“Nóng bỏng” cuộc chiến năng lượng sạch Mỹ - Trung
Mỹ đã và đang tung ra nhiều chính sách bảo hộ để đối phó với áp lực cạnh tranh của Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng sạch.
>> Năng lượng sạch - trụ cột kinh tế mới của Trung Quốc
Trong khi Mỹ đang rót hàng nghìn tỷ USD vào các nhà máy và cơ sở hạ tầng với trọng tâm là năng lực sản xuất năng lượng sạch, khoản đầu tư đó có thể bị cắt giảm nghiêm trọng do sự thống trị của các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu. Đáp lại, Mỹ đang ngày càng áp đặt các chính sách bảo hộ thương mại có nguy cơ làm leo thang chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc mà không thực sự tạo ra nhiều tác động trong vấn đề này.
Mỹ đang tăng cường chi tiêu cho ngành năng lượng sạch trong nước, nhưng có vẻ như nước này đã đi sau Trung Quốc khá nhiều. Và thậm chí cả 2 nghìn tỷ USD dành cho việc xây dựng lại nền kinh tế cũng không đáng là bao so với các loại hình đầu tư mà Trung Quốc đã thực hiện trong thập kỷ qua. Trung Quốc đã vượt qua đối thủ trong nhiều năm nay - năm ngoái họ đã tăng gấp 4 lần mức chi tiêu của Mỹ cho năng lượng sạch và đã củng cố chuỗi cung ứng năng lượng sạch đã được thiết lập trên khắp thế giới .
Theo báo cáo gần đây của tờ New York Times, Trung Quốc sản xuất khoảng 80% tấm pin mặt trời trên thế giới, gần 60% xe điện và hơn 80% pin xe điện. Hơn nữa, Trung Quốc sản xuất 60% và xử lý gần 90% khoáng sản đất hiếm của thế giới - nguyên liệu chính thiết yếu trong sản xuất cơ sở hạ tầng năng lượng sạch như pin xe điện và tấm pin mặt trời quang điện.
Rào cản gia nhập đối với bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào là rất lớn nhưng Mỹ đang cố gắng tìm cách vượt qua thách thức này. Chiến lược chính của chính phủ Mỹ trong 5 năm qua là áp thuế đối với nhiều loại hàng hóa Trung Quốc nhằm bảo vệ các nhà sản xuất Mỹ.
>> Tìm cách "thoát" Trung Quốc, phương Tây bị đẩy vào thế khó
Tuy nhiên, hiện nay nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và nước này đang phản ứng bằng cách tăng gấp đôi việc thúc đẩy tiềm năng sản xuất và xuất khẩu. Trên thực tế, có mối lo ngại chính đáng và ngày càng tăng rằng Trung Quốc đang hướng tới việc sản xuất quá mức năng lực đối với một số lượng lớn sản phẩm khi nhu cầu của chính họ sụt giảm. Khi đó, Trung Quốc có thể sẽ cố gắng đẩy những tấm pin mặt trời, ô tô điện và các sản phẩm khác không cần thiết đó ra thị trường toàn cầu với mức chiết khấu cao, đe dọa không ít các lĩnh vực kinh tế và nền kinh tế toàn cầu nói chung.
Tờ New York Times đưa tin rằng các quan chức chính quyền Biden dường như có khả năng tăng thuế đối với xe điện và các hàng hóa chiến lược khác từ Trung Quốc như một phần trong quá trình xem xét liên tục các khoản thuế do Chính quyền Trump khởi xướng 4 năm trước. Điều này xảy ra trong bối cảnh “làn sóng sắp tới” của xe điện Trung Quốc tấn công thị trường quốc tế khi chi phí xe điện ở Trung Quốc giảm. Hiện tại, giá trung bình cho một chiếc xe điện Trung Quốc khoảng 28.000 USD, so với 47.500 USD ở Mỹ.
Quốc hội Mỹ cũng đang vận động hành lang để có mức thuế cao hơn nữa đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Một Ủy ban Hạ viện lưỡng đảng đã gửi thư cho chính quyền Biden vào tháng 11/2023 và vào ngày 5 tháng 1 năm nay, kêu gọi chính quyền Biden áp đặt thuế tương ứng đối với xe điện và chất bán dẫn của Trung Quốc.
Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, việc áp thuế cũng có những hạn chế riêng. Thứ nhất, động thái này có thể làm leo thang căng thẳng thương mại hiện có với Trung Quốc vào thời điểm mà tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế xanh của Mỹ vẫn phụ thuộc rất nhiều vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Điều này có thể gây tổn hại nhiều cho các nhà sản xuất Mỹ. Thứ hai, các chính sách bảo hộ của Mỹ không thể ngăn cản các quốc gia khác mua hàng xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc, có nghĩa là Trung Quốc vẫn có thể là nước định giá toàn cầu dù có hoặc không có sự tham gia của Mỹ. Cuối cùng, chính sách đó sẽ tạo ra một thị trường mà Mỹ không thể tham gia cạnh tranh.
Có thể bạn quan tâm