Điện Biên: Chính quyền “phục vụ” doanh nghiệp
Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên chia sẻ: Tỉnh luôn tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư với quan điểm xuyên suốt là thay đổi tư duy từ “cấp phép” sang “phục vụ”.
Theo ông Lê Thành Đô, năm 2024, nền kinh tế nói chung sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế về nguồn lực đầu tư, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.
- Vậy cơ sở nào để Điện Biên đưa ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) 10,5%, thưa ông?
Tỉnh đã đề ra 7 quan điểm trọng tâm chỉ đạo điều hành và 9 nhóm giải pháp chủ yếu. Trong đó, tập trung xây dựng triển khai quy hoạch Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Chính phủ phê duyệt; Huy động, lồng ghép các nguồn lực triển khai hiệu quả các đề án phát triển nông, lâm nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trồng mắc ca đã được chấp thuận chủ trương đầu tư...
Xây dựng, phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản và thực phẩm theo chuỗi liên kết giá trị; nghiên cứu phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh (điện gió, điện sinh khối, thủy điện,....). Đặc biệt, tổ chức có hiệu quả các hoạt động chương trình năm du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024 và chuỗi các sự kiện văn hóa để thu hút khách du lịch gắn với các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ...
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển các sản phẩm chủ lực, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP...
- Cùng với nỗ lực phát huy nguồn lực tại chỗ, tỉnh có những giải pháp cụ thể gì để đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế?
Trong những năm gần đây, Điện Biên luôn hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đặc biệt trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), thống nhất quan điểm xuyên suốt là thay đổi tư duy, tác phong làm việc từ “cấp phép” sang “phục vụ” doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Tới đây, tỉnh sẽ cắt giảm thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ 3 ngày theo quy định, xuống còn 1,5 ngày làm việc. TTHC về đăng ký doanh nghiệp được thực hiện liên thông trên môi trường mạng giữa cơ quan đăng ký kinh doanh, thuế, bảo hiểm. Khuyến khích và hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp nộp hồ sơ qua mạng để giảm thời gian, chi phí doanh nghiệp... Điện Biên tiếp tục triển khai Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy mạnh CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh... Đồng thời, thực hiện tốt việc đối thoại, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Về lâu dài, ngay khi bắt tay thực hiện các mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, BCH Đảng bộ tỉnh đã xây dựng, ban hành các Nghị quyết cụ thể hóa chương trình hành động, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội. Trong đó có các nghị quyết chuyên đề phát triển hạ tầng giao thông kết nối, từng bước giải quyết “điểm nghẽn” về kết nối giao thông là đầu tư cải tạo nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên; chuẩn bị đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Sơn La - Ðiện Biên và đầu tư nâng cấp mở rộng các tuyến giao thông huyết mạch, liên kết vùng theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Đến nay, Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên đã đi vào hoạt động là động lực rất lớn để tỉnh tiếp tục triển khai chiến lược phát triển hạ tầng giao thông.
Hiện tại, tỉnh tập trung chuẩn bị đầu tư Dự án đường cao tốc Sơn La - Điện Biên (giai đoạn 1); Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn tuyến quốc lộ 12D; phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải chuẩn bị đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ kết nối với Bắc Lào và Trung Quốc...
- Thực tế tại một địa phương việc triển khai các dự án đang vướng vào đất chồng lấn quy hoạch do lịch sử để lại. Với Điện Biên vấn đề này được xử lý như thế nào, thưa ông?
Một trong các nguyên tắc xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh khi tổ chức triển khai các chương trình dự án là đảm bảo không chồng lấn với các chương trình dự án đã và đang triển khai trong khu vực và được quan tâm ngay từ khâu quy hoạch. Mặt khác, quá trình tổ chức thẩm định các chương trình, dự án tỉnh đều tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, các đối tượng trong vùng dự án; tổ chức kiểm tra đánh giá thực địa để hạn chế tối đa, hoặc xử lý kịp thời vấn đề về chồng lấn.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm