Lấp khoảng trống pháp lý về xử lý... nợ xấu
Với các quy định luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14, chuyên gia cho rằng, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ khỏa lấp được khoảng trống pháp lý trong xử lý nợ xấu...
>> “Cú hích” cho xử lý nợ xấu
Số liệu thống kê cho thấy, tổng nợ xấu cuối quý III/2023 của các ngân hàng tăng 61% so với cuối quý trước đó, lên 196.755 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đã đạt 4,95%. Đáng nói, theo các chuyên gia, con số này chưa phản ánh hết thực chất nợ xấu của ngân hàng.
Thực tế, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng cộng với nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 6,16%.
Việc xử lý nợ xấu vẫn còn đó nhiều thách thức và diễn biến khó lường, rủi ro trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng vẫn trực chờ, do các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn dẫn tới khả năng trả nợ bị suy giảm, nhất là khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu đã hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023.
Trước thực trạng đã nêu, việc Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 vừa qua đem đến nhiều kỳ vọng, khi các quy định liên quan đến xử lý nợ xấu tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã được luật hóa.
>> Ba điểm chính trong Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được thông qua
Nhìn nhận xoay quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, vấn đề xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại được Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đặc biệt quan tâm nhằm lấp khoảng trống pháp lý, khắc phục được việc Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã hết hiệu lực. Theo đó, vấn đề xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm được quy định thành một chương riêng (Chương XII) với 6 Điều.
Theo ông Hiển, Luật đã luật hóa một số quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã được kiểm nghiệm từ thực tiễn và mang lại kết quả đạt tốt, đồng thời kế thừa các quy định về bán nợ xấu và tài sản bảo đảm; mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai…
Bên cạnh đó, các quy định về nợ xấu được quy định tại Chương XII của Luật, bao gồm: nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm khoản nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nhưng chưa thu hồi được nợ và đang theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán; nợ xấu mà tổ chức mua bán, xử lý nợ đã mua của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhưng chưa thu hồi được nợ cũng được quy định cụ thể tại Điều 195.
Quy định về mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, theo quy định của Luật tại Điều 197 cũng thể hiện: tổ chức mua bán, xử lý nợ được mua khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị thị trường hoặc mua bằng trái phiếu đặc biệt, được chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Tổ chức mua bán, xử lý nợ chỉ được mua khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo giá trị thị trường. Cùng với đó là quy định về tổ chức mua bán, xử lý nợ được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân; và tổ chức mua bán, xử lý nợ được thỏa thuận với tổ chức tín dụng phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu sau khi trừ giá mua và chi phí xử lý.
Cùng với đó, quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán, bảo đảm sự tương thích với các quy định pháp luật về dân sự, pháp luật về phá sản cũng là một trong những nội dung trọng điểm đó của Chương XII Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
“Những quy định nêu trên sẽ góp phần nhất định giúp các ngân hàng có thêm phương án xử lý các dự án lớn với một phần nhỏ trong đó bị vướng pháp lý, từ đó giúp dòng tiền của các doanh nghiệp được khơi thông, giảm nợ xấu cho các ngân hàng, đặc biệt nhóm ngân hàng niêm yết có tỷ lệ cho vay bất động sản cao; trên bình diện chung, việc quy định xử lý nợ xấu trong Luật góp phần tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu hơn nhằm xử lý nhanh vấn đề nợ xấu, khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế”, vị chuyên gia này nhìn nhận.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng, việc thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) bảo đảm kịp thời và đồng bộ trong hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu.
“Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã được kéo dài nhưng hết hiệu lực từ ngày 01/01/2024. Như vậy, khi Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua sẽ lấp khoảng trống pháp lý về xử lý nợ xấu trong bối cảnh nợ xấu đã và đang gia tăng. Tôi rất mong các bộ ngành và địa phương sớm bắt tay thực hiện Luật”, TS. Cấn Văn Lực bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
“Cú hích” cho xử lý nợ xấu
04:50, 19/01/2024
Kiến nghị gia hạn Nghị quyết 42 để xử lý nợ xấu bất động sản
03:00, 04/01/2024
Kéo dài thời hạn Thông tư 02/2023: Giảm áp lực nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp
05:30, 22/12/2023
Nợ xấu gia tăng, ngân hàng “đau đầu” vì tài sản đảm bảo
03:00, 15/12/2023
Năm 2024: Rủi ro nợ xấu ngành ngân hàng đến từ đâu?
05:23, 11/12/2023