“Xanh hóa” nền kinh tế
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Mục tiêu chiến lược của Việt Nam là xanh hóa nền kinh tế; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
>>Phát triển kinh tế xanh cần khơi thông nút thắt chuyển dịch năng lượng
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Hiện nay, tình hình trong nước và quốc tế còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức: tăng trưởng kinh tế, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước lớn khó có thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn tạo rủi ro, sức ép lớn đến thị trường đầu ra và chi phí đầu vào của doanh nghiệp; các nước gia tăng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, xây dựng hàng rào kỹ thuật, yêu cầu của các thị trường về sản xuất xanh, bền vững đang đặt ra các thách thức lớn đối với doanh nghiệp trong nhiều ngành, lĩnh vực.
- Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng có khuyến nghị gì với cộng đồng doanh nghiệp?
Trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất chia sẻ với những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp và mong rằng cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát huy bản lĩnh vững vàng, tinh thần vượt khó, giữ vững niềm tin và khát vọng của doanh nhân Việt; chủ động cập nhật, tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất, kinh doanh; biến thách thức thành cơ hội, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng và nâng cao thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường kết nối, nâng cao trình độ quan trị doanh nghiệp, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển đổi số quốc gia.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư có giải pháp cụ thể nào để gỡ bỏ các rào cản, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, thưa Bộ trưởng?
Để trợ lực cho doanh nghiệp thì cần giải quyết vấn đề căn cơ, nguyên nhân gốc rễ thay vì xử lý vấn đề hiện tượng. Vì vậy, theo tôi cần tập trung vào 5 nhóm giải pháp có tính chiến lược:
Thứ nhất, nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp
Thứ hai, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.
Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Thứ tư, hỗ trợ người lao động, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.
Thứ năm, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào các ngành: sản xuất chip bán dẫn, năng lượng mới (hydrogen)…; hoàn thiện thể chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
>>Khai thác hiệu quả dữ liệu tuần hoàn trong nền kinh tế xanh
- Xin Bộ trưởng cho biết nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2024?
Bộ sẽ tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ tổng hợp, tham mưu với Đảng, Nhà nước về tổng kết 40 năm Đổi mới và chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc, xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030.
Đồng thời, tập trung triển khai ngay Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ với tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới, linh hoạt và hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo và thống kê, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu về tính kịp thời, chính xác và chất lượng công tác tham mưu, điều hành kinh tế vĩ mô. Hoàn thành và trình phê duyệt 05 quy hoạch vùng còn lại trong quý I năm 2024; tham mưu, tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã ban hành, tạo động lực, không gian phát triển mới cho cả nước, vùng và tỉnh.
Bộ cũng sẽ tăng cường hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng để thúc đẩy liên kết vùng, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương, giải quyết các vấn đề có tính vùng và tạo ra các động lực và cực tăng trưởng mới cho đất nước. Kịp thời nắm bắt phản ánh của doanh nghiệp, tham mưu, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp lớn, đầu đàn, doanh nghiệp tư nhân vươn ra thế giới, đầu tư ra nước ngoài. Tập trung nghiên cứu, xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư. Phát huy tối đa hiệu quả của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, cả các trung tâm ở các vùng, địa phương, góp phần thúc đẩy xây dựng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong nước...
Đặc biệt, Bộ sẽ thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; xây dựng và hoàn thiện hơn nữa các thể chế, chính sách để cụ thể hóa các mô hình kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ...
- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Có thể bạn quan tâm
Mở đường đưa doanh nghiệp Úc phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam
02:30, 25/11/2023
Phát triển kinh tế xanh cần khơi thông nút thắt chuyển dịch năng lượng
04:30, 15/11/2023
Khai thác hiệu quả dữ liệu tuần hoàn trong nền kinh tế xanh
05:00, 01/11/2023
Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ
14:30, 12/10/2023
5 thách thức của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xanh
03:45, 16/08/2023