Nâng tầm giá trị sống với không gian xanh

Bài: DIỆU HOA, Thiết kế: THÙY DƯƠNG 13/02/2024 05:00

Sự suy kiệt tài nguyên và tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu là lời cảnh tỉnh dành cho con người. Hình thức phát triển của các ngành nghề hiện đều hướng tới sự bền vững và bảo vệ môi trường.

Nhân dịp chào xuân Giáp Thìn – Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện cùng KTS Lê Hoài – Tổng giám đốc CTCP Kiến trúc & Nội thất OKKO về giải pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho không gian sống.

- "Không gian xanh", "đáng sống" là những cụm từ đang được nhắc đến nhiều hơn gần đây tại Việt Nam. Trên thế giới, sự dịch chuyển này được thể hiện ra sao thưa ông?

Đô thị hóa là một xu hướng không còn xa lạ nữa, nhưng gần đây, hậu quả của điều này dường như đến sát với chúng ta hơn bao giờ. Cụ thể là đại dịch mới năm trước, là bụi mịn ngày ngày nếu ta ngước nhìn, là chứng trầm cảm ngày càng nặng của người thành thị, là sự mất đi có thể nhìn thấy mỗi ngày của cây xanh.

Nhưng nhìn ra thế giới ta cũng có thể nhìn thấy sự dịch chuyển của kiến trúc xanh qua các công trình kiến trúc tiêu biểu và đậm dấu ấn xanh trên thế giới và ở Việt Nam.

Nếu có dịp ghé thăm Úc, chắc hẳn ai cũng biết đến công trình kiến trúc có tên: One Central Park - Sydney, Úc. Có thể nói đây là một trong những dự án nổi bật của kiến trúc xanh, sử dụng mái xanh và hệ thống tưới nước thông minh. Đến đây, ta cũng có thể thấy hệ thống đèn và cảm biến tự động để kiểm soát việc sử dụng năng lượng và giảm tiêu thụ nước.

Ngoài ra, ở Bosco Verticale - Milan, Ý, ta sẽ thấy các tòa nhà có các ban công chứa cây cỏ và cây cảnh, tạo ra một môi trường sống xanh giữa thành phố. Việc này sẽ giúp giảm tiêu thụ năng lượng và tăng khả năng hấp thụ CO2 từ không khí.

Nhìn lại Việt Nam chúng ta cũng có quần thể Hồ Tràm Strip - Bà Rịa - Vũng Tàu.

Các dự án nghỉ dưỡng tại khu vực này thường tích hợp các phương tiện năng lượng tái tạo và kỹ thuật tiết kiệm nước. Một số dự án cũng có các khu vườn và không gian xanh tạo ra môi trường sống thư giãn.

- Để xây dựng một “tổ ấm xanh”, điều mà các chủ nhà cần lưu ý là gì thưa ông?

Ở đây cần hiểu cụm từ “Tổ ấm xanh” là gì? Trước tiên theo quan niệm của tôi, đó là một không gian xanh, gần gũi và thân thiện với thiên nhiên, nơi thực sự có sự bền vững và thực sự là “xanh”.

Là một kiến trúc sư, tôi thường xuyên khuyến khích chủ nhà lựa chọn các vật liệu bền vững, đó là các vật liệu xây dựng có nguồn gốc tái chế hoặc tái tạo, giảm lượng chất thải và ảnh hưởng đến môi trường.

Lựa chọn các vật liệu bền vững có thể làm gia tăng chi phí đầu tư nhưng các chủ nhà sẽ sở hữu một không gian sống bền vững

Ngoài ra lựa chọn các hệ thống năng lượng hiệu quả như đèn LED, thiết bị điện tử tiết kiệm năng lượng và cải thiện cách nhiệt của tòa nhà để giảm tiêu thụ năng lượng cũng rất được lưu tâm trong các công trình dự án tôi phụ trách.

Tiếp theo là khuyến khích tích hợp hệ thống thu thập và tái chế nước, cũng như cải thiện hiệu suất sử dụng nước trong nhà để giảm tác động lên nguồn nước.

Một khuyến cáo không thể bỏ qua đó là sử dụng hệ thống năng lượng tái tạo như pin mặt trời hoặc hệ thống thu gió để giảm phát thải carbon và tiêu thụ năng lượng từ nguồn tái tạo.

Hệ thống thoát nước và xử lý chất thải được lưu tâm đưa vào công trình với mục đích đảm bảo hệ thống thoát nước hiệu quả và lựa chọn các phương pháp xử lý chất thải sáng tạo để giảm tác động đến môi trường.

Với những dự án và công trình của mình, tôi ưu tiên chọn kiểu kiến trúc và thiết kế nhằm tối ưu hóa ánh sáng tự nhiên, thông gió, và tương tác tích cực với môi trường xung quanh.

Không chỉ nhiều cây xanh, việc chọn kiểu kiến trúc và thiết kế tương tác tích cực với môi trường nên được xác định ngay từ khi khởi công.

Ngày nay cùng với công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xu thế hiện nay là hình thành các cộng đồng bền vững, phối hợp, hợp tác với cộng đồng để xây dựng không gian sống bền vững, tạo ra một cộng đồng chủ động trong việc giữ gìn và phát triển môi trường sống xanh...

- Với các chủ đầu tư dự án cần làm gì để thân thiện hóa các dự án nhà ở, thưa ông?

Khi những công trình có diện tích cây xanh sẽ là một mảnh ghép tạo nên một bất động sản có giá trị cao hơn. Cây cối lúc này sẽ là điều đương nhiên, mặc định có một chỗ đứng trong mọi bản quy hoạch từ tổng thể đến chi tiết. Không còn chỉ để trang trí cho đẹp các dự án, mà trở thành một yếu tố không thể tách rời. Thậm chí, trở thành "thương hiệu" cho dự án như Singapore hoặc gần hơn là như chính Đà Lạt trong quá khứ.

Trồng thêm cây xanh lúc này, không còn là một giải pháp tốn kém tiền bạc và diện tích, mà thay vào đó góp phần tăng lên giá trị tổng thể của từng công trình, hoặc cả một dự án.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Bài: DIỆU HOA, Thiết kế: THÙY DƯƠNG