Tồn tại và sống
Hồi còn rất trẻ, tôi đọc được dòng chữ viết bằng gạch non màu đỏ trên bức tường đình làng "Không có ăn không thể bước đi, không có chữ không nhìn thấy đường".
Tôi không hiểu lắm và cũng ít để ý. Nhưng đến bây giờ thì ý nghĩa câu nói đó của những người nông dân làng tôi lại như là chân lý sống còn cho mọi quốc gia. Ăn để bước đi là chỉ sự tồn tại của một thể thức sống còn "nhìn thấy đường" là chỉ mục đích và ý nghĩa sống. Có những thực thể tồn tại nhưng không được sống. Bởi sống chứa đựng trong đó giấc mơ, khát vọng và lương tri . Một con gà ăn kê vàng, đeo kiềng kim cương, sống trong chuồng sơn son thếp vàng mãi chỉ là một con gà mà không trở thành một con người được vì nó không có khả năng tiếp nhận được những giá trị của văn hoá.
Mấy chục năm trước, những cụ già làng tôi tổ chức một cuộc gặp mặt những người làng đi làm ăn xa ở đình làng. Các cụ kêu gọi những người làng làm ăn thành đạt dựng lại cổng làng bị bom Pháp phá đổ. Các cụ nói: "Chúng tôi không kêu gọi các anh, các chị dựng lại cái cổng làng bằng đá mà là dựng lại 4 chữ viết trên cổng làng". Bốn chữ đó là VỌNG TỰ NHẬP XUẤT (tạm dịch: nhìn chữ để biết việc ra - vào). "Chữ" ở đây là văn hoá. Còn "việc ra- vào" là cách ứng xử với cuộc đời. Và cái cổng làng với 4 chữ đó đã được dựng lên.
Trong suốt lịch sử của dân tộc Việt Nam, chưa bao giờ điều kiện sống của con người lại được nâng cao như bây giờ. Và cũng chưa bao giờ, văn hoá lại trở thành mục đích quan trọng như bây giờ. Đặc biệt hơn là chưa bao giờ những người làm ra của cải vật chất cho xã hội lại thấy sự hệ trọng của văn hoá trong chiến lược phát triển của mình như thế. Giá trị của văn hoá làm cho những nhà tư sản kể cả những nhà tư sản ở một xã hội thực dụng nhất như Hoa Kỳ nhận thấy rằng: văn hoá kích tư duy kinh doanh, văn hoá giúp họ làm ra những sản phẩm mang tính người cao nhất, văn hoá giúp họ phát triển cân đối và bền vững, văn hoá làm cho vật chất mang tinh thần và thậm chí có "linh hồn ".
>>Chỉ 43% doanh nghiệp bất động sản tồn tại trong năm 2023
Nhiều năm trở lại đây, ở Việt Nam xuất hiện danh từ "doanh nhân văn hoá". Danh từ đó sinh ra từ hai yếu tố. Thứ nhất là các doanh nhân đã xác lập giá trị của văn hoá trong kinh doanh của họ. Thứ hai là họ dùng vật chất của họ làm ra để thúc đẩy phát triển văn hoá cộng đồng. Alfred Bernhard Nobel là một nhà hóa học, một nhà kỹ nghệ, nhà sản xuất vũ khí, người phát minh ra thuốc nổ, đồng thời là một nhà kinh doanh. Ông dùng toàn bộ tài sản của mình cho viện Giải thưởng Nobel, hằng năm công nhận những người "mang lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại", trong đó có Giải thưởng Nobel cho văn học. Tỷ phú Bill Gates dành phần lớn tiền của mình cho phát triển cộng đồng với nhiều lĩnh vực đậm tính nhân văn.
Mấy tháng trước, con trai tôi, một kỹ sư máy tính làm cho tập đoàn LG của Hàn Quốc đã được tiếp xúc và ăn tối với Tổng thống Hàn Quốc khi ngài sang thăm việt Nam. Con trai tôi kể, trong cả buổi tiếp xúc đó, ngài Tổng thống nói về văn hoá. Ngài kêu gọi tinh thần văn hoá trong các thành viên của một tập đoàn kinh doanh lớn: đó là sự chia sẻ, sự gắn kết, sự giúp đỡ lẫn nhau và mục đích tối cao là làm cho con người có cơ hội hưởng thụ được các giá trị văn hoá. Hàn Quốc là quốc gia phát triển ấn tượng và họ luôn đưa văn hoá đi trước như sự mở đường cho các sản phẩm khác của họ và họ đã rất thành công. Thị trường của Hàn Quốc ở Việt Nam là một ví dụ cho chiến lược đó.
Cách đây mười năm, tôi có nói với lãnh đạo của một tập đoàn lớn là "hạnh phúc là một phép trừ". Vì sao vậy? Nếu họ chỉ nghĩ đến phép cộng cho tài khoản ngân hàng của họ thì phép cộng (tiền) sẽ kéo họ đi hết con số này đến con số khác và khó có thể thoả mãn được họ. Có 1.000 tỷ họ lại muốn có 2.000 tỷ, 3.000 tỷ, 10.000 tỷ... và hơn nữa. Như vậy, cả đời họ sẽ chìm đắm vào con số cộng đó mà không tìm thấy hạnh phúc vì con số cộng là vô tận. Nhưng nếu họ dùng một phần của những con số đó để đọc một cuốn sách hay, xem một bức tranh đẹp, nghe một bản nhạc xúc động, xây dựng một thư viện, trợ giúp một dự án sáng tác... họ sẽ chạm vào những vẻ đẹp của đời sống và nghĩa là họ chạm vào hạnh phúc. Và đồng thời họ lan toả và thúc đẩy xã hội đến với những giá trị văn hoá (giá trị sống).
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp “ôm” nhiều dự án cùng lúc khó tiếp tục tồn tại
13:56, 14/12/2023
Quảng Ninh: Phấn đấu phải khắc phục xong các tồn tại về chống khai thác IUU
00:06, 25/12/2023
Thanh Hóa: Kiến nghị khắc phục tồn tại ở dự án hồ chứa nước Hón Kín
15:09, 05/01/2024
Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định thuộc Bộ Tài chính còn một số tồn tại
03:00, 21/01/2024
“Mùa đông” tài trợ khắc nghiệt: Khiến các công ty khởi nghiệp sa thải nhân viên để tồn tại
02:58, 16/08/2023
Chỉ 43% doanh nghiệp bất động sản tồn tại trong năm 2023
03:00, 07/06/2023