Dịch chuyển dòng vốn đầu tư cổ phiếu

DIỄM NGỌC 24/01/2024 02:04

Nhiều chuyên gia cho rằng các nhà đầu tư có thể chứng kiến sự chuyển dịch của dòng tiền từ các cổ phiếu ngân hàng sang các nhóm ngành khác, như chứng khoán hoặc đầu tư công…

 ROAE trượt 12 tháng và P/B của một số công ty niêm yết

ROAE trượt 12 tháng và P/B của một số công ty niêm yết

Thị trường chứng khoán (TTCK) vừa chứng kiến sự phân hóa mạnh mẽ và dòng tiền tập trung vào nhóm cổ phiếu dự kiến có kết quả kinh doanh (KQKD) quý IV/2023 tốt, điển hình nhất là nhóm ngân hàng.

Kỳ vọng từ KQKD quý IV/2023

Theo ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch AzFin Việt Nam, quý III/2023 là một “điểm uốn” trong kết quả kinh doanh (KQKD) của toàn thị trường, khi bước sang quý IV sẽ là quý đầu tiên có KQKD của các doanh nghiệp chuyển từ âm sang dương.

Thep cơ cấu lợi nhuận sau thuế quý III/2023 theo ngành, thì nhóm ngân hàng chiếm 46%; ngành bất động sản chiếm 13%; thực phẩm đồ uống chiếm 7%; hàng hóa dịch vụ, công nghiệp 6%; tiện ích 4%; dầu khí 4%; xây dựng và vật liệu 2%; tài nguyên cơ bản 2%; dịch vụ tài chính 2% (chủ yếu là các công ty chứng khoán và một số công ty bảo hiểm); và 10 ngành khác chiếm 13%.

Để đánh giá KQKD quý IV/2023 của các doanh nghiệp niêm yết, quan trọng nhất là chúng ta dự báo được KQKD của các ngành ngân hàng, bất động sản, thực phẩm đồ uống và hàng hóa dịch vụ công nghiệp. AzFin dự báo lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng 25 - 35% so với cùng kỳ năm 2022 do quý IV/2022, thị trường đã giảm 32,2% tạo nền rất thấp và KQKD của các doanh nghiệp cải thiện mạnh nhờ kinh tế dần bớt khó khăn.

Theo ông Đặng Trần Phục, bên cạnh trợ lực đến từ nhóm ngân hàng trong quý IV/2023, còn một doanh nghiệp rất đáng chú ý trong ngành thép đó là HPG. Trong quý IV/2022, lợi nhuận của doanh nghiệp này âm gần 2.000 tỷ đồng nhưng quý IV/2023 ước tính có thể đạt từ 3.000 - 4.000 tỷ đồng, làm thay đổi kết quả kinh doanh chung của TTCK.

Nhiều chuyên gia cho rằng TTCK là phong vũ biểu của nền kinh tế, nhưng ở một góc nào đó thì thị trường không đại diện cho toàn bộ các doanh nghiệp của nền kinh tế nói chung, bởi vì các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường đa phần là các doanh nghiệp lớn, có vị thế cạnh tranh mạnh. Do đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết chỉ đại diện cho các doanh nghiệp đầu ngành. Từ đó, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết năm 2024 theo kịch bản cơ sở cũng được đánh giá tích cực hơn, tăng từ 15 -22% so với năm 2023.

 Phần lớn các công ty niêm yết đang giao dịch ở dưới mức P/B trung bình của 3 năm (số liệu tại 18/08/2023)

Phần lớn các công ty niêm yết đang giao dịch ở dưới mức P/B trung bình của 3 năm (số liệu tại 18/08/2023)

Nhóm ngành nào sẽ “tiếp sóng”?

Bên cạnh những yếu tố tích cực nói trên, chúng ta cũng chứng kiến sự chuyển dịch của dòng tiền từ các cổ phiếu ngân hàng sang các nhóm ngành khác. Ông Nghiêm Sỹ Tiến, Chuyên viên chiến lược đầu tư, CTCK KB Việt Nam cho rằng, tín hiệu mạnh mẽ của dòng tiền có thể hướng tới nhóm cổ phiếu chứng khoán, phản ánh sự gia tăng niềm tin của nhà đầu tư.

Đối với nhóm ngành này, điểm nhấn quan trọng được kỳ vọng là việc triển khai hệ thống giao dịch mới KRX, một bước tiến lớn giúp cải thiện hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán. Đặc biệt, viễn cảnh nâng hạng thị trường vào năm 2025 đang là động lực mạnh mẽ thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài trở lại, với kỳ vọng mua ròng để đón đầu cơ hội.

Đặc biệt, môi trường lãi suất thấp hiện nay cũng là yếu tố thuận lợi giúp các công ty chứng khoán tăng cường hoạt động cho vay ký quỹ. Sự tăng vốn điều lệ gần đây của các công ty này cũng góp phần củng cố an toàn tài chính và tuân thủ quy định pháp luật.

Ngoài ra, theo ông Nghiêm Sỹ Tiến, dòng tiền có thể chốt lời từ nhóm ngân hàng để chuyển sang một số nhóm ngành khác có thể sẽ ghi nhận KQKD quý 4/2023 cải thiện hơn so với cùng kỳ năm 2022, như xây dựng, đầu tư công…

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thảo Như, Giám đốc Phòng Khách hàng cá nhân, CTCK Rồng Việt Việc cho rằng, dòng tiền luân phiên giữa các nhóm cổ phiếu lớn là điều bình thường trong xu hướng tăng giá như hiện nay, trong đó, nhóm đầu tư công đang được Nhà nước tiếp tục thúc đẩy, cũng như bất động sản, xây dựng đang trên đà phục hồi sau nhiều diễn biến tiêu cực của thị trường chung.

“Các dự án hạ tầng chủ chốt đã được khởi công, trong đó có dự án giai đoạn 1 đường Vành đai 4 TPHCM - một phần của kế hoạch mở rộng giao thông đô thị. Ngoài ra, các dự án lớn như sân bay Long Thành và cao tốc Bắc Nam đều đang trong giai đoạn tăng tốc, nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng cao”, bà Nguyễn Thị Như Thảo cho biết.

Không chỉ dừng lại ở việc cải thiện cơ sở hạ tầng, những dự án này còn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp liên quan, đặc biệt là ngành xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, cát, đá,... sẽ hưởng lợi từ sự tăng trưởng mạnh mẽ này.

Có thể bạn quan tâm

  • Công ty chứng khoán đua báo lãi, nhóm thị phần nhỏ phân hóa mạnh

    Công ty chứng khoán đua báo lãi, nhóm thị phần nhỏ phân hóa mạnh

    13:08, 20/01/2024

  • Eximbank thăm, làm việc với Sở Giao dịch Chứng khoán London

    Eximbank thăm, làm việc với Sở Giao dịch Chứng khoán London

    10:15, 17/01/2024

  • Cơ hội số hoá chứng khoán

    Cơ hội số hoá chứng khoán

    03:22, 15/01/2024

DIỄM NGỌC