“Bước chạy đà” của kinh tế Việt Nam trong tháng đầu năm 2024
Trong tháng 01/2024 cả nước có gần 13,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (gấp 2,2 lần so với tháng 12/2023 và giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2023).
>>Năm 2024 hoàn toàn có thể giải ngân được tốt vốn đầu tư công
Con số ấn tượng này vừa được Tổng cục Thống kê cho biết tại Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2024.
Theo đó, trong tháng 1/2024, cả nước có 13,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 151,5 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký hơn 103,4 nghìn lao động, tăng 2,2% về số doanh nghiệp, giảm 2,3% về vốn đăng ký và tăng 31,8% về số lao động so với tháng 12/2023.
So với cùng kỳ năm trước, tăng 24,8% về số doanh nghiệp, tăng 52,8% về số vốn đăng ký và tăng 50,8% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 11,2 tỷ đồng, giảm 4,4% so với tháng trước và tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Nếu tính cả 218,7 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 4,4 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng Một là 370,1 nghìn tỷ đồng, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, cả nước có gần 13,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (gấp 2,2 lần so với tháng 12/2023 và giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 01/2024 lên hơn 27,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Vẫn theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, hoạt động đầu tư trong tháng 1 tập trung thực hiện việc phân khai kế hoạch vốn năm 2024 cho các dự án, công trình mới được bố trí vốn đang trong thời gian chuẩn bị hoàn tất các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư nên khối lượng thực hiện chủ yếu tại các công trình chuyển tiếp. Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 4,4% so với kế hoạch năm và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tháng 01/2024 đạt 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/01/2024 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 01/2024 ước đạt 31,1 nghìn tỷ đồng, bằng 4,4% kế hoạch năm và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 bằng 3,8% và tăng 5,6%)…
Đối với việc thu, chi ngân sách Nhà nước, Tổng cục Thống kê cho biết, trong 15 ngày đầu tháng 1/ 2024, các hoạt động sản xuất kinh doanh chưa đến kỳ kê khai nộp thuế nên ước tính thu ngân sách Nhà nước đạt 2,6% dự toán năm. Chi ngân sách Nhà nước đáp ứng kịp thời nhu cầu chi cho hoạt động của bộ máy Nhà nước, chi trả kịp thời các khoản lương, lương hưu, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội để người dân yên tâm đón Tết.
>>Vì sao IMF nâng triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024?
Về xuất nhập khẩu hàng hóa, Tổng cục Thống kê cũng cho hay, trong kỳ 1 tháng 01/2024 (từ ngày 01/01 đến hết ngày 15/01/2024), tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 29,78 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 4,1%; nhập khẩu tăng 6,8%; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 0,38 tỷ USD.
Theo Báo cáo từ Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 01/2024 tăng 0,21% so với tháng trước, tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,37%) chủ yếu do giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.
Với những tín hiệu tích cực trong tháng đầu năm 2024, chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan về nền kinh tế Việt Nam năm 2024. Càng tự tin hơn khi thời gian gầy đây, nhiều tổ chức nước ngoài đã đưa ra các dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam trong năm nay.
Cụ thể, cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings mới đây đã đưa ra dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 2 năm 2024 và 2025. Cụ thể, Fitch Ratings cho rằng, chính sách tài chính và tiền tệ trong nước của Việt Nam đã hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế, theo đó, Fitch dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,3% vào năm 2024 và 7,0% vào năm 2025.
Còn theo Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) do Ngân hàng Phát triển châu Á công bố mới nhất, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam sẽ được duy trì ở mức 6%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo Việt Nam đứng thứ 20 thế giới với mức tăng trưởng năm 2024, đạt 5,8%.
Tương tự, Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, kinh tế Việt Nam về trung hạn vẫn đầy hứa hẹn và đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 6,7% trong năm 2024 (dự báo đạt 6,2% trong nửa đầu năm và 6,9% trong nửa cuối năm). Đây là mức tăng trưởng cao hơn cả chỉ tiêu Quốc hội Việt Nam giao (6-6,5%). Một số tổ chức khác như: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng hàng đầu châu Á (UOB) cũng đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 ở mức 6%.
Nghị quyết số 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 được thông qua tại Kỳ họp 6, Quốc hội khóa XV đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5%, tốc độ tăng CPI bình quân từ 4 - 4,5%. Ông Trần Văn Lâm, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, đặt mục tiêu tăng trưởng 6% đến 6,5% là khả quan bởi ba trụ cột tăng trưởng: xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng đều rất khả quan.
Theo ông Lâm, với xuất khẩu trong thời gian qua bị kìm hãm nhưng cuối năm đã phục hồi rất tốt, có triển vọng. Trong thời gian tới, nhu cầu thị trường thế giới tăng, khả năng phục hồi của xuất khẩu của nước ta là rõ nét. Cùng với đó, nhu cầu của thị trường trong nước cũng đang có dấu hiệu phục hồi. Cuối năm 2023 và đầu năm 2024, khối lượng tiền lớn từ gói hỗ trợ kích cầu theo Nghị quyết 43 được đưa vào nền kinh tế mới thực sự ngấm, phát huy hiệu quả sẽ tác động lớn tới thị trường. Lượng tiền lớn ra thị trường sẽ kích thích sản xuất, tiêu dùng.
Về đầu tư, theo ông Trần Văn Lâm, đầu tư công vẫn được giải ngân tuy có chậm, song, đầu tư tư nhân sẽ phục hồi bởi sau một năm khó khăn, thị trường và doanh nghiệp cũng dần phục hồi.
“Về tiêu dùng, năm 2024, Việt Nam sẽ thực hiện cải cách tiền lương, điều này cũng tạo sức cầu lớn, do đó, nền kinh tế có cơ sở tăng mạnh hơn năm nay. Nếu như không có những yếu tố tác động ngược chiều, đột biến thì mục tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2024 hoàn toàn có thể đạt được”, ông Trần Văn Lâm nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Dự báo nhu cầu về vàng sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2024
05:30, 02/02/2024
Năm 2024 hoàn toàn có thể giải ngân được tốt vốn đầu tư công
04:48, 02/02/2024
4 nhiệm vụ phải làm năm 2024 để nâng hạng thị trường chứng khoán
04:18, 02/02/2024
Khách Việt "ưu ái" điểm đến nội địa trong dịp Tết Giáp Thìn 2024
03:00, 02/02/2024
Bất động sản công nghiệp kỳ vọng tăng trưởng năm 2024
05:00, 01/02/2024
Vì sao IMF nâng triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024?
04:00, 01/02/2024
Doanh nghiệp kỳ vọng doanh thu du lịch sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2024
02:00, 01/02/2024