“Cuộc chiến” của các nền tảng truyền hình OTT
Thị trường truyền hình trực tuyến Việt Nam đang rất màu mỡ, là nơi mà các nền tảng dịch vụ truyền hình OTT trong và ngoài nước đang tìm mọi cách để khai thác.
Trên thực tế, các nền tảng OTT (On-the-top) là dịch vụ dựa trên web, cung cấp các nội dung âm thanh và video trực tuyến. Người dùng có thể trả tiền cho loại nội dung muốn xem mà không cần phải giao dịch với nhà điều hành cáp, kết nối vệ tinh hoặc các phương tiện phát sóng khác. Từ đó, người dùng có thể xem nội dung chất lượng cao từ mọi nơi trên thế giới.
Cạnh tranh khốc liệt
Ngày nay, các nền tảng dịch vụ truyền hình OTT cung cấp các nội dung HD theo yêu cầu đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Các chương trình truyền hình và phim hàng đầu đều có sẵn trên các dịch vụ phát trực tuyến phổ biến trên internet như Netflix, Amazon Prime hay là Disney+. Điều mà một thập kỷ trước là không thể.
Theo một số liệu thống kê cho thấy, trong số 35 doanh nghiệp tại Việt Nam được cấp phép cung cấp dịch vụ trả tiền, có tới 20 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình OTT. Tuy nhiên, hiện cũng đang có một sự cạnh tranh khốc liệt từ các ứng dụng OTT truyền hình trong nước như K+ với MyK+ NOW, SCTV với SCTV VOD, VTVcab với VTVcab ON và Onme, VTC với VTC Now, FPT với FPT Play, ngoài ra còn có các doanh nghiệp khác như FPT Telecom, VNPT, BHD, Galaxy, Clip TV, Fim+... cũng tham gia vào “cuộc chiến” OTT.
Bên cạnh đó, với sự có mặt của “gã khổng lồ” phát trực tuyến Netflix kể từ tháng 4 năm 2023 và trước đó là các nhà cung cấp truyền hình OTT xuyên biên giới khác như Apple, Tencent và Baidu đang khiến sự cạnh tranh trong thị trường dịch vụ truyền hình OTT Việt Nam càng trở nên nóng hơn.
“Thuê bao truyền hình trả tiền truyền thống phát triển rất chậm, cơ bản đã bão hòa. Trong khi đó, thuê bao truyền hình OTT phát triển như vũ bão. Với xu hướng như vậy, dịch vụ truyền hình OTT sẽ ngày càng chiếm ưu thế. Dư địa để phát triển dịch vụ truyền hình OTT còn rất lớn, nhưng cạnh tranh cũng ngày càng khốc liệt”, ông Nguyễn Chấn, Trưởng phòng Quản lý dịch vụ, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.
Sự khác biệt đến từ nội dung
Trên thực tế, đối với bất kỳ dịch vụ truyền hình nào thì nội dung luôn là yếu tố then chốt để thu hút khách hàng, tạo nên thành công của dịch vụ. Và trong thời đại công nghệ như hiện nay, các tính năng và dịch vụ mới cũng là những điểm cộng quan trọng để giữ chân khách hàng và tìm kiếm thêm khách hàng mới đến với dịch vụ.
Đơn cử như gã khổng lồ Netflix, chiến lược nội dung gốc của nền tảng này xoay quanh việc tạo và phân phối nhiều loại chương trình truyền hình, phim, phim tài liệu gốc chất lượng cao và các hình thức giải trí khác. Họ sản xuất nội dung trên nhiều thể loại và định dạng, đáp ứng các sở thích khác nhau của khán giả. Đồng thời, chiến lược nội dung của Netflix cũng được đầu tư sản xuất bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau để thu hút khán giả trên toàn thế giới. Cách tiếp cận này đã góp phần vào sự tăng trưởng quốc tế của họ.
Một thống kê cho thấy, Netflix hiện đang dẫn đầu trong số các dịch vụ phát trực tuyến trong việc sản xuất nội dung gốc, theo một nghiên cứu độc quyền của BB Media do Media Play News ủy quyền. Nghiên cứu đã xác định tổng cộng 8.877 tựa phim gốc ở Mỹ trên 41 nền tảng phát trực tuyến, Netflix dẫn đầu với 3.260 tựa phim, tương đương gần 37% tổng sản lượng nội dung gốc. Điều này có thể lý giải sức hút với người dùng của nền tảng này tại Việt Nam dù mới “chân ướt chân ráo” đến đây.
Trong khi đó, chia sẻ với DĐDN, bà Tô Nam Phương, Phó Tổng Giám đốc FPT Play thuộc Tập đoàn FPT cho rằng, hiện trạng các nền tảng OTT thuần Việt đang rất khó khăn để cạnh tranh với các nền tảng OTT đa quốc gia như Netflix, Spotify...
Và cuộc cạnh tranh hiện tại đang tập trung vào nội dung gốc (các đơn vị tự phát triển nội dung) với chi phí đầu tư vô cùng lớn. Ngay như FPT, trong chưa đầy 10 năm, tập đoàn đã phát triển và phổ cập được dịch vụ OTT của mình trên thị trường trong nước, kết hợp với truyền hình cáp internet FPT Play đang nắm vị trí hàng đầu trong các OTT Việt, tuy nhiên vẫn gặp muôn vàn khó khăn để tiếp tục phát triển cạnh tranh.
Cũng theo bà Tô Nam Phương, các nền tảng OTT thuần Việt cần được khuyến khích tái đầu tư mạnh mẽ hơn về công nghệ nền tảng, công nghệ truyền tải nội dung bên cạnh việc đầu tư phát triển nội dung để cạnh tranh với các ứng dụng OTT xuyên quốc gia như Netflix, AppleTV+, Spotify…
Có thể thấy, cuộc cạnh tranh của các nền tảng OTT tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại là vô cùng khốc liệt, nền tảng nào cũng nỗ lực để tạo ra sự khác biệt, giữ chân người dùng cũ và thu hút người dùng mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh này việc duy trì được năng lực khai thác những nội dung hay, mới mẻ, lôi cuốn khán giả và đảm bảo độc quyền có thể mới là yếu tố quyết định thành bại của các thương hiệu.
Có thể bạn quan tâm