Biển Đỏ “rực lửa”: Nguy cơ lạm phát "đè nặng" doanh nghiệp
Xung đột tại Biển Đỏ đang tiếp tục leo thang căng thẳng, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy giá hàng hoá lên cao làm gia tăng lạm phát, doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục gặp khó.
>>>Căng thẳng Biển Đỏ, những ngành nào hưởng lợi?
Chia sẻ với DĐDN, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, thời gian gần đây số lượng các doanh nghiệp bày tỏ sự quan tâm đến căng thẳng Biển Đỏ đã gia tăng liên tục.
Nguyên nhân là cũng giống như các cuộc xung đột khác trên thế giới, vụ việc này tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đầu tiên là sự tác động trực tiếp, nhiều doanh nghiệp cho biết chi phí để vận chuyển một container hàng hoá sang châu Âu đã gia tăng rất nhiều. Bên cạnh chi phí về hậu cần, thì chi phí bảo hiểm, chi phí và thời gian giao hàng cũng bị ảnh hưởng trực tiếp khiến doanh nghiệp gặp nhiều áp lực. Theo đó, cuộc xung đột này còn khiến thời gian giao hàng bị kéo dài và có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không đáp ứng kịp thời gian giao hàng cho đối tác theo hợp đồng.
Đặc biệt tác động tiêu cực lớn hơn với các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến chế tạo.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp lo lắng hơn đối với căng thẳng ở Biển Đỏ vì chưa biết diễn biến tiếp theo như thế nào. Rủi ro như thế này cũng chưa từng xuất hiện trên “bài toán” của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
“Vì vậy, các doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình và dựa trên diễn biến đó để ứng phó kịp thời, lưu ý đến các điều khoản bồi thường, miễn trách nhiệm trong các tình huống khẩn cấp. Cũng như mua bảo hiểm đầy đủ để phòng ngừa rủi ro và tổn thất khi hàng hóa phải kéo dài thời gian vận chuyển hoặc gặp sự cố khi đi qua tuyến đường này”, TS Lê Duy Bình lưu ý.
Hơn nữa, ông Bình phân tích, với tác động gián tiếp, xung đột Biển Đỏ có thể khiến giá dầu tăng cao gây nguy cơ lạm phát. Khi cuộc khủng hoảng này càng kéo dài, càng gây ra nhiều gián đoạn cho hoạt động vận chuyển hàng hoá đường biển trên toàn cầu và chi phí sẽ tiếp tục tăng, các chuyên gia nhận định.
Giá dầu thô Brent ngày 16/1 đạt 78,15 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 72,70 USD/thùng. Trong điều kiện thông thường, các nhà kinh tế đã dự báo giá dầu có thể tăng lên mức 80 USD/thùng trong nửa đầu năm 2024 và sẽ tăng lên khoảng 80 - 85 USD/thùng vào nửa cuối năm 2024 khi kinh tế hồi phục trở lại nhờ lãi suất giảm. Tuy nhiên, với cuộc xung đột tại Biển Đỏ giá dầu thậm chí còn có thể tăng cao hơn.
>>>Biển đỏ “rực lửa” có thể “thiêu đốt” 20% năng lực vận tải toàn cầu
Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, “cú sốc” từ Biển Đỏ khiến những chính sách chống lạm phát của nhiều nước có thể không được diễn biến như mong đợi là lãi suất giảm, áp lực lạm phát giảm. Nói cách khác, lạm phát có nguy cơ gia tăng.
“Trong năm 2023, việc giảm giá năng lượng và ổn định trong chuỗi cung ứng đã giúp giảm áp lực lạm phát. Tuy nhiên, tình hình không ổn định tại Biển Đỏ đang đảo ngược những yếu tố giảm lạm phát này, làm tăng thêm áp lực lên ngân hàng trung ương vốn đang nỗ lực kiểm soát lạm phát”, TS Võ Trí Thành nhận định.
Đồng thời cho rằng, khi lạm phát tăng trở lại tại các nước châu Âu, ngân hàng Trung ương các nước sẽ phải tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ để đối phó với lạm phát. Nhu cầu của các thị trường là đối tác thương mại chính của Việt Nam cũng phục hồi chậm lại gây khó khăn cho xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm
Biển đỏ “dậy sóng”: Nguy cơ “phân mảnh” kinh tế thế giới
14:40, 23/01/2024
Biển đỏ “dậy sóng”: Doanh nghiệp “gấp đôi nỗi sầu”
14:36, 23/01/2024
Căng thẳng Biển Đỏ, những ngành nào hưởng lợi?
05:04, 21/01/2024
Nguy cơ tái bùng phát lạm phát từ "chảo lửa" Biển Đỏ
04:00, 02/01/2024
Biển Đỏ chìm trong "chảo lửa", chuỗi cung ứng toàn cầu bị đe dọa
03:30, 31/12/2023