Xây dựng đội ngũ doanh nhân dân tộc
Nghị quyết 41-NQ/TW gửi gắm rất nhiều kỳ vọng của Đảng và Nhà nước, trong đó đề ra yêu cầu phát triển đội ngũ doanh nhân dân tộc.
>>Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô là mục tiêu hàng đầu
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ với DĐDN về Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, nhân dịp năm mới Giáp Thìn 2024.
- Ngày 10/10/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp Nghị quyết đặt ra là hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến, xin Chủ tịch Quốc hội cho biết việc rà soát, thể chế hoá, đồng bộ đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp sẽ được thực hiện như thế nào trong thời gian tới?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Ngay từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020, Quốc hội đã chỉ đạo quyết liệt và ban hành kịp thời nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Đơn cử, ngày 17/6/2020, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp. Sau đó hai ngày, ngày 19/6/2020, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 116 cho phép giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng. Quốc hội Khóa XV cũng đã ban hành Nghị quyết số 406 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19; Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội…
Năm 2023 có nhiều dự án luật quan trọng có tác động trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp, như Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khoá XV…
Đặc biệt, ngay đầu năm 2024, để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Từ các quyết sách quan trọng này, soi chiếu vào con số mới nhất về sự gia tăng số lượng và chất lượng của doanh nghiệp cho thấy niềm tin của doanh nghiệp đang ngày càng trở lại. Niềm tin vào môi trường kinh doanh của doanh nghiệp đã tăng lên.
Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn của các cơ quan chức năng và sự nỗ lực của doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả, bức tranh doanh nghiệp có nhiều điểm sáng.
Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là những khó khăn chủ quan về thủ tục hành chính, ý thức công vụ và sự cạnh tranh gay gắt của thị trường quốc tế. Để giải quyết vấn đề này, cần nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp là giải pháp đặc biệt quan trọng hiện nay.
Bên cạnh đó, rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, để tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, trong chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh năm 2024 và những năm tiếp theo, Quốc hội xem xét thông qua nhiều dự án luật có liên quan trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân với tinh thần toàn hệ thống cần nhất quán trong việc không ban hành thêm những quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.
>>Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng TP.HCM 5 chữ "T"
- Theo Chủ tịch Quốc hội, làm thế nào để đẩy mạnh xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tôi cho rằng đây không chỉ là công việc của cộng đồng doanh nhân mà còn có trách nhiệm, sự chia sẻ và ủng hộ của xã hội ta. Từ xa xưa, ông bà ta đã có câu: “Buôn có bạn, bán có phường”; “Phi thương bất phú”; “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”; “Có chí làm quan, có gan làm giàu”, hay như lời Hồ Chủ tịch về vai trò của doanh nhân: giới công - thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng đã cho thấy được vị trí, vị thế của doanh nhân và các triết lý kinh doanh căn bản, đó là: Đoàn kết, trọng chữ tín, táo bạo. Ngày nay, doanh nhân còn cần phải có tinh thần dân tộc, thượng tôn pháp luật, chủ động hội nhập, thích ứng với quốc tế. Tổng hòa các yếu tố trên là chuẩn mực đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh của Việt Nam cần sớm được tổng hợp thành bộ chuẩn mực đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh Việt Nam. Muốn đi nhanh thì có thể đi một mình, nhưng muốn đi xa thì phải đi cùng nhau, đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau.
- Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam có vai trò như thế nào trong việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới thưa Chủ tịch Quốc hội?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Trong những năm qua, VCCI đã từng bước, thực hiện ngày càng tốt sứ mệnh của mình là trở thành là cầu nối hiệu quả, chỗ dựa vững chắc cho doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước, tạo điều kiện gặp gỡ chia sẻ, đối thoại giữa các bên, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp bền vững, văn minh, hội nhập và ngang tầm thế giới, cùng phấn đấu xây dựng Việt Nam đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, phồn vinh, hạnh phúc.
Với sứ mệnh trên, VCCI cần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, chủ động, tích cực tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, thúc đẩy thuận lợi hóa môi trường kinh doanh. Trong đó, nâng cao chất lượng hoạt động góp ý, xây dựng pháp luật, chính sách được xác định là một trong những nhiệm vụ cốt lõi, quan trọng hàng đầu trong hỗ trợ doanh nghiệp, có thể được cải thiện thông qua các hoạt động.
Hiện nay, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và nghị định hướng dẫn đã chính thức ghi nhận vị trí, vai trò và trách nhiệm của VCCI trong đại diện và thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật kinh doanh.
Từ đó, VCCI sẽ phải chủ động, tích cực hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, nỗ lực chuyển tải đầy đủ mong muốn, tiếng nói của doanh nghiệp vào quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật, đặc biệt là các dự án luật trình lên Quốc hội.
Thứ hai, tiếp tục thúc đẩy thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, cải thiện môi trường truyền thông hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Thứ ba, tham gia phát triển đội ngũ doanh nhân, xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội và tham gia phát triển xã hội mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Thứ tư, tham gia kết nối và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế theo tinh thần Chỉ thị 25/CT-TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.
- Thưa Chủ tịch, nhân dịp năm mới Giáp Thìn 2024, Chủ tịch Quốc hội gửi thông điệp gì đến cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Đảng, Nhà nước luôn coi trọng vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đối với sự phát triển của đất nước. Các quyết sách từ Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ luôn vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp và đặt người dân, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm.
Quốc hội đã thông qua rất nhiều luật, pháp lệnh, nghị quyết hướng tới hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, môi trường pháp luật, cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, tôi tin tưởng rằng, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp sẽ hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang là lực lượng nòng cốt, chủ lực là thực hiện mục tiêu và khát vọng phát triển của dân tộc, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phồn vinh, thực hiện nguyện ước của Bác Hồ về sánh vai với các cường quốc năm châu.
Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu 100 năm thành lập nước vào năm 2045, nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao. Đây là mục tiêu rất cao, rất khó, là khát vọng của toàn dân tộc cần có sự đóng góp chủ đạo của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là đội ngũ doanh nhân dân tộc Việt Nam.
- Trân trọng cảm ơn Chủ tịch!
Có thể bạn quan tâm
Doanh nhân Đỗ Quang Hiển và khát vọng “doanh nhân dân tộc”
17:55, 13/10/2020
Khơi dậy tinh thần doanh nhân dân tộc
09:53, 16/10/2019
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Không tạo kẽ hở cho lợi ích nhóm trong xây dựng Luật
13:19, 22/05/2023
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô là mục tiêu hàng đầu
09:00, 18/09/2022
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng TP.HCM 5 chữ "T"
20:06, 20/03/2022