Quốc hội luôn đồng hành cùng doanh nhân - doanh nghiệp
Đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam phải đặt đạo đức làm cốt lõi xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam.
>>Hoàn thành nhiệm vụ lập pháp quan trọng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV
Để phát triển doanh nghiệp dân tộc, chúng ta rất cần phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc, có trách nhiệm xã hội thông qua việc hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp trong các gia đình doanh nhân.
Lực lượng xung kích
Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân luôn là lực lượng xung kích đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nhân gia đình Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện nội dung của Nghị quyết số 41-NQ/TW thông qua việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp gia đình Việt Nam, cũng đồng thời là văn hóa kinh doanh của đội ngũ doanh nghiệp dân tộc Việt Nam.
Đối với mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố “bất biến” để ứng với "vạn biến’’ của tình hình kinh tế thế giới, trong giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch COVID-19, Quốc hội, Chính phủ đã luôn đồng hành cùng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã tổ chức các kỳ họp bất thường để kịp thời thông qua các quyết sách phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, qua đó tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm… Nhờ vậy, nền kinh tế nước ta đạt được tốc độ tăng trưởng cao, lạm phát thấp so với các nước trên thế giới.
Cộng đồng doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam không chỉ tăng nhanh về số lượng mà trình độ, năng lực quản lý và trách nhiệm xã hội cũng ngày càng được nâng cao.
Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam, có nhiều doanh nghiệp gia đình. Nhiều doanh nghiệp gia đình đã phát triển lớn mạnh thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có tiếng không chỉ trong nước, mà còn trên thế giới, như THACO, Vingroup, Sovico, BRG, TH True milk…
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cá nhân Chủ tịch Quốc hội luôn ủng hộ cộng đồng doanh nghiệp gia đình Việt Nam phát triển và hoạt động của Hội đồng doanh nhân gia đình Việt Nam.
Mong muốn các doanh nhân, doanh nghiệp quan tâm xây dựng, trau dồi, rèn luyện đạo đức, văn hóa kinh doanh, tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước thương dân, khát vọng cống hiến vì một Việt Nam hùng cường, nâng cao trách nhiệm xã hội để phát triển bền vững và xứng tầm là những doanh nhân đại diện cho một đất nước Việt Nam phát triển, văn minh, hạnh phúc.
>>Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 7 luật vừa được Quốc hội thông qua
Xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam
Đội ngũ doanh nhân Việt Nam phải đặt đạo đức làm cốt lõi xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam. Xây dựng, thực hành các chuẩn mực đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh bản sắc Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa kinh doanh quốc tế, coi đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa chiến lược lâu dài trong xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới.
Đã có rất nhiều doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, phát huy truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, đã và đang tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.
Các doanh nghiệp cần quan tâm hợp tác, liên kết, phối hợp với nhau, nhất là giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; chú trọng liên kết theo ngành, cụm sản xuất, chuỗi giá trị.
Ngày 10/10/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết đã đưa ra những quan điểm, định hướng và giải pháp mới, bám sát nhu cầu phát triển của giới doanh nhân và yêu cầu của đất nước.
Nghị quyết cũng khẳng định đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt trong thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết cũng đề ra yêu cầu phát triển đội ngũ doanh nhân dân tộc và đây là một điểm mới so với Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị.
Đảng và Nhà nước luôn coi trọng vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đối với sự phát triển của đất nước, luôn khẳng định đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân là một trong những đội ngũ nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các quyết sách của Đảng và Nhà nước luôn vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp và đặt người dân, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm.
Có thể bạn quan tâm
Hoàn thành nhiệm vụ lập pháp quan trọng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV
09:32, 18/01/2024
Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
09:26, 18/01/2024
Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)
08:51, 18/01/2024
10 vấn đề, sự kiện tiêu biểu của Quốc hội năm 2023
07:00, 05/01/2024
Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 7 luật vừa được Quốc hội thông qua
13:00, 25/12/2023