Thúc đẩy đổi mới dịch vụ tài chính trong khu vực Đông Nam Á
Năm 2024, những tổ chức, doanh nghiệp chủ động khai thác sự đổi mới sẽ không chỉ duy trì tính cạnh tranh, mà còn phát triển mạnh mẽ trong hệ sinh thái tài chính kỹ thuật số tại khu vực Đông Nám Á.
>>Phát triển dịch vụ tài chính bán lẻ dựa trên nền tảng công nghệ số
Theo phân tích của Ernst & Young (EY), năm 2024, lĩnh vực dịch vụ tài chính của Đông Nam Á sẽ chứng kiến những tác động sâu sắc của các công nghệ mới nổi và sự đổi mới chiến lược.
Giao dịch xuyên biên giới tăng nhanh
Ông Brian Thung, Lãnh đạo phụ trách thị trường ASEAN của EY chia sẻ, để đáp ứng sự tăng trưởng của thương mại xã hội và kỹ thuật số trong khu vực, lĩnh vực này sẽ ngày càng được đặc trưng hoá bởi các khoản thanh toán xuyên biên giới tức thời, tài chính nhúng (sự tích hợp các dịch vụ tài chính vào sản phẩm hoặc nền tảng của các công ty phi tài chính) và hiện đại hóa ngân hàng cốt lõi. Tuy nhiên, khi các cơ hội đổi mới ngày càng sâu rộng, khả năng tương tác và hội tụ giữa các ngành có thể gây ra rủi ro thanh toán và tội phạm tài chính mới.
Có thể thấy, Đông Nam Á là một thị trường đang phát triển mạnh mẽ cho thương mại điện tử xuyên biên giới – một không gian mà Fintech có vị thế thuận lợi để giành thị phần từ các ngân hàng. Các giao dịch xuyên biên giới của khu vực đã tăng nhanh vào năm 2023, được thúc đẩy bởi tăng trưởng kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và tăng trưởng du lịch.
Các giao dịch xuyên biên giới trước đây bị cản trở ở nhiều nơi do chi phí cao, tốc độ giao dịch chậm, thiếu minh bạch và những lo ngại về bảo mật liên quan đến chuyển tiền. Nhưng các cơ quan quản lý, tổ chức tài chính và các bên liên quan trong ngành đã hợp tác với nhiều sáng kiến để giải quyết những vấn đề này.
Năm 2024 dường như sẽ năm mà kết nối thanh toán xuyên biên giới được tăng cường trên khắp châu Á-Thái Bình Dương bằng thanh toán theo thời gian thực, API (cơ chế cho phép 2 thành phần phần mềm giao tiếp với nhau) và Blockchain. Điều quan trọng đối với Đông Nam Á là hệ sinh thái thanh toán theo thời gian thực dựa trên mã QR địa phương đang hình thành.
“Đặc biệt, việc áp dụng các tiêu chuẩn nhắn tin ISO 20022 (chuẩn tin điện quốc tế) sẽ giúp vượt qua những thách thức về khả năng tương tác, cung cấp thông điệp nhất quán trên toàn cầu cho các luồng dữ liệu trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Các tổ chức không thay đổi kịp thời có thể gặp bất lợi, thậm chí bị loại khỏi mạng thanh toán”, ông Brian Thung nhấn mạnh.
>>Thanh toán xuyên biên giới và cơ hội cho doanh nghiệp
Hiện đại hóa ngân hàng lõi
Vị lãnh đạo phụ trách thị trường ASEAN của EY cũng chỉ ra, các ngân hàng, công ty tài chính cần ngừng thực hiện những điều chỉnh khiêm tốn đối với một loạt hệ thống, cơ sở hạ tầng và quy trình cồng kềnh đã tồn tại hàng thập kỷ. Điều cấp thiết là phải phát triển theo hướng các giải pháp nhanh nhẹn hơn, để giảm độ phức tạp và nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời cho phép cung cấp trải nghiệm liền mạch, phù hợp với nhu cầu của người dùng.
Vào năm 2024, nhờ sự gia tăng của các API mở sẽ giúp mạng lưới kết nối giữa các tổ chức tài chính, nhà cung cấp phần mềm và cộng đồng FinTech được đơn giản hoá. Bằng cách kết hợp hơn nữa API với các cấu trúc như công nghệ mô-đun và dịch vụ vi mô, các tổ chức sẽ có thể đổi mới nhanh hơn và tiết kiệm chi phí hơn.
Bên cạnh đó, công nghệ tiên tiến như Gen AI (trí tuệ nhân tạo tạo sinh) mặc dù đang ở giai đoạn đầu áp dụng nhưng sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng, vì nó tối ưu hóa các quy trình, trao quyền cho việc cung cấp chiến lược và các giải pháp tập trung vào khách hàng để thúc đẩy tăng trưởng doanh thu mới.
“Chúng tôi cho rằng, bối cảnh phát triển của ngành dịch vụ tài chính ở Đông Nam Á mang đến những cơ hội thú vị cho những tổ chức sẵn sàng đón nhận sự đổi mới. Thanh toán theo thời gian thực, GenAI, tài chính nhúng,... không chỉ đơn thuần là xu hướng mà còn là trụ cột thiết yếu để luôn dẫn đầu trên thị trường. Bằng cách tận dụng các công nghệ này, các tổ chức tài chính có thể nâng cao trải nghiệm của khách hàng, hợp lý hóa hoạt động và khai thác các nguồn doanh thu mới.
Khi ngành dịch vụ tài chính tiếp tục phát triển, những tổ chức, doanh nghiệp chủ động khai thác đổi mới sẽ không chỉ duy trì tính cạnh tranh mà còn phát triển mạnh trong hệ sinh thái tài chính kỹ thuật số và ngày càng năng động”, ông Brian Thung phân tích.
Có thể bạn quan tâm
Công ty khởi nghiệp Inkle ra mắt nền tảng thanh toán xuyên biên giới
01:21, 22/06/2023
Vai trò của Blockchain trong thanh toán xuyên biên giới
12:00, 08/11/2022
Thanh toán xuyên biên giới và cơ hội cho doanh nghiệp
05:30, 11/10/2022
Nhân dân tệ điện tử (Kỳ III): Ứng phó thế nào với thanh toán xuyên biên giới?
06:00, 26/06/2020