Dự báo “cơn sốt” vàng tại Trung Quốc sẽ hạ nhiệt trong năm nay
Sau một năm mua vàng kỷ lục, dự báo cơn sốt vàng tại Trung Quốc năm 2024 sẽ hạ nhiệt khi chính quyền đưa ra các chính sách thân thiện với thị trường và tỷ giá đồng Nhân dân tệ có dấu hiệu ổn định.
>>Giá vàng tuần tới: Cẩn trọng định hướng mới từ FED
Nhu cầu vàng của Trung Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục trong năm ngoái, khi các nhà đầu tư tìm cách đảm bảo tài sản của họ và hạn chế những bất ổn do đồng Nhân dân tệ suy yếu, sự sụt giảm trong lĩnh vực bất động sản đang diễn ra và lo ngại về tình trạng suy thoái của thị trường chứng khoán.
Thông tin từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, nhập khẩu vàng sử dụng cho mục đích phi tiền tệ bao gồm vàng trang sức đã tăng lên 1.447 tấn vào năm 2023, phá vỡ kỷ lục trước đó là 1.427 tấn vào năm 2018. Con số này cũng đánh dấu mức tăng gấp bảy lần so với năm 2020.
Theo Hiệp hội Vàng Trung Quốc, doanh số bán hàng nội địa ở Trung Quốc đạt 1.090 tấn vàng vào năm ngoái, với mức tiêu thụ trang sức vàng tăng 7,97% so với cùng kỳ, lượng mua vàng miếng và tiền xu tăng 15,7%. Với khả năng tiếp cận tài sản ở nước ngoài bị hạn chế, tầng lớp trung lưu Trung Quốc được cho là đang cố gắng bảo toàn tài sản của mình trong bối cảnh thị trường bất động sản suy thoái thông qua việc nắm giữ vàng.
Chủ tịch điều hành của Hiệp hội Cải cách Quảng Đông, ông Peng Peng chia sẻ, đối mặt với sự sụt giảm của thị trường bất động sản và chứng khoán, bất ổn địa chính trị toàn cầu, cùng tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ giảm, mua vàng được xem là cách tốt nhất để người dân Trung Quốc bảo toàn tài sản của mình.
“Tuy nhiên, cơn sốt vàng có thể sẽ hạ nhiệt trong năm nay khi chính quyền địa phương đang đưa ra các chính sách thân thiện với thị trường và tỷ giá đồng Nhân dân tệ cũng đang có dấu hiệu ổn định”, ông dự đoán.
Có thể thấy, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã trải qua một khoảng thời gian đầy thách thức, với đợt bán tháo kéo dài làm chao đảo thị trường. Đối mặt với những lo ngại về giảm phát và tình trạng trì trệ của ngành bất động sản, thị trường này còn chịu ảnh hưởng từ sự giảm sút của đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Đáng chú ý, chỉ số CSI 300 - một chỉ số quan trọng của thị trường đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
Không riêng thị trường đại lục, thị trường chứng khoán Hồng Kông cũng không nằm ngoài cuộc. Sau khi đạt đỉnh vào năm 2021, cả hai thị trường đã chứng kiến tổng khoản lỗ hơn 6.300 tỷ USD vốn hóa thị trường, một con số đáng kinh ngạc phản ánh sự bất ổn và không chắc chắn hiện tại trong kinh tế khu vực.
>>Giá vàng tuần tới: USD sẽ là yếu tố dẫn dắt
Theo một báo cáo mới nhất từ Bloomberg, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã chứng kiến sự sụt giảm hơn 1% giá trị trong năm nay, sau khi giảm gần 3% vào năm 2023. Điều này đã dẫn đến một xu hướng đáng chú ý trong cộng đồng tài chính Trung Quốc đó là: do hạn chế trong việc mua USD hoặc các sản phẩm tài chính bằng USD, người dân ngày càng chuyển hướng sang đầu tư vàng. Dù là vàng miếng hay vàng trang sức đều trở thành lựa chọn phổ biến như một phương tiện an toàn và dễ tiếp cận để bảo toàn giá trị tài sản trong bối cảnh đồng tiền quốc gia mất giá.
Ông Gary Ng, Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Natixis cho biết, ngoài nhu cầu bị dồn nén từ việc mở cửa trở lại, đồng Nhân dân tệ yếu đi và thiếu tài sản đầu tư đã thúc đẩy nhu cầu vàng của người tiêu dùng Trung Quốc trong những năm gần đây. Khi các hộ gia đình thận trọng về triển vọng thu nhập và đồng đô la Mỹ suy yếu, mức tiêu thụ vàng của Trung Quốc sẽ giảm tốc và tăng trưởng với tốc độ nhẹ hơn vào năm 2024.
Cơn sốt vàng đã đẩy giá vàng tại Trung Quốc lên mức cao nhất trong 13 năm vào năm ngoái và mở rộng mức chênh lệch với thị trường nước ngoài lên mức lớn nhất trong một thập kỷ.
Thực tế, không chỉ giá vàng tại Trung Quốc mà giá vàng trên thế giới nói chung đã phản ánh các nguyên tắc cơ bản về cung - cầu trên thị trường; thế giới chính trị ngày càng thù địch và tình trạng của nền kinh tế toàn cầu. Mỗi vấn đề trong số ba lĩnh vực này tương tác với nhau sẽ xác định hướng đi và mức độ của tất cả giá cả hàng hóa, bao gồm cả vàng.
Một vị chuyên gia phân tích, sự leo thang ở Trung Đông những ngày gần đây và khó khăn kinh tế diễn ra ở Trung Quốc đang tiếp tục hỗ trợ cho kim loại quý trong hiện tại. Cả vàng, bạc đều có mức tăng giá nhẹ khi thị trường mở cửa trong tuần này và các nhà giao dịch bắt đầu cân nhắc những tin tức mới nhất trên khắp thế giới.
Cụ thể, giá vàng thế giới ngày 29/1 đã thể hiện xu hướng tăng với vàng giao ngay tăng 2,1 USD so với mức chốt phiên tuần trước lên 2.020,9 USD/ounce. Mặc dù mức tăng tương đối nhỏ nhưng chúng đã đảo ngược mức giảm của vàng so với tuần trước.
Sự biến động tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với giá vàng vào thời điểm hiện tại và mức độ không chắc chắn tăng cao. Các vấn đề bất ổn có thể dễ dàng đẩy giá vàng lên cao hơn nữa, thậm chí đạt những kỷ lục mới. Tuy nhiên, thị trường cũng bắt đầu nhạy cảm hơn với tất cả sự hỗn loạn đã diễn ra trong 4 năm qua và có thái độ thận trọng hơn khi phản ứng với những tin tức như vậy.
Có thể bạn quan tâm
Giá vàng tuần tới: Cẩn trọng định hướng mới từ FED
04:20, 28/01/2024
Giá vàng miếng SJC giảm mạnh phiên đầu tuần
13:45, 22/01/2024
Giá vàng tuần tới: USD sẽ là yếu tố dẫn dắt
04:20, 21/01/2024
Giá vàng miếng SJC có thể giảm về mức 69-70 triệu đồng/lượng
05:22, 16/01/2024