Thắp lửa nội lực
"Tôi mong muốn hỗ trợ giúp các bạn trẻ tránh được những sai sót, rủi ro không đáng có; tìm được hướng đi đúng để dẫn tới thành công trên con đường lập nghiệp".
>>Hành trình 20 năm hỗ trợ khởi nghiệp
Đó là chia sẻ của Giáo sư Phan Văn Trường - chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế, Nguyên Cố vấn Thường trực về thương mại quốc tế của Chính phủ Pháp với DOANH NHÂN.
Giáo sư Phan Văn Trường - người dẫn dắt hệ sinh thái Cấy nền đã trở về Hà Nội vào những ngày đầu đông. Vị học giả đáng kính ở tuổi 77 tràn đầy nhiệt huyết cũng là một doanh nhân uy tín, một chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế, đã được Tổng thống Pháp trao tặng huân chương Bắc đẩu bội tinh năm 2007.
Bền bỉ Cấy nền
- Không ít người đã rất ngạc nhiên và cả tò mò nữa khi nghe đến hệ sinh thái được ông dành nhiều tâm huyết để vun đắp có tên gọi khá lạ: Cấy nền. Ông sẽ nói gì về sân chơi dành cho các doanh nhân trẻ?
Đây là câu hỏi mà tôi thường nhận được (cười). Từ ghép Cấy nền mới đầu rất khó đọc, khó hiểu nhưng bắt đầu đến với tôi một cách đơn giản. Đó là nơi để một người lớn tuổi, đi trước, biết cái gì sẽ giải thích cho các bạn cái đó. Từ Cấy nền đầu tiên được tổ chức vào giữa năm 2019 với sự tham gia của 250 người, đến nay đã có hơn 200 Cấy nền.
Cấy nền là hệ sinh thái, không phải là một hội hay một tổ chức. Không có Chủ tịch hay giám đốc, không có quỹ, không có văn phòng, Cấy nền gồm chuỗi các khoá học có chủ đề thiết thực về sự nghiệp, gia đình, giáo dục… thông qua những câu chuyện về quản trị, khởi nghiệp, thương thuyết, hướng nghiệp, tư duy tạo hệ sinh thái, phong cách sống nội lực và trí tuệ… Những doanh nhân trẻ, startup trẻ đến với Cấy nền đều tự nguyện và tự nhiên nhất trên tinh thần bình đẳng, hồn nhiên, thẳng thắn và tích cực. Đây cũng là 4 tiêu chí Cấy nền đang theo đuổi.
- Ở tuổi lẽ ra được nghỉ ngơi bên gia đình nhưng ông vẫn tràn đầy năng lượng cho Cấy nền. Động lực nào đã thôi thúc ông tiếp tục “ngược xuôi” trên những nẻo đường quê hương?
Với tôi, không có dân tộc nào mà các bạn trẻ hiếu học, chuyên cần, thông minh như Việt Nam. Vậy mà, chúng ta chưa thể bứt phá mạnh mẽ. Điều này làm tôi trăn trở rất nhiều và nhận thấy mình phải có bổn phận tìm lý do. Tôi nhận thấy sự mất kết nối và thiếu niềm tin giữa người trẻ, giữa các lứa tuổi nên chúng ta ít có sự hưởng thụ lẫn nhau đối với các nền tảng tri thức. Vì thế, chúng ra ít hợp lực tạo thành sức mạnh, tạo thành hệ sinh thái và chưa hiểu giá trị mà hệ sinh thái mang lại.
Thành lập hệ sinh thái Cấy nền, tôi mong muốn những người con nước Việt ở khắp mọi nơi cùng kết nối. Mỗi thành viên là một hạt giống và cấy thêm xung quanh mình cùng học hỏi một cách chân thành và cởi mở để hướng đến mục tiêu lớn nhất: đóng góp tốt hơn cho sự phát triển đất nước. Tại Cấy nền, những người đã làm, đã thành công và kể cả đã đối mặt với thất bại, với lo lắng đều cam kết chia sẻ thật. Chúng ta cùng có ý thức rằng khi mình có giá trị nào đó thì nên chia sẻ với người khác. Một giá trị không được trao truyền sẽ không còn ý nghĩa là giá trị.
Khơi niềm tin - Tạo giá trị
- Ông đang đồng hành cùng Cấy nền Trà Việt trong hành trình ra thế giới. Trong nhịp sống hội nhập kinh tế quốc tế, Trà Việt sẽ tìm chỗ đứng thế nào trên thị trường toàn cầu, thưa ông?
Chúng ta cần hiểu trà truyền thống gắn liền với trà văn hoá, hợp với thị trường của người bán hơn là thị trường của người mua. Ở thị trường của mình, người bán có nhiều lợi thế hơn, làm chủ cuộc chơi. Nhưng, hiện nay, các nhà trà vẫn đang lầm thị trường nên đem trà văn hoá bán ra thị trường của người mua. Ở đó, ai làm cũng được và bán cho ai cũng được nên nên chúng ta không được giá, không cạnh tranh được vì không sản xuất trên quy mô lớn như các nước công nghiệp phát triển. Thứ hai, muốn bán được hàng phải hiểu nhu cầu của khách hàng, văn hoá và phong cách thưởng trà của từng dân tộc. Sau nhiều năm trao đổi, tôi nhận thấy các bạn đã bước đầu hiểu được nhu cầu tiêu dùng, sản phẩm được thiết kế thân thiện với khách hàng. Song, điều này là chưa đủ.
Các bạn cũng còn thiếu tư duy liên kết, hợp lực, đoàn kết tạo thành sức mạnh. Tư duy này các cụ ngày xưa đã làm “buôn có bạn, bán có phường”. Tôi nói như vậy để thấy, chúng ta yếu vì thiếu sự hợp lực, không nhân thành sức mạnh, không tạo hệ sinh thái và không hiểu giá trị của hệ sinh thái mang lại chứ không phải bản thân yếu.
- Ông sẽ trao truyền những giá trị gì để các doanh nhân trẻ có thêm “lưng vốn” tự tin hơn ra thế giới?
Tôi vẫn nói với các bạn trẻ, thay vì bán xô, các bạn hãy tìm hiểu thật kỹ về khách hàng của mình, trang bị lý luận hệ thống giúp cho việc bán hàng một cách ngọt ngào, khéo léo - khả năng thương thuyết tốt sẽ có thể nhân giá trị sản phẩm lên gấp 3, gấp 5 lần. Không ngừng trau dồi kỹ năng cần thiết như ngoại ngữ, củng cố sự tự tin và tin tưởng lẫn nhau. Dạy nhau tự tin chẳng có gì khó nếu chúng chia sẻ cho nhau thành công và cả những thất bại.
Trân trọng cảm ơn ông!