Tiền Giang: Nâng cao hiệu quả điều hành
Cùng với nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả điều hành, đầu năm 2024, Tiền Giang sẽ tổ chức Hội nghị Công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang.
Năm 2023, UBND tỉnh Tiền Giang đã triển khai đồng bộ, thực thi hiệu quả nhiều giải pháp phát triển kinh tế- xã hội, nhất là trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị, thương mại, khôi phục lại ngành du lịch, dịch vụ, quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội,…
Đổi mới, sáng tạo
Theo báo cáo của UBND tỉnh Tiền Giang, năm 2023 hầu hết chỉ tiêu, kế hoạch tỉnh đề ra đầu năm đều thực hiện đạt và vượt. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh 2010 tăng 5,7%, GRDP bình quân/người đạt khoảng 69 triệu đồng, tăng gần 6 triệu đồng so năm 2022. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 46.060 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra, tăng 10,1%. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt trên 10.225 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 9.943,5 tỷ đồng, vượt dự toán. Ước hết niên độ (31-1-2024), giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 sẽ đạt 100% kế hoạch vốn giao. Bên cạnh đó, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang tăng cao, đạt 5,11 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2022, trong đó các mặt hàng xuất khẩu quan trọng đều tăng: thủy sản đạt 487 triệu USD, đạt 121,8% kế hoạch, tăng 26,3% so cùng kỳ; gạo đạt 98 triệu USD, đạt 196% kế hoạch, tăng 53,8% so cùng kỳ; hàng dệt, may đạt 820 triệu USD, đạt 132,3% kế hoạch, tăng 26,4% so cùng kỳ…
Đáng chú ý, năm 2023, Tiền Giang thu hút được 17 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 7.821 tỷ đồng, tăng 1 dự án, vốn đăng ký tăng 75,8% so với năm 2022. Toàn tỉnh có 9 dự án đăng ký tăng vốn 3.445 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư thu hút năm 2023 của Tiền Giang đạt 11.266 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022.
Cũng trong năm 2023, Tiền Giang có 875 doanh nghiệp thành lập mới, vượt 5,4% so kế hoạch năm 2023, tổng vốn đăng ký 5.172 tỷ đồng. Nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động đến cuối năm là 6.012 doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: Để đạt được kết quả trên, UBND tỉnh đã thực hiện hiệu quả chủ trương cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh; các sở, ngành, các địa phương luôn đồng hành, chia sẻ và tạo điều kiện thuận lợi nhất, cũng như sẵn sàng hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu để đầu tư tại địa phương.
Ngoài ra, tỉnh nỗ lực thu hút các dự án mới và khuyến khích các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô dự án, thường xuyên cung cấp thông tin quy hoạch; minh bạch thông tin về đất công; công khai thông tin dự án mời gọi đầu tư; bố trí cán bộ am hiểu về chuyên môn để hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư, đăng ký kinh doanh, đất đai, môi trường, xây dựng, thủ tục và điều kiện hưởng các ưu đãi về thuế; chú trọng tiếp xúc trực tiếp các nhà đầu tư lớn, hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng lao động đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, đặc biệt nhu cầu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sau các đợt đứt gãy về nguồn lao động do dịch bệnh,…, Ông Nguyễn Văn Vĩnh chia sẻ.
Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư
Với những nền tảng đã có, năm 2024, Tiền Giang đặt mục tiêu cùng cả nước giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tạo chuyển biến tích cực, thực chất hơn trong các khâu đột phá; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội tại, tính tự chủ và khả năng thích ứng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở huy động đa dạng các nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 của tỉnh đạt 7,0- 7,5%.
Đặc biệt, Tiền Giang sẽ tổ chức công bố và triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gắn với tổ chức xúc tiến đầu tư. Đây sẽ là căn cứ để triển khai thực hiện các quy hoạch xây dựng đô thị theo quy định pháp luật, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đồng thời, cụ thể hóa theo hướng nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; gia tăng năng lực cạnh tranh đáp ứng yêu cầu hội nhập, đảm bảo an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội và nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh: Với quyết tâm đưa Tiền Giang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh sẽ ban hành Danh mục dự án mời gọi đầu tư và tăng cường công tác rà soát tình hình triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh; lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Tiền Giang cũng sẽ tăng cường xúc tiến đầu tư và thu hút đầu tư, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mục tiêu của tỉnh trong năm 2024 vẫn là thu hút các dự án lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp công nghệ cao ít thâm dụng lao động, giảm tỷ lệ các dự án gia công, nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, ông Nguyễn Văn Vĩnh khẳng định.
Có thể bạn quan tâm