Phục hưng làng lụa 600 năm

NGUYỄN HOÀNG 14/02/2024 01:00

Người đàn bà nhỏ nhắn từ bỏ tất cả, quyết định trở về cùng cha mình khôi phục làng nghề 600 năm tơ lụa Mã Châu.

>>Phát triển bền vững gắn với khởi nghiệp

Cuộc thiên di mà cô gái Trần Thị Yến (làng lụa Mã Châu, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bảo rằng, chính cái mùi hương tơ tằm làng lụa Mã Châu - nơi cô sinh ra cùng miền ký ức của 600 năm trước đã dẫn đường cô trở về chấp nhận bao khó khăn để phục hưng lụa Mã Châu.

Lựa chọn sinh tử

Khi làng lụa Mã Châu mai một, người cha của cô- ông Trần Hữu Phương- một nghệ nhân ưu tú duy nhất vẫn duy trì nghề dệt lụa sau những tháng năm vào Sài Gòn trở về từ năm 1991.

Một cuộc lựa chọn sinh tử mà như lời Yến nói đó là làm nhân viên một ngân hàng với mức lương cao ở phố thị hay trở về cùng cha phục hưng nghề dệt lụa?

Dù không muốn con trở về, nhưng với niềm đam mê lụa chảy trong huyết quản, cuối cùng cha cô cũng gạt nước mắt gật đầu để Yến cùng chồng ôm con trở về làng và bắt đầu với những vuông lụa dậy mùi tằm tơ. Đó là mùa hè năm 2015.

Trong cái nhìn xa xăm của cha mình, Yến biết điều cô cần phải giữ gìn đó là danh xưng 600 năm tơ lụa Mã Châu, cũng là tên làng đầy tự hào mỗi lần giới thiệu gốc gác của mình nơi phố thị.

Khi cô trở về cùng cha đối mặt với khó khổ, sau nhiều năm dài, người làng Mã Châu một số bỏ nghề, còn lại rất ít vẫn ngày ngày dệt hàng thô rồi xuất bán cho những làng nghề từ Nam chí Bắc nên thương hiệu Mã Châu ngày càng lãng quên.

Phục hưng làng nghề 600 năm

Làm thế nào để níu giữ làng nghề 600 năm Mã Châu? Một câu hỏi để có câu trả lời phải mất nhiều đêm thao thức của hai cha con Yến.
Năm 2015, khi Yến trở về gánh vác HTX Tơ lụa Mã Châu do cha cô làm chủ nhiệm, cô bắt đầu dừng sản xuất hàng thô, chuyển sang thu mua và sản xuất 100% lụa tơ tằm thành phẩm.

Những vuông lụa Mã Châu bắt đầu phục hưng mà như lới Yến kể là giấc mơ "ngày tơ lụa vàng son" với người cha già của mình đã thành hiện thực, đúng như lụa của 600 năm trước mà ông Phương cùng cha mình trân quý gìn giữ đã sống lại.

Từ HTX Tơ lụa Mã Châu cũ nát với số vốn là sổ đỏ căn nhà cầm cố của cha cô, bằng tri thức người học kinh tế loại giỏi, Yến bắt đầu thành lập Công ty TNHH Tơ lụa Mã Châu là cả mồ hôi chát mặn để rồi nụ cười trên môi ông Phương đã xóa đi nhưng đêm thao thức.


Những vuông lụa Mã Châu xuất xưởng, nhưng để ra thị trường không hề đơn giản. Hầu hết những chủ shop ở Hội An tất cả đều giành lời khen đẹp, chất lượng. Nhưng giá cao gấp 3 đến 4 lần lụa Trung Quốc tương đương.

Làm thế nào để cạnh tranh với lụa Trung Quốc? Lại là những đêm mất ngủ, sản phẩm lụa Mã châu dệt với 100% tơ tằm không thể cạnh tranh nổi trên thị trường.

Với kiến thức kinh tế học được, Yến bắt đầu đưa lụa Mã Châu lên sàn thương mại điện tử để kinh doanh và kết nối với nhiều nhà thiết kế thời trang trẻ trong và ngoài nước.

Chương trình văn hóa du lịch với chủ đề “Cổ phục Việt - nơi tương lai được kiến tạo từ quá khứ” năm 2020 chọn lụa Mã Châu cho những thiết kế truyền thống của mình.

Nhà thiết kế Lê Thanh Hòa khẳng định, sự vô giá của tơ lụa Việt, mà đặc biệt là Lụa Mã Châu có tuổi đời 600 năm đã thu hút những người tôn trọng các giá trị thuần Việt.

Làng dệt lụa Mã Châu dần phục hưng. Hàng loạt đơn đặt hàng từ các nhà thiết kế thời trang trong và ngoài nước đã đưa làng lụa Mã Châu vang bóng một thời trở thành sản phẩm đặc trưng của làng nghề Quảng Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Thăm làng nghề dệt lụa Phùng Xá: “Thủ phủ dâu tằm”

    Thăm làng nghề dệt lụa Phùng Xá: “Thủ phủ dâu tằm”

    01:30, 12/02/2023

NGUYỄN HOÀNG