Sức mạnh vững bền
Văn hoá kinh doanh hay sức mạnh văn hoá của một cộng đồng kinh doanh gắn kết, có trách nhiệm, tiến bộ và thích ứng là mục tiêu hướng tới của nhiều nền kinh tế trong đó có Việt Nam.
Chia sẻ với Doanh Nhân, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Viện Thành viên Hội đồng Quản trị (VIOD) nhấn mạnh: sức mạnh của “văn hoá kinh doanh” cũng là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững.
Bà đánh giá vai trò, sức mạnh của “văn hoá kinh doanh” như thế nào trong bối cảnh mới?
Trong kỷ nguyên ESG phát triển bền vững, văn hóa doanh nghiệp bao gồm cả văn hóa kinh doanh và văn hóa của nhà lãnh đạo. Đây được coi là yếu tố then chốt tạo nên triết lý kinh doanh của doanh nghiệp, xây dựng niềm tin của khách hàng và là giá trị cốt lõi giúp doanh nghiệp xây dựng, giữ gìn, phát triển thương hiệu một cách bền vững. Không một thương hiệu mạnh nào không được xây dựng trên một nền tảng văn hóa doanh nghiệp vững chắc. Trong chiến lược phát triển bền vững, văn hoá doanh nghiệp được coi là một yếu tố “lõi” của năng lực canh tranh, là “nền móng – nền tảng” của phát triển của doanh nghiệp. Khi nền tảng vững thì doanh nghiệp mới phát triển bền lâu.
Văn hóa được tạo dựng qua hình ảnh và thể hiện cho thương hiệu đặc sắc cũng như bản sắc riêng của mỗi doanh nghiệp. Vì lẽ đó, hiếm có hai công ty có cùng một bản sắc và giá trị văn hóa. Trên thương trường, đối thủ cạnh tranh có thể sao chép nhiều khía cạnh của doanh nghiệp, từ chiến lược, sản phẩm, quy trình cho đến bí quyết công nghệ,… nhưng không thể sao chép được những giá trị văn hóa, tinh thần của mỗi doanh nghiệp, bởi đó là yếu tố tạo nên văn hóa doanh nghiệp và là nền tảng của văn hóa kinh doanh.
Trong một kỷ nguyên với những phát triển của công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, có rất nhiều điều đã được thay thế để gia tăng những tiện ích và sự thuận tiện cho con người. Công nghệ có thể thay thế được nhiều thứ nhưng không thể thay thế được niềm tin, đạo đức và sự kết nối tinh thần giữa mọi người.
Tiềm năng là vậy nhưng những “khoảng trống” cho phát triển “văn hoá kinh doanh” vẫn còn đó thưa bà?
Với những doanh nghiệp đứng vững qua “cơn sóng” khủng hoảng, một trong những yếu tố quan trọng giúp họ làm được điều này là nền tảng văn hóa doanh nghiệp. Là lực đỡ và cũng là lực đẩy cho các doanh nghiệp, văn hóa là thứ duy nhất còn thiếu khi doanh nghiệp phát triển, là thứ duy nhất còn lại khi doanh nghiệp gặp khủng hoảng và là thứ duy nhất đối thủ cạnh tranh không thể lấy được từ doanh nghiệp.
Tuy vậy, nhận thức của chính các doanh nghiệp trong việc phát triển văn hóa kinh doanh đang là một rào cản bởi mỗi doanh nghiệp đều đang tập trung vào những lợi ích khác nhau. Dù có những xuất phát điểm hoặc cách vận hành khác nhau, nhưng phần lớn các doanh nghiệp đều chung một động cơ - đó là tạo ra lợi nhuận – một mong muốn chính đáng và cơ bản của mỗi doanh nhân, mỗi doanh nghiệp. Có một điều đáng khích lệ là bên cạnh lợi nhuận, nhiều doanh nhân đã và đang hướng đến các giá trị khác như khát vọng cống hiến đóng góp cho xã hội, tạo danh tiếng cho bản thân, được cộng đồng và xã hội tôn trọng, vinh danh, và xa hơn, là mang niềm tự hào dân tộc ra trường quốc tế…Vì vậy, văn hóa kinh doanh hay kinh doanh có văn hóa là sự hài hòa và gắt kết mật thiết của cái đúng và cái đẹp.
Trong hành trình xây dựng và nuôi dưỡng văn hóa kinh doanh, bản thân người chủ doanh nghiệp – doanh nhân sẽ tạo dựng “ngân hàng” của sự tín nhiệm với các bên liên quan – hay trong kinh doanh, chúng ta vẫn thường nói là giữ “chữ tín”.
Như vậy vẫn còn nhiều dư địa cần khai thác của “văn hoá kinh doanh Việt Nam”. Bà có đề xuất các khuyến nghị cho các bên liên quan thế nào cho phát triển “văn hoá kinh doanh” - góp phần cho sự thịnh vượng bền vững của quốc gia, thưa bà?
Thông qua trao đổi với nhiều lãnh đạo đứng đầu của các doanh nghiệp, có thể thấy họ hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc lấy sự tín nhiệm và chữ TÍN làm giá trị dẫn dắt. Họ nhận thức được sự tín nhiệm/ Uy tín là một loại Nguồn lực phi tài chính đa chiều. Nguồn lực phi Tài chính này có thể đã và đang tác động vô hình tạo giá trị cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp, gia tăng lợi ích cho cổ đông đến tăng cường đổi mới, giúp ổn định cộng đồng, tăng cường gắn kết nhân viên. Do vậy, giá trị văn hóa kinh doanh ngày cần được định danh, định lượng và định hướng bởi chính các ông chủ, lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp , thể hiện rõ ràng trong chiến lược phát triển, trong các chương trình hành động và cam kết thực sự từ lãnh đạo cấp cao.
Hiện nay báo cáo về phát triển bền vững ESG đang được áp dụng để đo lường tính bền vững của một doanh nghiệp. Trong đó văn hóa doanh nghiệp là yếu tố xuyên suốt là nền tảng là bệ đỡ và là lực đẩy của cả E, S và G. Và cuối cùng, năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp được cộng hưởng và gia tăng khi được chia sẻ một cách đầy đủ trong sự kết nối với các hiệp hội ngành nghề, cũng như nhận được sự lắng nghe, hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, từ địa phương đến trung ương.
Trân trọng cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm
Văn hóa kinh doanh cần thể hiện rõ nét bản sắc cốt lõi của doanh nghiệp
15:17, 25/11/2023
Khai thác sức mạnh từ văn hóa kinh doanh Việt Nam
09:39, 20/10/2023
Văn hoá kinh doanh tạo lợi thế cạnh tranh
11:00, 12/10/2023
Khởi động chương trình “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” năm 2023
21:04, 02/08/2023