Mở khoá dòng tiền từ khu vực kinh tế tư nhân
"Tiền ra" từ khu vực tư nhân sẽ đóng góp vào việc kích thích nhu cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước, dòng tiền xoay vòng sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ các chỉ số tăng trưởng.
>>Động lực phát triển từ kinh tế tư nhân
Đầu tư tư nhân giảm thấp kỷ lục
Động lực cho sự tăng trưởng kinh tế luôn được coi là cần phải dựa vào 4 yếu tố: xuất khẩu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư tư nhân và tiêu dùng nội địa. "Tiền ra" từ khu vực tư nhân sẽ đóng góp vào việc kích thích nhu cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước, dòng tiền xoay vòng sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ các chỉ số tăng trưởng. Tuy nhiên, có một sự thật tồn tại từ lâu mà chưa được giải quyết triệt để, đó là chính sách phát triển khu vực tư nhân chưa xứng đáng với tiềm năng.
Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10, ngày 3/6/2017 về "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Tiếp sau đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; các bộ, ngành, địa phương cũng có những chương trình hành động cụ thể, triển khai thiết thực để thúc đẩy phát triển kinh tế ở khu vực này.
Gần đây nhất, tháng 3/2023 Chương trình hành động của Chính phủ được ban hành, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân với những mục tiêu cụ thể hơn: 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, tỷ trọng đóng góp vào GDP để đến năm 2025 đạt khoảng 55%; đến năm 2030 khoảng 60 - 65%; Hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có vai trò dẫn dắt ở một số ngành, lĩnh vực hoặc đứng đầu trong chuỗi giá trị.
Thế nhưng, sức mạnh nội sinh của khu vực kinh tế này có xu hướng giảm trong vài năm trở lại đây, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng đầu tư tư nhân và tốc độ doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn nhiều năm trở lại đây trong khi doanh nghiệp rời khỏi thị trường tăng mạnh, trong khi đó đầu tư khu vực nhà nước liên tục lập đỉnh.
Theo Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ hai tổ chức hồi đầu năm 2023, kinh tế khu vực tư nhân đóng góp 98% trên tổng số 800.000 doanh nghiệp tại Việt Nam, đạt 46,4% GDP mỗi năm trong giai đoạn 2016-2021 và đóng góp 18,5% thu ngân sách trong năm 2021.
Tuy nhiên đến nay, tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân đang giảm thấp kỷ lục ở mức 2,67%, còn tốc độ tăng trưởng của đầu tư công rất mạnh mẽ là 16,39%. Trong khi đó các chính sách tài khóa không thể mở rộng mãi mãi và đầu tư công cũng sẽ có giới hạn.
>>Đầu tư công năm 2024: Triển vọng và thách thức
Tạo động lực tăng trưởng
Một số nguyên nhân giải thích cho các vấn đề nêu trên đó là: Thứ nhất, giải ngân công kỷ lục nhưng chính sách tài khóa luôn có độ trễ để tác động được vào đầu tư khu vực tư nhân và tăng cường kinh tế.
Thứ hai, tổng cầu toàn cầu và nội địa suy giảm khiến cho thiếu đơn hàng, doanh nghiệp sản xuất cầm chừng không mở rộng đầu tư và làm giảm độ ảnh hưởng của hệ số nhân tài khóa. Để doanh nghiệp mở rộng đầu tư thì trên thị trường cần phải có nhu cầu đến từ thị trường quốc tế và thị trường nội địa, trong khi thị trường quốc tế năm vừa qua rất yếu và đến đầu năm nay mặc dù có trạng thái tích cực hơn, nhưng cũng chưa thể có sự chuyển biến nhanh, mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2024, chúng tôi không quá kỳ vọng vào câu chuyện xuất khẩu của Việt Nam vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn còn một quãng đường dài cho đến thời điểm đầu tiên cắt giảm lãi suất.
Thứ ba, thị trường bất động sản đóng băng cũng là một vấn đề đáng chú ý, vì vào những giai đoạn thị trường bất động sản Việt Nam gặp khó khăn thì thu nhập của người dân đều yếu, do có rất nhiều ngành nghề liên quan đến bất động sản hay nhiều người trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực này.
Thứ tư, về môi trường kinh doanh, cơ chế chính sách, các loại giấy phép con,... là rất quan trọng. Chúng ta đã có 15 năm để tập trung cắt giảm các giấy phép con nhưng vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù đã cắt giảm song các giấy phép con vẫn mọc thêm ra. Việc đơn giản hóa, tinh gọn lại các giấy phép và tạo môi trường kinh doanh tốt hơn sẽ giúp cho đầu tư tư nhân tốt hơn.
Có thể thấy, những thông điệp từ đầu năm đến nay của Chính phủ về phát triển kinh tế đã rất tốt, nhưng điều cốt lõi vẫn là hoạt động hàng ngày còn nhiều vướng mắc. Nếu môi trường kinh doanh thuận lợi thì các doanh nghiệp tư nhân sẽ sẵn sàng kích cầu đầu tư tư nhân để thúc đẩy tăng trưởng.
Vì vậy cần phát triển các động lực tăng trưởng mới cho khối tư nhân. Như TS. Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế có nhận xét, hiện nay mọi người đang nhắc quá nhiều đến chính sách tiền tệ, lãi suất tăng - giảm; tuy nhiên để quyết định kinh doanh của doanh nghiệp thì lãi suất chỉ là một phần rất nhỏ, vì một quá trình dài sẽ cần rất nhiều thiết chế để tạo ra môi trường kinh doanh. Đồng thời mọi người cũng nhắc nhiều đến đầu tư công trong một chính sách tài khóa mở rộng, nhưng vẫn còn một phần có thể hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc giảm thuế, phí, giảm các quy định, nghĩa vụ... sẽ giúp khu vực doanh nghiệp có niềm tin hơn rất nhiều. Đây mới chính là con đường dài để phát triển
Để thúc đẩy chuyển đổi, mở ra các động lực tăng trưởng mới, Việt Nam sẽ tập trung vào bốn nhóm giải pháp chính gồm: Hoàn thiện thể chế; Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng; Phát triển nguồn nhân lực; và Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó ưu tiên của Việt Nam là phát triển các ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, công nghiệp bán dẫn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Từ đó, môi trường kinh doanh sẽ tốt lên rất nhiều và các doanh nghiệp tư nhân sẽ mạnh tay để đầu tư. Chúng tôi vẫn giữ quan điểm đó là, đầu tư tư nhân muốn phát triển thì cần thiết phải cải thiện môi trường kinh doanh.
Có thể bạn quan tâm
Động lực phát triển từ kinh tế tư nhân
04:05, 30/04/2023
Chính sách cần tạo nội lực để phát triển kinh tế tư nhân
11:00, 09/04/2023
Ổn định môi trường pháp lý để phát triển kinh tế tư nhân
04:00, 05/04/2023
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân
19:50, 31/03/2023