Thị trường hàng không phục hồi, NCS lãi đậm
Lợi nhuận năm 2023 của NCS tăng đột biến chủ yếu do sản lượng, doanh thu các hãng hàng không tăng trưởng mạnh khi các hãng nổi lại đường bay và tăng chuyến sớm hơn dự kiến.
>>>Ngành hàng không: Chính sách thị thực mới tạo động lực tăng trưởng cho khách quốc tế
Theo Báo cáo tài chính quý IV/2023 mới công bố, Công ty CP Suất ăn Hàng không Nội Bài (UpCOM: NCS) ghi nhận doanh thu thuần đạt 167 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2022. Giá vốn tăng 32%, lên hơn 139 tỷ đồng; Lợi nhuận gộp của doanh nghiệp cũng tăng 11% so với cùng kỳ, lên 27,6 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của NCS cũng tăng mạnh lên 609%, trong khi, chi phí cho hoạt động này giảm 28% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 5 tỷ đồng. Song song đó, doanh nghiệp cũng tiết giảm được hầu hết các chi phí, khiến lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chuyên cung cấp suất ăn cho ngành hàng không này đạt 16 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Đồng thời, đây cũng là quý có lãi cao nhất của doanh nghiệp này kể từ quý IV/2018.
Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần của NCS đạt gần 614 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2022. Trong đó, riêng doanh thu từ cung cấp suất ăn bao gồm đồ ăn và trà sữa là 525 tỷ đồng, chiếm 85% tổng doanh thu của doanh nghiệp.
Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế của NCS đạt hơn 46 tỷ đồng, tăng mạnh 772% so với lợi nhuận thực hiện được của năm 2022. Đây cũng là kết quả lợi nhuận cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây của doanh nghiệp này. Với kết quả này, doanh nghiệp đã vượt 5% kế hoạch doanh thu và 30% kế hoạch lợi nhuận năm 2023.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, lợi nhuận tăng mạnh chủ yếu do sản lượng, doanh thu các hãng hàng không tăng trưởng mạnh khi các hãng nối lại đường bay và tăng chuyến sớm hơn dự kiến. Ngoài ra, ở lĩnh vực non-air (các sản phẩm phi hàng không), công ty ra mắt các sản phẩm mới và được thị trường đón nhận.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của NCS đạt hơn 463 tỷ đồng, giảm gần 10% so với hồi đầu năm. Mức giảm này đến chủ yếu từ các khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng còn khoảng 16 tỷ đồng, giảm 77%. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 49% lên gần 100 tỷ đồng, hầu hết là phải thu ngắn hạn của khách hàng.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả NCS tại thời điểm cuối năm 2023 là gần 335 tỷ đồng, gấp 2,6 lần vốn chủ sở hữu với dư nợ tài chính xấp xỉ 240 tỷ đồng. Mới đây, HĐQT NCS cũng đã thông qua tổng hạn mức tín dụng ngắn hạn năm 2024 là 100 tỷ đồng (dư nợ vay tối đa trong năm) để bổ sung nguồn vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh.
Hiện tại, khách hàng lớn nhất của NCS là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Trong năm 2023, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của NCS cho Vietnam Airlines đạt khoảng 383 tỷ đồng, chiếm 62% tổng doanh thu cả năm.
Trung bình mỗi ngày, NCS cung cấp 22.000 suất ăn cho các chuyến bay trong nước và quốc tế từ sân bay Nội Bài. Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, NCS lỗ nặng vì sân bay vắng khách và Công ty phải chuyển hướng sang bán bánh trung thu, bán cơm văn phòng cho các đoàn tiếp viên, nhân sự trong ngành dịch vụ hàng không.
Đến nay, mặc dù thị trường hàng không đã phục hồi, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng đã trở lại bình thường, nhưng vẫn chưa đủ để bù cho khoản lỗ trong giai đoạn dịch COVID-19. Tính tới cuối năm 2023, NCS vẫn còn lỗ lũy kế 51 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh năm 2023 của NCS tăng trưởng đột biến diễn ra trong bối cảnh ngành khàng không cũng như các doanh nghiệp trong ngành đang phục hồi tích cực nhờ lượng khách quốc tế tiếp tục tăng trưởng.
Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, năm 2023, lưu lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 170,6% so với cùng kỳ, đạt 32,7 triệu lượt khách, phục hồi 77% so với trước dịch COVID-19. Sự tăng trưởng của lưu lượng hành khách quốc tế sẽ tiếp tục được duy trì thông qua chuỗi giá trị hàng không Việt Nam trong giai đoạn 2024-2025.
VNDirect kỳ vọng, Trung Quốc sẽ là động lực chính cho sự phục hồi lượng khách quốc tế trong năm 2024. Số lượng hành khách Trung Quốc đến Việt Nam đã phục hồi mạnh từ quý III/2023 và kỳ vọng đạt 80% mức trước đại dịch vào cuối năm 2024, phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2025.
“Cùng với chính sách thị thực mới tạo động lực tăng trưởng cho khách quốc tế, chúng tôi kỳ vọng lượng khách quốc tế của Việt Nam sẽ tăng 21% so với cùng kỳ, lên 39,6 triệu khách trong 2024 (95% so với mức trước dịch) và có thể tiếp tục tăng 13,3% so với cùng kỳ, lên 44,8 triệu khách trong năm 2025 (108% mức trước dịch)”, VNDirect nhận định.
Đối với khách nội địa, theo VNDirect, trong năm 2023, lượng khách nội địa đã giảm 6,6% so với cùng kỳ, xuống còn 81,2 triệu lượt khách, do nhu cầu đi lại nội địa đã phục hồi hoàn toàn và đạt đỉnh vào năm 2022. Mặc dù lượng khách nội địa năm 2023 giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn đạt 109% mức trước đại dịch.
Công ty Chứng khoán này dự báo, lượng hành khách nội địa có thể tiếp tục giảm trong năm 2024 do một số hãng hàng không gần đây đã cắt giảm nhiều đường bay nội địa kém hiệu quả, ưu tiên mở rộng các đường bay quốc tế.
Bên cạnh đó, chính sách tăng giá vé máy bay nội địa làm giảm nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân. Lưu lượng hàng khách nội địa được kỳ vọng phục hồi từ năm 2025 khi nhiều dự án hạ tầng hàng không trọng điểm được đưa vào khai thác.
Có thể bạn quan tâm
Ngành hàng không: Chính sách thị thực mới tạo động lực tăng trưởng cho khách quốc tế
04:30, 23/01/2024
Dự kiến đón 80 triệu khách năm 2024 và yêu cầu mới của ngành hàng không
02:00, 22/12/2023
Ngược dòng thế giới, ngành hàng không Ấn Độ “cất cánh”
04:00, 11/11/2023
Công ty khởi nghiệp Regent “điện hóa” ngành hàng không
09:36, 09/10/2023
Du lịch chịu ảnh hưởng lớn bởi ngành hàng không
18:41, 14/03/2023