nhà nghiên cứu đã cùng theo dõi và xem xét 1.300 công ty lớn nhất thế giới. Mục đích của nghiên cứu là để tìm hiểu xem trong đợt tăng giá năm 2022, bao nhiêu phần trăm là để trục lợi thay vì bù đắp chi phí đầu vào.

Kết quả khá bất ngờ khi lợi nhuận của các công ty tăng 30% trong năm 2022, trong khi lạm phát chỉ ở mức 11%.

Các tổ chức nghiên cứu còn phát hiện ra rằng một số công ty, bao gồm Shell, ExxonMobil và Kraft Heinz đã tận dụng cơ hội để tăng giá, đồng thời biện minh hành động của mình là để đối phó với áp lực chi phí từ đại dịch và chiến tranh Nga - Ukraine.

Cuộc tranh luận về lạm phát tham lam càng trở nên phức tạp hơn bởi các tranh cãi giữa nhà cung ứng và nhà bán lẻ về việc ai là bên chịu gánh nặng khi chi phí gia tăng.

Thế nhưng với Lindt và nhiều nhà cung ứng khác, việc đánh đổi ví tiền của khách hàng để đổi lấy sự hài lòng của nhà đầu tư vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát, chưa dẫn đến khủng hoảng.

Có thể bạn quan tâm

  • Giá vàng tuần tới: “Ẩn số” nằm ở lạm phát Mỹ

    Giá vàng tuần tới: “Ẩn số” nằm ở lạm phát Mỹ

    11:20, 07/01/2024

  • Siêu thị châu Âu tuyên chiến với “lạm phát thu nhỏ”

    Siêu thị châu Âu tuyên chiến với “lạm phát thu nhỏ”

    00:30, 06/01/2024

  • FED đã thực sự

    FED đã thực sự "chiến thắng" lạm phát?

    04:00, 05/01/2024

QUÂN BẢO