Doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1 tăng tăng 24,8%
Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1/2024 tăng cả số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ, tăng 24,8% số doanh nghiệp, tăng 52,8% số vốn đăng ký và tăng 50,8% số lao động.
>>Kiểm soát lạm phát với chính sách giảm thuế, phí
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ nhấn mạnh tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024, chiều 1/2.
Bộ trưởng Trần Văn Sơn đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội tháng 1/2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực với nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhập trên các lĩnh vực.
“Nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm”, Bộ trưởng Trần Văn Sơn nói.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,37% so với cùng kỳ, chủ yếu do tác động của việc tăng giá dịch vụ y tế và bán lẻ điện theo kế hoạch. Thị trường tiền tệ, tỉ giá cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay duy trì xu hướng giảm.
Ngay từ đầu năm, NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% để các tổ chức tín dụng chủ động triển khai thực hiện. Thu ngân sách Nhà nước đạt 231.000 tỷ đồng, bằng 13,6% dự toán, giảm nhẹ 2,8% so với cùng kỳ.
Xuất nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 64,22 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tăng 42%. Khu vực trong nước tăng 62,6%, cao hơn nhiều khu vực FDI - tăng 35,6%, nhập khẩu tăng 33,3%, xuất siêu 2,92 tỷ USD.
An ninh năng lượng, lương thực được bảo đảm (xuất khẩu gạo tháng 1 đạt 500.000 tấn, kim ngạch 347 triệu USD, tăng lần lượt 39,4% và 86,1% so với cùng kỳ); cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.
Các ngành, lĩnh vực chủ yếu có nhiều tín hiệu tích cực. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam quay trở lại trên ngưỡng 50 điểm trong tháng đầu năm, khi tăng lên mức 50,3 điểm so với 48,9 điểm của tháng 12. Mức tăng là đáng kể nhất kể từ tháng 9/2022.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 18,3% so với cùng kỳ (đây là mức tăng khá cao, thể hiện xu hướng tích cực, trong đó một phần là do năm nay nghỉ Tết rơi trọn vào tháng 2, trong khi năm 2023 nghỉ Tết vào tháng 1), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3%.
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định; bảo đảm nhu cầu tăng vào dịp Tết. Thương mại, dịch vụ khá sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 8,1%. Đón trên 1,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 73,6% so với cùng kỳ.
Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực. Giải ngân vốn đầu tư công tháng 1 ước đạt 2,58% kế hoạch, cao hơn so cùng kỳ (1,81%). Vốn FDI đăng ký đạt 2,36 tỷ USD, tăng 40,2%. Vốn FDI thực hiện đạt 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn số doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ, tăng 24,8% về số doanh nghiệp, tăng 52,8% về số vốn đăng ký và tăng 50,8% về số lao động.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch tiếp tục được đẩy mạnh. Đến nay có 109/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt.
Kinh tế số, chuyển đổi số quốc gia, triển khai Đề án 06, cung cấp dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.
Các lĩnh vực văn hoá, xã hội được chú trọng hơn. Tập trung triển khai công tác đảm bảo người dân được đón Tết Giáp Thìn vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm theo đúng Chỉ thị số 26 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 30 của Thủ tướng Chính phủ.
Xuất cấp 3.700 tấn gạo để hỗ trợ dịp giáp hạt và học sinh vùng khó khăn, con số này không đáng kể so với các năm trước, cho thấy đời sống người dân được cải thiện và các địa phương cũng chủ động hơn trong chăm lo đời sống người dân.
Các hoạt động văn hóa, thể thao mừng Đảng, mừng Xuân được chuẩn bị kỹ, đảm bảo đúng thuần phong, mỹ tục, nét đẹp truyền thống.
“Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Tỉ lệ hộ đánh giá có thu nhập trong tháng 1/2024 không thay đổi và tăng lên so với cùng kỳ năm trước là 92,4%”, Bộ trưởng Trần Văn Sơn bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Hà Nội: Happy Tết 2024 góp phần giúp du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
22:54, 24/01/2024
Top 10 ngành kinh tế trọng điểm Dược, Logistics, Du lịch, Khách sạn
18:02, 23/01/2024
Biển đỏ “dậy sóng”: Nguy cơ “phân mảnh” kinh tế thế giới
14:40, 23/01/2024
Đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch qua di sản văn hóa
03:17, 23/01/2024