Tư duy vượt thời đại của Bác Hồ

PGS, TS. TRẦN MINH TRƯỞNG - Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 10/02/2024 05:00

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc phát huy vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

>>Bác Hồ luôn trong tim cán bộ công nhân viên ngành thương mại Việt Nam

Những định hướng của Bác đã trở thành kim chỉ nam cho giới doanh nhân hiện nay không ngừng nỗ lực vì sự cường thịnh của non sông nước Việt.

Trong bức thư Bác gọi giới Công Thương là “các Ngài”. Về vị trí của giới doanh nhân, Bác đã khẳng định: Doanh nhân là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Công thương cứu quốc đoàn - tổ chức của giới doanh nhân là một thành viên của hệ thống chính trị của đất nước – thành viên của mặt trận Việt Minh.

Bác cũng xác định rõ nhiệm vụ xây dựng kinh tế là nhiệm vụ của doanh nghiệp, doanh nhân. Về mối quan hệ giữa công việc của giới doanh nhân và sự nghiệp của đất nước, Bác viết: “Việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng”.

Hồ Chí Minh với việc xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam

Theo quan điểm của Người, mọi lực lượng dân tộc đều là nguồn lực của cách mạng. Ngày 13-10-1945, Hồ Chí Minh viết Thư gửi các giới công - thương Việt Nam. Thư của Người viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”.

Người chỉ đạo Chính phủ tăng cường vận động thực hiện “động viên kinh tế”; chú trọng phát triển công thương - nghiệp; quán triệt trong nhân dân, xóa bỏ tư tưởng: “Trọng nông, ức thương” vốn đã tồn tại bao đời dưới các triều đại phong kiến Việt Nam. Quan điểm của Người là phải tạo mọi điều kiện cho phát triển công - thương nghiệp; xây dựng một nếp nghĩ mới, tập quán mới về phát triển kỹ nghệ và công -thương.

Với sự quan tâm và trực tiếp chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề thực thi chính sách theo hướng hài hòa về lợi ích kinh tế (Nhà nước, tập thể và cá nhân; đẩy mạnh giao thương với bên ngoài, tạo điều kiện cho đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh. Bên cạnh đó, để huy động được mọi lực lượng tham gia kháng chiến, Hồ Chí Minh yêu cầu chính quyền các cấp, từ trung ương đến địa phương phải thực hiện nghiêm chế độ dân chủ tập trung: “khiến cho toàn thể nhân dân (công, nông, tiểu tư sản, tư sản dân tộc) đều trở nên chủ nhân chân chính của nước nhà, đều đoàn kết để kháng chiến kiến quốc”.

 Bác Hồ thăm Phân xưởng May 10 ngày 08/01/1959.

Bác Hồ thăm Phân xưởng May 10 ngày 08/01/1959.

Tại các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương bàn về chuyên đề phát triển Công nghiệp (6-1962), về Lưu thông phân phối (12-1964), Người đã trực tiếp dự và chỉ đạo. Trước hết, Người khẳng định vai trò quan trọng của ngành thương nghiệp và mối quan hệ của nó với công nghiệp và các ngành kinh tế khác, do đó đội ngũ cán bộ phải có trình độ kỹ thuật và am hiểu lĩnh vực được phân công quản lý, điều hành. Hồ Chí Minh phân tích: “Trong nền kinh tế quốc dân có ba mặt quan trọng: nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp. Ba mặt công tác quan hệ mật thiết với nhau. Thương nghiệp là cái khâu giữa nông nghiệp và công nghiệp... Nếu khâu thương nghiệp bị đứt thì không liên kết được nông nghiệp với công nghiệp, không củng cố được công nông liên minh. Công tác thương nghiệp không chạy thì hoạt động nông nghiệp, công nghiệp sẽ bị rời rạc”.

Đặc biệt là để đào tạo được đội ngũ cán bộ, theo Hồ Chí Minh, chúng ta phải biết tranh thủ sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, (chủ yếu Liên Xô và Trung Quốc). Quan điểm xuyên suốt của Hồ Chí Minh là phải kết hợp giữa các nguồn lực; phát huy sức mạnh dân tộc với việc tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế, đặc biệt là trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, cán bộ quản lý. Nhờ có sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, trong thời gian chưa đầy kế hoạch 5 năm, Việt Nam đã hình thành được một đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và cán bộ lãnh đạo, quản lý đông đảo có trình độ cao. Đây là lực lượng cán bộ nòng cốt, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; trong thời kỳ đổi mới, đội ngũ cán bộ đó nhiều người trở thành những nhà lãnh đạo doanh nghiệp tài năng; những doanh nhân thành đạt.

Khẳng định yếu tố quan trọng nhất, quyết định nhất của sự phát triển, phát triển công thương nghiệp, là yếu tố con người, Hồ Chí Minh thường xuyên chỉ đạo phải ra sức đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và cán bộ quản lý nhà máy, xí nghiệp.

 Bác Hồ thăm nhà máy diêm Thống Nhất, năm 1956. (Ảnh: Tư liệu)

Bác Hồ thăm nhà máy diêm Thống Nhất, năm 1956. (Ảnh: Tư liệu)

Để làm tốt công tác đào tạo cán bộ, phải chú trọng mở rộng quan hệ hợp với các nước, tranh thủ học hỏi, áp dụng ngay những thành tựu khoa học, kỹ thuật của thế giới, đó chính là quan điểm: “đi tắt, đón đầu” trong khoa học, công nghệ mà chúng ta đang tiến hành vận dụng hiện nay. Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra cách thức, bước đi trong việc xây dựng nền công nghiệp hiện đại từ một nước nông nghiệp lạc hậu, chỉ ra mối quan hệ biện chứng, mật thiết giữa quan hệ sản xuất với phát triển lực lượng sản xuất; vấn đề xây dựng lực lượng cán bộ nòng cốt, (trong đó có đội ngũ doanh nhân) đối với sự phát triển công - thương nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Có thể nói, những quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ doanh nhân thể hiện tính toàn diện, tính khoa học và nhân văn. Vượt lên trên những định kiến đương thời khi nhìn nhận về vai trò, vị trí của đội ngũ doanh nhân, Người khẳng định, Chính phủ không chủ trương xóa bỏ, tước đoạt toàn bộ kinh tế tư nhân mà vẫn sử dụng nó như một bộ phận hợp thành của toàn bộ nền kinh tế. Không lo sợ dân chúng làm giàu, không sợ sự lớn mạnh, bành trướng của các loại hình kinh tế tư nhân trong điều kiện chính quyền đã thật sự thuộc về tay Nhân dân và vì lợi ích của đại đa số người lao động.

Do đó, nghiên cứu và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ doanh nhân, chắc chắn chúng ta sẽ thành công trên con đường tiến tới mục tiêu mà Đảng và nhân dân ta đã đề ra, xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp phát triển.

>>Bác Hồ và thiết chế dân chủ

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào thời đại mới

Trên cơ sở vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả quan điểm chỉ đạo của Đảng về mục tiêu phương hướng, nhiệm vụ trong xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi”; “Tiếp tục đổi mới phong cách, lề lối điều hành, chỉ đạo tổ chức thực hiện đi đôi với xây dựng bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanhnghiệp và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, khuyến khích phát triển và đổi mới sáng tạo”. Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, cần thực hiện một số vấn đề lý luận và thực tiễn sau đây:

Thứ nhất là, trên tinh thần đổi mới, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”; nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ của Đại hội lần thứ XIII của Đảng; vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ doanh nhân, Đảng, Nhà nước phải tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng cơ chế và thực thi chính sách khuyến khích, tạo điều kiện mọi công dân làm giàu chính đáng, đồng thời tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân.

"Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam" tại số 12 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1.

Không thể có đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, nếu như điều kiện chính trị - pháp lý, môi trường kinh doanh bất bình đẳng, không phù hợp với xu thế phát triển, thậm chí bất chấp quy luật vận động của nền kinh tế thị trường. Mặt khác, soi rọi tư tưởng Hồ Chí Minh, nhìn nhận vào thực tiễn, chỉ khi được đối xử công bằng, bình đẳng trước pháp luật, các doanh nghiệp mới phát triển và hoạt động có hiệu quả, từ đó đội ngũ doanh nhân mới lớn mạnh, trưởng thành. Vì vậy : “Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập”. Chú trọng: “Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo, kinh doanh lành mạnh, cống hiến tài năng”. Bên cạnh đó, phải công khai minh bạch các định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển. Nghiên cứu và hoàn thiện pháp luật về sở hữu, quyền kinh doanh, tạo lập môi trường pháp lý cho cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, xóa bỏ đặc quyền và độc quyền kinh doanh. Thực hiện cơ chế đối thoại, lấy ý kiến của doanh nhân trong quá trình xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến hoạt động kinh tế và hoạt động doanh nhân.

Thứ hai là, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh: “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”; yếu tố con người mang ý nghĩa quyết định. Do đó, phải đổi mới chiến lược đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và xây dựng nguồn lực con người, (con người ở đây là đội ngũ doanh nhân).

Để có được đội ngũ doanh nhân có phẩm chất, trí tuệ, năng lực, bản lĩnh, phải có chiến lược đầu tư phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ doanh nhân cần được học tập, nghiên cứu, đào tạo bài bản; được trải nghiệm trong môi trường thực tiễn ở trong và ngoài nước. Vì thế, cần xây dựng và triển khai chương trình quốc gia về đào tạo doanh nhân, từng bước tiếp cận tiêu chí chuẩn quốc tế.

Đối với đội ngũ doanh nhân, để đáp ứng vai trò, trọng trách trong tình hình mới, Đảng, Nhà nước yêu cầu mỗi doanh nhân: “Trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và văn hóa, đạo đức người kinh doanh; hoạt động sản xuất, kinh doanh tuân thủ đúng pháp luật, quy định của Nhà nước; thể hiện mạnh mẽ vai trò xung kích... trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội... không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng và nâng cao thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh”.

Thứ ba là, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tất yếu sẽ có các tổ chức đại diện của doanh nghiệp và doanh nhân.

Vấn đề là, phải xây dựng cơ chế, bộ máy tổ chức điều hành hoạt động, phát huy vai trò của VCCI, các Hội doanh nghiệp, Hội doanh nhân Việt Nam... xác định đúng vai trò quản lý nhà nước trong tổ chức “kết nối, sẻ chia và lan tỏa” các giá trị tri thức, công nghệ, kinh nghiệm và lợi ích từ sự phát triển. Trên cơ sở đó giúp cho doanh nhân có cơ hội học tập lẫn nhau, rút ra những bài học kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao năng lực tư duy, hoạch định chiến lược phát triển doanh nghiệp và thực hiện trách nhiệm xã hội.

Thứ tư là, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh “về thi dua, khen thưởng”, tổ chức các hoạt động tôn vinh đội ngũ doanh nhân; kịp thời động viên khen thưởng những doanh nghiệp, doanh nhân giỏi, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những hoạt động đó sẽ tạo ra động lực và khát vọng làm giàu chân chính cho cá nhân, khát vọng cống hiến cho đất nước của đội ngũ doanh nhân. Đồng thời, khẳng định sự thành đạt của đội ngũ doanh nhân, sự phát triển, lớn mạnh của các tập đoàn, doanh nghiệp; khẳng định vị thế, vai trò, trách nhiệm xã hội, chính trị của của đội ngũ doanh nhân; tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động, đóng góp nguồn thu nhân sách cho nhà nước, góp phần xây dựng xã hội văn minh, nhân dân hạnh phúc.

Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Cả hệ thống chính trị đồng hành cùng doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện ước nguyện của Bác Hồ kính yêu.

Có thể bạn quan tâm

  • Bác Hồ luôn trong tim cán bộ công nhân viên ngành thương mại Việt Nam

    05:00, 19/05/2023

  • Quan điểm “Đảng ta là một đảng cầm quyền” của Bác Hồ

    02:00, 19/05/2023

  • “Tết trồng cây nhớ ơn Bác Hồ” tại đền Chung Sơn

    22:36, 09/02/2023

  • Trồng 3.000 cây xanh hưởng ứng Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ

    08:00, 09/02/2023

PGS, TS. TRẦN MINH TRƯỞNG - Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh